Hime và Mayumi Shioda tại "văn phòng chó" của Fujitsu ở Kawasaki. Ảnh: Noriko Hayashi/Bloomberg |
"Tôi thích nhìn cảnh Hime nhận được tất cả sự quan tâm và chú ý từ mọi người", Shioda nói, sau khi ngồi xuống bên cạnh cô cún cưng của mình trên chiếc ghế sofa.
Hime (tiếng Việt nghĩa là "Công chúa" hoặc "Tiểu thư") năm nay 11 tuổi, thuộc giống Shiba. Mỗi ngày, Hime đều mất 30 phút để đi đến văn phòng làm việc của Shioda - nơi cô chó với bộ lông màu nâu đen này sẽ dành cả ngày trọn để ngủ, ăn và chơi đùa ngay bên cạnh chủ nhân.
Theo Bloomberg, Hime chỉ là một trong số hàng chục chú chó được cho phép đến công sở cùng chủ nhân của mình - các nhân viên đang làm việc tại "văn phòng chó" của Công ty Công nghệ thông tin Fujitsu. Nằm cách trung tâm Tokyo khoảng nửa tiếng đi tàu, toà nhà với "văn phòng chó" đang được Fujitsu thử nghiệm từ nay đến cuối năm nay nhằm cải thiện sức khỏe và năng suất cho nhân viên.
Nguyên nhân đằng sau sáng kiến này đến từ một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Animals vào năm 2021, cho biết việc có chó trong văn phòng sẽ thúc đẩy nhiều tương tác xã hội và trao đổi hơn giữa các phòng ban, đồng thời góp phần mang đến hạnh phúc và sự hài lòng hơn trong công việc.
"Các sếp và đồng nghiệp thuộc nhiều bộ phận khác mà tôi vốn không thường xuyên tiếp xúc đã đến gặp Hime và giỡn với nó y như với trẻ con, nói rằng nó rất dễ thương. Khi nhìn thấy khía cạnh mới này của họ, tôi cảm thấy như nó cho tôi cơ hội để tương tác với họ nhiều hơn. Nó làm cho công việc ở đây cũng dễ dàng hơn", Shioda bày tỏ.
Paul - một chú Poodle, tranh thủ uống nước trong khi chủ nhân làm việc tại Fujitsu. Ảnh: Noriko Hayashi/Bloomberg |
Trên thực tế, nhiều công ty công nghệ lớn ở Mỹ đã cho phép nhân viên mang chó đi làm cùng trong nhiều năm. Ví dụ, tại trụ sở chính ở Seattle của Amazon, có khoảng 4.000 con chó được đăng ký đi làm cùng chủ nhân. Tại một trong các tòa nhà của công ty, có hẳn một khu vườn công nghệ cao nằm trên mái nhà dành riêng cho chó.
Riêng Alphabet cho biết chó là một phần không thể thiếu trong văn hóa của họ và công ty có hẳn một công viên dành cho chó tại khuôn viên Mountain View với tên gọi The Doogleplex. Salesforce cũng có không gian làm việc chung cho phép nhân viên ở cùng với cún cưng của mình gọi là Puppyforce. Cả Meta, Lyft hay Netflix cũng đều cho phép nhân viên mang chó đi làm.
Và, tại Nhật Bản, Fujitsu là một trong số những công ty học hỏi văn hoá này từ Thung lũng Silicon. Giám đốc Nhân sự Hiroki Hiramatsu cho biết: "Chúng tôi đã nghiên cứu các công ty công nghệ lớn ở Mỹ và lấy cảm hứng để tạo nên một văn phòng với cách bố trí phù hợp cho việc nhân viên cùng đến, trò chuyện và động não với nhau".
Ngoài Fujitsu, WeWork cũng cho phép mang chó đi làm tại các văn phòng của mình ở Tokyo. Được biết, các "văn phòng chó" sẽ được trải thảm chống ố, với thức ăn cho chó cùng khu vui chơi trong nhà đủ rộng để chơi ném và nhặt đồ vật giữa các cuộc họp.
"Văn phòng chó" nằm ở khu vực kín của toà nhà để những người bị dị ứng, hoặc không thích chó, vẫn có thể làm việc ở đó. Một thang máy chuyên dụng cũng được sắp xếp để chỉ dừng ở khu vực dành riêng cho chó trên tầng 25.
Paul - một chú Poodle, tranh thủ uống nước trong khi chủ nhân làm việc tại Fujitsu. Ảnh: Noriko Hayashi/Bloomberg |
Theo Bloomberg, số lượng công ty cho phép mang chó đi làm cùng và thiết kế hẳn một văn phòng để phục vụ cho mục đích ấy như Fujitsu là khá hiếm tại Nhật Bản - đất nước vốn nổi tiếng với văn hóa công sở hết sức nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, giống như ở nhiều nước khác, đại dịch Covid-19 đã và đang buộc các công ty Nhật chuyển sang hình thức làm việc từ xa cũng như đề ra thách thức với truyền thống làm việc nhiều giờ ở văn phòng. Do đó, sẽ không lạ nếu ngày càng nhiều công ty theo bước Fujitsu để cải thiện năng suất và tăng hạnh phúc cho nhân viên.