Tiền lớn bắt đáy?
Trong vòng nửa đầu tháng 11, vốn hóa của sàn HoSE đã giảm gần 19 tỷ USD, trước những ảnh hưởng của hàng loạt cổ phiếu bị bán giải chấp. Đặc biệt, trong đợt giải chấp vừa qua, không còn là tài khoản của những nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, mà chủ yếu đến từ những "tay to", từ cổ đông lớn nội bộ cho đến lãnh đạo doanh nghiệp (DN)- những người đã cầm cố một lượng lớn cổ phiếu để vay margin bổ sung vốn kinh doanh.
Không chỉ vậy, các công ty chứng khoán cũng điều chỉnh chính sách vay margin, khi liên tục loại bỏ hàng loạt cổ phiếu ra khỏi danh mục được phép vay ký quỹ, khiến sức ép bán giải chấp càng tăng. Từ đó càng khiến tâm lý nhà đầu tư lo lắng và áp lực bán ra bằng mọi giá gia tăng. Về phần mình, các công ty chứng khoán cũng thận trọng về xu hướng của VN-Index, thậm chí khá bi quan khi chưa biết đợt sụt giảm khi nào dừng lại.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 11 đến nay, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có những tín hiệu phục hồi. Trong phiên ngày 16/11/2022, riêng sàn HoSE đã có hơn 934 triệu cổ phiếu khớp lệnh, lượng giao dịch kỷ lục trong nhiều tháng qua, đồng thời chỉ số VN-Index từ giảm gần 39 điểm chuyển sang tăng gần 31 điểm khi đóng cửa. Có vẻ như dòng tiền bắt đáy đã khởi động.
TTCK tiếp tục diễn biến tích cực kể từ đó đến nay, đặc biệt có những phiên từ giảm sâu chuyển sang đóng cửa trong sắc xanh, như phiên ngày 18/11/2022, giảm 29 điểm nhưng cuối cùng vẫn tăng nhẹ. Diễn biến này cho thấy thị trường đang có những nỗ lực tạo đáy và bật trở lại, đặc biệt là đi cùng với điểm số tăng, thanh khoản trong những phiên vừa qua cũng tăng mạnh, cho thấy dòng tiền đã luân chuyển linh hoạt hơn.
Song song với diễn biến đi lên của thị trường chung, những cổ phiếu bị bán giải chấp tại sàn giao dịch chứng khoán với số lượng hàng chục triệu mỗi phiên cũng đã được "giải cứu". Nhóm cổ phiếu bất động sản có những mã trước đây liên tục giảm sàn thì những phiên vừa qua đã tăng trần, theo đó các nhà đầu tư bắt đáy đúng thời điểm đã sinh lời vài chục % trong một vài phiên giao dịch.
Yếu tố hỗ trợ
Nền kinh tế ổn định, lãi suất và tỷ giá USD/VND "hạ nhiệt" đã khiến nhà đầu tư phần nào yên tâm, do đó mạnh dạn "xuống tiền" bắt đáy. Cũng đang có những tin tức cho thấy room tín dụng còn lại của năm nay sẽ được nới thêm, hóa giải tình trạng tắc nghẽn vốn trong thời gian qua.
Đây có thể là một tin hỗ trợ tích cực với TTCK. Trong khi đó, đang có những kỳ vọng thị trường trái phiếu DN hay lĩnh vực bất động sản có thể được xem xét "giải cứu".
Hiện, có những đề xuất sửa đổi Nghị định 65 (Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế) để giảm bớt áp lực mua lại trái phiếu của DN, cũng như tạo điều kiện thông thoáng hơn cho các đợt phát hành trong tương lai, giúp DN tránh được tình trạng bị đứt gãy dòng tiền. Nếu trái phiếu DN sớm được giải quyết, khó khăn của nhóm DN bất động sản cũng sẽ được hóa giải phần nào.
Không ít công ty phát hành trái phiếu gần đây phải liên tục gặp gỡ nhà đầu tư và cam kết về việc thanh toán đủ lãi và gốc cho các lô trái phiếu khi đến hạn. Dù vậy cũng chưa đủ để nhà đầu tư yên tâm nên buộc họ phải đưa ra kế hoạch mua lại trái phiếu trước hạn.
Đây là những thông tin đã giúp tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn và đưa TTCK tăng lại từ giữa tháng 11 đến nay. Việc mua ròng trở lại của khối ngoại cũng giúp tăng lực cầu, kéo nhiều cổ phiếu bật tăng. Ước tính khối ngoại đã mua ròng hơn 9.000 tỷ đồng tính từ đầu tháng 11 đến nay, trong đó có những phiên mua ròng liên tiếp 1.000-2.000 tỷ đồng tính riêng trên sàn HoSE.
Những tin tức về kết quả kinh doanh cả năm hay kế hoạch cho năm mới dần được hé lộ cũng là chất xúc tác giúp giá cổ phiếu tăng từ đầu năm 2023 nên nhiều nhà đầu tư đã quyết định bắt đáy sớm, nhất là khi TTCK đã giảm quá đà trong hai tháng qua đưa nhiều cổ phiếu về vùng giá rất hấp dẫn.