Chứng khoán 2021: Kỳ vọng từ dòng vốn đầu tư nước ngoài

Khánh Phương| 30/12/2020 06:47

Sau đợt điều chỉnh bất ngờ trong hơn nửa cuối quý I vì tác động của đại dịch Covid-19, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ kể từ đó đến nay. Dù diễn biến này vẫn không ngăn được nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong những tháng qua, nhưng đang có những dấu hiệu thể hiện động thái quay lại mua ròng của khối ngoại. Và xu hướng này được kỳ vọng sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2021...

Dòng vốn của khối ngoại sẽ quay trở lại

Mới đây, Công ty CP Chứng khoán SSI đã hoàn tất khoản vay hợp vốn tín chấp trị giá 85 triệu USD, tương đương gần 2.000 tỷ đồng, sau khoản vay tín chấp trị giá 55 triệu USD đầu năm 2019. Khoản vay có kỳ hạn một năm đến từ nhóm 9 ngân hàng nước ngoài, đứng đầu là Union Bank of Taiwan (UBOT), dự kiến sẽ giải ngân từ đầu năm 2021. Được biết, SSI sẽ phân bổ vào các mảng kinh doanh như dịch vụ chứng khoán, tự doanh trái phiếu nhằm tăng cường sức cạnh tranh đồng thời tối đa hóa lợi nhuận từ các tài sản có độ rủi ro chấp nhận được.

Nhóm công ty chứng khoán có vốn nước ngoài, đặc biệt là các công ty chứng khoán Hàn Quốc có thể tiếp tục nhận được vốn rót từ tập đoàn mẹ để tăng cường năng lực tài chính và đẩy mạnh quy mô kinh doanh tại thị trường Việt Nam, vốn được dự báo sẽ tiếp tục đi lên. Với chính sách nới lỏng tiền tệ, lãi suất thấp và tiền rẻ bơm ra ồ ạt tại các quốc gia phát triển, dòng tiền này sẽ chạy đến những nền kinh tế còn nhiều tiềm năng với lợi suất sinh lời cao như Việt Nam là điều tất yếu.

bai-2-chungkhoan-1-1884-1609144819.jpg

Trong khi đó, sau khi Kuwait được chuyển sang nhóm chỉ số thị trường mới nổi, chỉ số MSCI Frontier Market 100 sẽ cơ cấu lại và nâng dần tỷ trọng của thị trường Việt Nam theo 5 giai đoạn. Sau đợt cơ cấu lần đầu vào tháng 11 vừa qua, tỷ trọng của Việt Nam đã nâng từ 12,65% lên 15,76% và sẽ bắt đầu tăng dần từ kỳ tháng 5/2021 để đạt mức tỷ trọng theo mục tiêu ở 28,76%, theo đó sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa để thu hút thêm dòng vốn từ các quỹ đầu tư khác giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thực tế cho thấy các quỹ ETF Diamond, Fin lead, Fin select, vốn được lập ra để nhà đầu tư nước ngoài có nhiều lựa chọn hơn khi đầu vào thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là ở nhóm doanh nghiệp lớn đã hết room sở hữu cho nhà đầu tư  nước ngoài, vẫn đang thu hút dòng vốn ngoại rất tốt. Điển hình hồi tháng 8 năm nay, một quỹ đầu tư từ Đài Loan cam kết rót 160 triệu USD, ưu tiên ngành tiêu dùng, tài chính và bất động sản. Đáng lưu ý là số tiền huy động của quỹ này chưa dừng lại.

Nhiều chất xúc tác

Nền kinh tế vẫn giữ được sự ổn định, đặc biệt duy trì tăng trưởng GDP dương trong năm nay, Việt Nam tiếp tục thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài. Với chính sách nới lỏng tiền tệ và lãi suất thấp, các đầu tàu tăng trưởng kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh sẽ giúp đà phục hồi trong năm 2021 còn khả quan hơn, vốn là điều kiện cần thiết cho thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển mạnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam ngày càng tiến gần đến mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi, khi nỗ lực giải quyết những vướng mắc còn lại như vấn đề room ngoại hay thanh toán bù trừ. Luật Chứng khoán sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm 2021 sẽ góp phần gỡ dần những nút thắt này. 

Theo đó, ở tình huống lạc quan, Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE trong kỳ đánh giá vào tháng 9/2021 và được nâng hạng theo tiêu chí của MSCI vào tháng 5/2023. Tuy nhiên, trước đó dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ luân chuyển mạnh và tích cực giải ngân vào Việt Nam để đón sóng nâng hạng.

245545-7389-1609144819.jpg

Quá trình cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước trong hai năm trở lại đây được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hơn trong nhiệm kỳ mới của Chính phủ, đặc biệt khi các vấn đề liên quan đến định giá đất sẽ sớm được giải quyết. Chất xúc tác từ cổ phần hóa dĩ nhiên cũng sẽ thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài tích cực tham gia, mà các thương vụ bán cổ phần tại Sabeco hay Vinamilk trước đây là minh chứng.

Nhìn ra thế giới, giới đầu tư cho rằng nhiệm kỳ tổng thống Mỹ của ông Biden với chính sách đánh thuế nhắm đến người giàu - những người có thu nhập trên 200.000 USD/năm sẽ làm dòng vốn đầu tư dịch chuyển, khi đây cũng là những người hoạt động sôi nổi nhất trên thị trường chứng khoán. Rõ ràng khi nhà đầu tư rót tiền vào chứng khoán Mỹ và biết rằng sẽ bị đánh thuế cao hơn, họ sẽ tìm kiếm các thị trường khác và theo đó sẽ có đợt rút tiền khỏi chứng khoán Mỹ để đổ vào các thị trường khác.

Một điểm đáng lưu ý khác là ngày 18/12/2020, Tổng thống Donald Trump đã ký dự luật có thể đẩy các công ty Trung Quốc khỏi sàn chứng khoán Mỹ, nếu giới chức Mỹ không thể kiểm toán các doanh nghiệp này. Nếu luật hủy niêm yết này có hiệu lực, không ít doanh nghiệp nước ngoài nói chung và Trung Quốc nói riêng sẽ mất đi kênh huy động vốn từ thị trường nếu không đáp ứng yêu cầu từ phía cơ quan quản lý Mỹ. Ngược lại, dòng vốn đầu tư đang hiện diện tại thị trường chứng khoán Mỹ cũng sẽ bị thu hẹp cơ hội và có thể lựa chọn tìm đến các thị trường khác hấp dẫn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán 2021: Kỳ vọng từ dòng vốn đầu tư nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO