Chứng khoán 2019 - một năm nhìn lại

Khánh Phương| 30/12/2019 07:00

Năm 2019 đang dần khép lại, một năm đầy biến động của thị trường tài chính toàn cầu, nhưng lại là khoảng thời gian khá trầm đối với chứng khoán Việt Nam.

Chứng khoán 2019 - một năm nhìn lại

Mặc dù nền kinh tế vẫn tăng trưởng ổn định, nhưng chứng khoán đã không thể có được màn trình diễn xuất sắc như kỳ vọng.

Mặc dù nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định và thuộc nhóm đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu, các chỉ số vĩ mô như tỷ giá, lạm phát ổn định, lãi suất được kéo xuống theo chính sách nới lỏng tiền tệ, dòng vốn đầu tư tăng trưởng mạnh mẽ và xuất siêu kỷ lục, nhưng chứng khoán đã không thể có được màn trình diễn xuất sắc như kỳ vọng.

Mở cửa đầu năm tại vùng 900 điểm, VN-Index duy trì xu hướng đi lên mạnh mẽ đến giữa tháng 3, đạt mức cao nhất ở 1.004 điểm. Tuy nhiên, thị trường điều chỉnh trở lại và mắc kẹt dưới mốc tâm lý 1.000 điểm suốt 7 tháng sau đó. Đợt sóng thứ hai bắt đầu từ giữa tháng 10, đẩy chỉ số tăng nhanh lên mức cao nhất gần 1.030 điểm vào đầu tháng 11, những tưởng đã có thể thiết lập xu hướng tăng trở lại, nhưng chỉ số sau đó bất ngờ lao dốc mạnh mẽ, về tận vùng 950 điểm vào giữa tháng 12.

Tính đến phiên 20/12/2019, VN-Index đóng cửa tại 956 điểm, so với đầu năm dù vẫn tăng 56 điểm, tương đương tăng hơn 6,2%, nhưng nếu so với các kênh đầu tư khác và các thị trường chứng khoán khác, chứng khoán Việt Nam không lấy gì làm hấp dẫn. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục là gánh nặng đè lên tâm lý các nhà đầu tư quốc tế nói chung và nhà đầu tư Việt nói riêng. Dòng tiền dành cho chứng khoán tiếp tục bị hạn chế và cũng bị hút sang kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp vốn có lãi suất cao. 

Link bài viết

Nhiều công ty chứng khoán thậm chí còn khuyến nghị khách hàng của mình nên phân bổ một phần vốn sang trái phiếu doanh nghiệp để hưởng lãi suất cao, cũng như đa dạng hóa danh mục đầu tư trong bối cảnh thị trường cổ phiếu vẫn trì trệ và không có gì chắc chắn.

Tương tự, dòng tiền của khối ngoại cũng suy yếu trở lại so với giai đoạn trước. Sau khi mua ròng trong 7 tháng đầu năm, lên đến gần 12,5 nghìn tỷ đồng, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng không dứt từ tháng 8 đến nay, khiến giá trị mua ròng lũy kế từ đầu năm đến nay không còn bao nhiêu.

Cụ thể, nếu loại trừ các giao dịch thỏa thuận có giá trị lớn, như mua thỏa thuận MSN 1.100 tỷ đồng, mua thỏa thuận VIC 5.800 tỷ đồng thì thực tế khối ngoại đang bán ròng từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, quyết định hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam xuống mức tiêu cực của hãng Moody’s mới đây, sau khi đưa ra cảnh báo từ hồi tháng 10, cũng ít nhiều ảnh hưởng lên chiến lược mua bán của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường.

Năm 2019, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục là gánh nặng đè lên tâm lý các nhà đầu tư quốc tế nói chung và nhà đầu tư Việt nói riêng.

Năm 2019, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục là gánh nặng đè lên tâm lý các nhà đầu tư quốc tế nói chung và nhà đầu tư Việt nói riêng.

Về diễn biến các nhóm ngành, có lẽ nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp thu hút sự quan tâm nhất trong năm 2019. Trước kỳ vọng sẽ được hưởng lợi lớn trước dòng vốn đầu tư quốc tế dịch chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam để tránh rủi ro chiến tranh thương mại, nhiều cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp đã nổi sóng mạnh mẽ trong quý II, đầu quý III, trong đó có cả cổ phiếu trên sàn UPCoM. Tuy nhiên, sự điều chỉnh sau đó cũng mạnh mẽ không kém khi nhiều cổ phiếu rớt về mức giá cũ, khiến nhiều nhà đầu tư gánh chịu khoản thiệt hại không nhỏ vì trót đu theo ngay tại đỉnh.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có diễn biến tốt so với thị trường chung trong năm 2019, khi lợi nhuận các ngân hàng tiếp tục tăng trưởng mạnh, cùng với các thương vụ thâu tóm và sáp nhập, đón nhận dòng vốn đầu tư mạnh mẽ từ cổ đông chiến lược, đối tác nước ngoài, giúp cổ phiếu các ngân hàng như Vietcombank, BIDV trở thành điểm sáng của thị trường và là đầu tàu quan trọng thuộc nhóm VN30 kéo thị trường chung đi lên.

Ngược lại, nhóm cổ phiếu chứng khoán không ngừng suy giảm do thị trường chung diễn biến tiêu cực, giá trị giao dịch giảm ảnh hưởng lên kết quả kinh doanh của nhóm này, cũng như trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt khi một số công ty chứng khoán thi nhau giảm phí giao dịch, thậm chí miễn phí trọn đời.

Năm 2019, thị trường cũng chứng kiến không ít mã cổ phiếu nằm sàn liên tục như cổ phiếu Công ty Cổ phần (CTCP) Đầu tư và Công nghệ HVC (HOSE: HVH), CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (HOSE: RAL), CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á (HOSE: DAH).

Thậm chí, có cổ phiếu giảm sàn đến hàng chục phiên như cổ phiếu CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HOSE: FTM), CTCP Tập đoàn Yeah1 (HOSE:YEG). Những sự kiện bất ngờ ảnh hưởng lên hoạt động của doanh nghiệp, hoặc chỉ đơn giản là do đội lái thao túng giá đã đẩy giá những cổ phiếu này liên tiếp lao dốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán 2019 - một năm nhìn lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO