Doanh nhân hiến kế, đất nước hưng thịnh! |
Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” do Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng chủ trì chỉ đạo, tổ chức, dự kiến chính thức phát động vào ngày mai 3/9/2019 tại Hà Nội. Báo Doanh Nhân Sài Gòn là thành viên Ban tổ chức.
Cuộc vận động “Doanh nhân, doanh nghiệp đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” được tổ chức nhằm khẳng định sự coi trọng của Đảng và Nhà nước đối với doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước thông qua việc doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế và cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài trực tiếp tham gia cùng với Đảng và Nhà nước trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế; khai thác tối đa trí tuệ, sức sáng tạo to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, qua đó tạo sức lan toả mạnh mẽ, sâu rộng trong cộng đồng về ý thức trách nhiệm với đất nước.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất |
Cuộc vận động nhằm tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa Đảng và Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở: doanh nghiệp, doanh nhân hết lòng vì Đảng, Nhà nước và phụng sự tổ quốc, nhân dân; khẳng định Đảng và Nhà nước trân trọng lắng nghe các ý kiến góp ý, tiếp thu các đề xuất, sáng kiến hay của doanh nghiệp, doanh nhân để lãnh đạo, điều hành đất nước phát triển nhanh và bền vững;
Bên cạnh đó, Cuộc vận động còn tuyên truyền, phổ biến, quán triệt rộng rãi và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong việc thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khoá XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 11-NQ/TW); cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước (Nghị quyết số 12-NQ/TW); phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 10-NQ/TW);
Cuộc vận động hướng tới huy động trí tuệ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân người Việt Nam trong và ngoài nước trong nhận diện, phản ánh các vấn đề ách tắc, vướng mắc và đề xuất, góp ý với Đảng và Nhà nước về các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế; nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII và góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.
Các Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII của Đảng là các chủ trương lớn, quan trọng, đúng đắn, khi ban hành đã tạo tiếng vang lớn và được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước. Các Nghị quyết được đánh giá bao trùm cũng như trực diện vào những vấn đề cốt lõi, sau hơn hai năm thực hiện đã bước đầu đi vào cuộc sống và đem lại nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp, doanh nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và nền kinh tế nước ta chưa phát triển nhanh và bền vững, trong đó có nguyên nhân quan trọng là thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ đang là lực cản cho quá trình đổi mới và phát triển kinh tế của nước ta cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân.
Các góp ý, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân nhằm nhận diện, phản ánh về các vấn đề lớn, quan trọng cần phải giải quyết; những khó khăn, cản trở trong thực tiễn phát triển kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, đồng thời góp ý, đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, trọng tâm là các nội dung:
- Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;
- Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức tín dụng;
- Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đối tượng tham gia của Cuộc vận động là các doanh nghiệp, doanh nhân của Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, bao gồm doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp của tư nhân, hộ kinh doanh cá thể, liên minh hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, hội/hiệp hội ngành, nghề và cá nhân là người Việt Nam có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam; các doanh nghiệp do người Việt Nam ở nước ngoài làm chủ sở hữu và các doanh nhân Việt Kiều, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.