Chứng chỉ tiền gửi - "Bến đỗ" mới cho nguồn tiền tiết kiệm

LINH CHI| 13/08/2015 01:53

Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm và có xu hướng giảm sâu thêm, các chuyên gia cho rằng, chứng chỉ tiền gửi sẽ là sản phẩm ưu việt mà người gửi tiền có thể tạm thời lựa chọn.

Chứng chỉ tiền gửi -

Các chuyên gia tài chính cho rằng, sẽ có thêm một làn sóng giảm mạnh lãi suất ở những kỳ gửi ngắn hạn. Do đó, người gửi tiền cần có những lựa chọn bổ sung để đảm bảo quyền lợi tối đa.

Đọc E-paper

Lãi suất tiết kiệm "hẹp"

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong gần 1 tháng nay, khá nhiều NH điều chỉnh giảm lãi suất huy động xuống khoảng 0,1- 0,3%/năm ở các kỳ hạn.

Theo đó, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND tại các NH phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.

Lãi suất huy động USD phổ biến bằng mức trần do NHNN quy định là 0,25%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và 0,75%/năm đối với tiền gửi của dân cư.

Thực tế, từ thời điểm tháng 6, một số NH lớn như Vietcombank, Agribank, BIDV, Viettinbank... đã đồng loạt đưa trần lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 3-6 tháng về dưới 5% một năm, thấp hơn so với mức trần quy định.

Đây là làn sóng giảm lãi suất tiếp theo trong tháng 7 và tháng 8 đối với khu vực lãi suất huy động, qua đó, cũng thấy được lượng vốn của NH khá dồi dào.

Thậm chí, một chuyên gia tài chính nhận định sẽ có thêm một làn sóng giảm lãi suất mạnh nữa trong tháng 9-10, khi tăng trưởng tín dụng tại các NH không có nhiều thay đổi. Nguyên lãnh đạo một NHTM xác nhận tăng trưởng tín dụng tại một số NH vẫn âm do sự hấp thụ của nền kinh tế khó khăn.

>>Siết tín dụng, “nghẹt” tiến độ?

Do vậy, nếu vẫn huy động vẫn giữ ở mức cao thì các NH càng khó cho vay. Cũng theo vị này, các NH đang phải chịu chi phí huy động cao trong khi cho vay khó khăn, trích lập dự phòng lớn.

Cũng có chung lý do nhưng lãnh đạo Agribank chi nhánh phía Nam bổ sung, việc huy động với lãi suất thấp sẽ giúp trả lại "đường cong lãi suất". "Quyết định này phù hợp với tín hiệu thị trường để cho kỳ hạn ngắn trở về lãi suất thấp, kỳ hạn dài hưởng lãi suất cao", vị này nói.

Dưới góc nhìn của nhiều người, việc NH kéo lãi suất huy động về thấp là một tín hiệu tích cực bởi có thể sẽ kéo theo mặt bằng lãi suất cũng như lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, điều này lại gây ra thiệt thòi đối với người gửi tiền tiết kiệm thuần túy, và nếu làm không khéo, sẽ phần nào ngăn chặn tâm lý gửi tiền của người tiêu dùng, khiến họ sẽ quay sang đầu tư tiền vào những kênh khác tốt hơn.

Giống như thời điểm đầu tháng 6, khi một số NH "đi trước" trong việc giảm lãi suất huy động, thị trường mong chờ sẽ có động thái giảm tiếp theo trên toàn hệ thống.

Tuy nhiên, thời điểm này, các kênh đầu tư chứng khoán và bất động sản tăng trưởng trở lại, khiến tiền gửi tiết kiệm tại một số NH có phần "hụt" vì lãi suất gửi tiết kiệm đã không còn hấp dẫn.

>>Nielsen: Người Việt vẫn chuộng kênh tiết kiệm

Công bằng trong tất cả các lợi ích

Khi được hỏi về lợi ích của người gửi tiền, một lãnh đạo của NH TMCP Việt Á (VietA Bank) chia sẻ, nguồn tiền gửi tiết kiệm rất quan trọng đối với cơ cấu hoạt động của NH.

Đặc biệt, với những NH cổ phần nhỏ, nếu giảm mạnh lãi suất huy động sẽ dễ mất khách hàng. Trong bối cảnh lãi suất có xu hướng giảm thêm, một số NH phải có những chính sách riêng để đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền.

Trong đó, phát hành chứng chỉ tiền gửi là giải pháp được nhiều NH áp dụng. Đơn cử, VietA Bank triển khai chương trình Chứng chỉ tiền gửi "Gắn kết - Phát triển" cho khách hàng DN, đặc biệt là các DN thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Khi sử dụng phương thức này, nguồn tiền nhàn rỗi của DN sẽ được sinh lời tối đa nhờ mức lãi suất hấp dẫn.

Nếu so sánh với mức lãi suất huy động thông thường 5-7%/năm như hiện tại, khách hàng lựa chọn gửi chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn dài thì mức lãi suất chênh lệch khá cao.

>>HD Bank phát hành chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn

Ví dụ, với kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất khoảng 7%/năm; 9 tháng là 8%/năm; 12 tháng hơn 8%/năm; 24 tháng hơn 8,6%/năm và 36 tháng có thể lên đến 9%/năm...

Ngoài những ưu đãi về lãi suất, các NH còn có chính sách khuyến mại đối với các khách hàng sử dụng sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với giá trị lớn, cụ thể đối với khách hàng DN, NH không chỉ ưu đãi thêm lãi suất mà còn cho phép khách hàng "cầm cố” chứng chỉ tiền gửi với lãi suất hợp lý...

Thực tế, loại hình phát hành chứng chỉ tiền gửi, huy động vốn qua tài khoản tiền gửi tiết kiệm, phát hành giấy tờ có giá... được triển khai từ lâu và có ở hầu hết các NH.

Tuy nhiên, trước đây, khi lãi suất huy động ở mức cao nên nhiều người không để ý lựa chọn đến loại hình tiết kiệm này bởi còn tồn tại một số hạn chế.

Chẳng hạn, với chứng chỉ tiền gửi, khách hàng không được thanh toán trước hạn. Nếu có nhu cầu về vốn mà giấy tờ có giá chưa đến hạn thanh toán, người gửi chỉ có thể cầm cố với giá vay vốn cao hơn lãi suất gửi.

Thế nhưng, trong bối cảnh lãi suất huy động giảm và có xu hướng giảm sâu thêm, các chuyên gia cho rằng, đây là sản phẩm ưu việt mà khách hàng có thể tạm thời lựa chọn.

Trước hết, sản phẩm này đáp ứng được nhu cầu về lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn. Trong trường hợp dòng tiền cần linh hoạt thì người gửi cũng có thể "cầm cố” sổ tiết kiệm với lãi suất hợp lý...

>>NHTM vẫn âm thầm tăng lãi suất tiền gửi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng chỉ tiền gửi - "Bến đỗ" mới cho nguồn tiền tiết kiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO