Chốt lời hay thoát hàng?

MINH TRIỆU| 13/10/2011 03:12

Một số cổ đông lớn đăng ký bán ra đã tạo những nghi ngại khác nhau trong giới đầu tư.

Chốt lời hay thoát hàng?

Một số cổ đông lớn đăng ký bán ra đã tạo những nghi ngại khác nhau trong giới đầu tư.

Dự đoán cao điểm thoái vốn sẽ rơi vào năm 2013 - Ảnh: Quý Hòa

Thời gian qua, các cổ đông lớn đã liên tiếp đăng ký bán ra MSN (Masan). Ngày 19/9, Quỹ Private Equity New Markets (PENM II) do BankInvest quản lý đã bán ra 4 triệu CP này vào mức giá trên dưới 150.000 đồng/CP, thu về số tiền lãi ước tính hơn 20 triệu USD.

Cuối tháng 9, PENM II tiếp tục đăng ký bán 1 triệu MSN từ ngày 4/10 - 4/11. Từ ngày 30/9 - 30/10, ông Hồ Hùng Anh, Phó chủ tịch HĐQT MSN cũng đăng ký bán ra 2 triệu MSN.

Trước những diễn biến trên, ThS. Đào Trung Kiên, Đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định: Với mức giá trên 100.000 đồng/CP của MSN, các cổ đông lớn mua vào giá gốc đã lãi lớn, nên chuyện họ chốt lời là đương nhiên.

MSN là một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nên trong thời gian tới, CP này sẽ còn được chú ý nhiều, đặc biệt là khối ngoại. Nhưng nhà đầu tư nên lưu ý tại một số thời điểm MSN bị tác động bởi yếu tố đầu cơ, đặc biệt là các quỹ ETF. Và đây mới chính là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến giá CP này.

Từ 13/9 - 13/11, Vietnam Debt Fund SPC/do Dragon Capital (DC) quản lý sẽ bán ra toàn bộ 1.085.760 cổ phiếu (CP) REE (Công ty CP Cơ điện lạnh). Một cách lý giải quen thuộc được nhiều người đưa ra là các quỹ do DC quản lý đã nắm giữ REE từ lâu thành ra bây giờ có bán cũng là... chuyện thường.

REE hiện đang giao dịch ở mức giá trên dưới 12.000 đồng/CP, khá hấp dẫn và lượng cung hơn 1 triệu CP từ Vietnam Debt Fund bán ra trong vòng 2 tháng cũng rất dễ dàng để thị trường hấp thụ hết.

Một quỹ khác do DC quản lý là Dragon Capital Vietnam Mother Fund (DCVMF) cũng đăng ký bán 5 triệu cổ phiếu IJC (Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật) từ 26/9 - 25/11.

Chỉ trong 5 ngày cuối tháng 9, DCVMF đã bán được hơn 2,6 triệu CP IJC. Giai đoạn này, IJC cũng đạt mức giá “đỉnh” 14.100 đồng/CP và một cổ đông tổ chức khác là BIDV lại đăng ký bán ra từ ngày 3/10 - 2/12.

● Số lượng vốn thoái đầu tư trong năm tới được ước tính vào khoảng hơn 3.400 tỷ đồng (tính theo giá trị hiện thời) và sẽ tiếp diễn cho đến năm 2015. SGI Capital, Công ty đầu tư của Saigon Invest Group, ước tính sẽ có hơn 63.000 tỷ đồng có thể rút ra khỏi thị trường chứng khoán trong 4 năm tới.
● Theo Citigroup, giới đầu tư đã rút về 3,3 tỷ USD khỏi các quỹ chứng khoán thị trường mới nổi trong tuần kết thúc ngày 5/10, lớn nhất kể từ ngày 9/8.
● Citigroup cho biết, các quỹ chứng khoán thị trường mới nổi ghi nhận tuần thứ 10 liên tiếp dòng vốn rút chạy, lớn nhất kể từ tháng 8 trong bối cảnh suy thoái và lo ngại khủng hoảng nợ châu Âu. Citigroup dẫn nguồn EPFR Global cho biết, giới đầu tư đã rút về 3,3 tỷ USD trong tuần kết thúc ngày 5/10, so với 2,6 tỷ USD trong tuần trước đó. Đây là dòng vốn rút chạy lớn nhất kể từ tuần kết thúc ngày 9/8, khi lượng vốn rút về lên tới 7,7 tỷ USD.

Hơn 2 tháng trước, IJC chỉ mới có giá hơn 6.000 đồng/CP, và CP này đã tăng mạnh nhờ được đưa vào rổ tính chỉ số FTSE VietNam Index. Ngày 5/10, IJC đã thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh 2011, doanh thu giảm từ 2.031 tỷ đồng xuống 1.513 tỷ đồng, lợi nhuận giảm từ 519 xuống 310 tỷ đồng.

IJC điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh, mà tỷ lệ điều chỉnh lên đến 40% (lợi nhuận) trong khi 2 tổ chức đăng ký bán ra, điều này rất đáng để suy nghĩ.

Nhiều nhà đầu tư đã nhận định việc thoái vốn của các quỹ nước ngoài trong thời gian tới có thể xảy ra hàng loạt do đến thời hạn đóng quỹ.

Ngoài nguyên nhân nhiều quỹ đã đến thời điểm đóng quỹ, một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến áp lực thoái vốn là giá cổ phiếu trên sàn liên tục sụt giảm khiến cho giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ đầu tư sụt giảm mạnh.

Thực tế, gần đây đã có doanh nghiệp niêm yết đã bị quỹ nước ngoài thoái vốn như: Sacombank, Vinamilk... Theo xu thế này, dự báo làn sóng thoái vốn của các quỹ đầu tư chứng khoán sẽ tăng cao vì đến thời hạn giải thể và người ta dự đoán cao điểm của làn sóng này là năm 2013.

Số lượng vốn thoái đầu tư trong năm tới được ước tính vào khoảng hơn 3.400 tỷ đồng (tính theo giá trị hiện thời) và sẽ tiếp diễn cho đến năm 2015. SGI Capital, Công ty đầu tư của Saigon Invest Group, ước tính sẽ có hơn 63.000 tỷ đồng có thể rút ra khỏi thị trường chứng khoán trong 4 năm tới.

Ngày 16/9, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã cảnh cáo trên toàn thị trường đối với cổ phiếu HQC của Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân vì đã liên tục vi phạm về công bố thông tin. HQC đã chậm nộp báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm.

Mới tuần rồi, HQC thông báo đã nộp báo cáo tài chính soát xét 6 tháng cho HOSE nhưng vẫn chưa hoàn thành kịp báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng soát xét (Lưu ý: báo cáo tài chính soát xét 6 tháng và báo cáo tài chính hợp nhất soát xét là khác nhau).

Theo giải trình từ phía HQC, do công ty tiến hành tái cơ cấu, thoái vốn tại các công ty con làm phát sinh khối lượng công việc của phòng kế toán tài chính và đơn vị kiểm toán, không lường trước được thời gian dự kiến.

Tin lý do của HQC đưa ra nhưng một số cổ đông lại thấy khó hiểu khi ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT HQC đã công bố bán ra 4,5 triệu CP từ ngày 8 - 27/9.

Trong giai đoạn vị này bán ra, giá HQC trên thị trường chỉ vào khoảng 13.000 - 14.000 đồng/CP không quá thấp, nhưng cũng không quá cao. Bên cạnh đó, CP bị cảnh cáo trên toàn thị trường, công ty lại đang tiến hành tái cấu trúc tức là cũng đang gặp những thách thức, Chủ tịch HĐQT lại đi bán CP đã khiến nhiều người phải đặt dấu hỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chốt lời hay thoát hàng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO