Lý do Mỹ viện trợ tên lửa Patriot cho Ukraine

Khởi Vũ| 22/12/2022 06:05

Cả Ukraine và Nga đều đánh giá việc chuyển giao hệ thống tên lửa Patriot là một biểu tượng cho sự can thiệp của phương Tây vào cuộc xung đột.

Lý do Mỹ viện trợ tên lửa Patriot cho Ukraine

Ngoài Mỹ, 16 nước đã mua hoặc triển khai Patriot và nó cũng được sử dụng trong hệ thống phòng không của NATO. Ảnh: NBC

Trong khuôn khổ chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Volodymyr Zelensky từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ, Nhà Trắng đã xác nhận Mỹ sẽ chuyển tên lửa Patriot cho Ukraine.

"Tổng thống Joe Biden sẽ công bố gói hỗ trợ an ninh mới trị giá gần 2 tỷ USD cho Ukraine. Gói hỗ trợ sẽ bao gồm hệ thống tên lửa Patriot, là yếu tố quan trọng để bảo vệ Ukraine trước các cuộc tấn công của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng", Nhà Trắng ra thông cáo trên cổng thông tin ngày 21/12/2022.

Bên cạnh đó, Nhà Trắng nói Mỹ sẽ đào tạo lực lượng Ukraine cách vận hành hệ thống tên lửa Patriot và Washington cũng sẽ ưu tiên hỗ trợ thiết bị phòng không khác cho Ukraine như tên lửa NASAMS, HAWK, Stinger và thiết bị chống máy bay không người lái (UAV).

Nhận xét về việc Mỹ viện trợ tên lửa Patriot cho Ukraine, Bloomberg cho biết dù hệ thống tên lửa này không có khả năng chấm dứt hoàn toàn các cuộc tấn công, cả Ukraine lẫn Nga đều xem trọng quyết định này, đánh giá nó ít nhất là một biểu tượng cho sự can thiệp của phương Tây vào cuộc xung đột. Vậy, hệ thống tên lửa này là gì và đâu là lý do Mỹ viện trợ nó cho Ukraine?

Link bài viết

1. Hệ thống tên lửa Patriot là gì?

Cùng với tên lửa, tổ hợp Patriot gồm radar và trạm điều khiển để xác định, theo dõi và nhắm mục tiêu vũ khí, bệ phóng tên lửa và phương tiện hỗ trợ của địch.

Trong đó, Tập đoàn Lockheed Martin là nhà sản xuất tên lửa, còn Tập đoàn Raytheon Technologies sản xuất radar và các bộ phận kiểm soát mặt đất. Tên gọi Patriot là viết tắt từ "Phased Array Tracking Radar to Intercept on Target".

2. Lịch sử phát triển của Patriot?

Kế hoạch cho hệ thống tên lửa Patriot manh nha vào đầu những năm 1960. Từ khi lần đầu được sử dụng vào những năm 1980, hệ thống này đã trải qua nhiều lần nâng cấp đáng kể, từ cải thiện độ chính xác của các radar cho đến độ sát thương của tên lửa.

Hệ thống này được triển khai tới châu Âu và sử dụng trong Chiến tranh vùng Vịnh ở Iraq. Theo Raytheon, trên toàn cầu, tổ hợp Patriot đã đánh chặn được hơn 150 tên lửa đạn đạo trong chiến đấu từ tháng 1/2015. 

Ngoài Mỹ, 16 nước đã mua hoặc triển khai Patriot và nó cũng được sử dụng trong hệ thống phòng không của NATO. Quân đội Mỹ có 15 tiểu đoàn Patriot và một số đã được đưa đến châu Âu sau khi chiến sự Ukraine - Nga bùng nổ.

3. Mỹ viện trợ cho Ukraine bao nhiêu?

Mỹ sẽ chuyển giao 1 tổ hợp Patriot cho Ukraine, với tối đa 8 bệ phóng có khả năng bắn 4-16 tên lửa, tùy vào loại đạn được sử dụng. Binh sĩ Mỹ sẽ huấn luyện binh lính Ukraine sử dụng và bảo dưỡng hệ thống này.

Việc đào tạo đó có thể kéo dài vài tuần và dự kiến sẽ thực hiện tại Khu vực đào tạo Grafenwoehr ở Đức vì tất cả các hoạt động huấn luyện lực lượng Ukraine của Mỹ và các đồng minh phương Tây đều diễn ra ở các nước châu Âu.

Binh sĩ Mỹ sẽ huấn luyện binh lính Ukraine sử dụng và bảo dưỡng hệ thống tên lửa Patriot.

Binh sĩ Mỹ sẽ huấn luyện binh lính Ukraine sử dụng và bảo dưỡng hệ thống tên lửa Patriot.

4. Lý do Mỹ viện trợ Patriot cho Ukraine?

Một tổ hợp duy nhất sẽ đem đến sự bảo vệ cho các vùng lân cận như thủ đô Kiev, nhưng sẽ không thể bảo vệ toàn bộ Ukraine.

Trên thực tế, Ukraine đã và đang hối thúc cộng đồng quốc tế tăng cường khả năng phòng không và cung cấp các vũ khí tấn công mạnh hơn như Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS), vốn có tầm tấn công các mục tiêu trong nước Nga. Phía Mỹ đã từ chối yêu cầu ATACMS, với các quan chức nói họ không cho phép hoặc khuyến khích Ukraine tấn công các mục tiêu ở Nga.

Nguồn cung Patriot hạn chế chắc chắn sẽ khiến Ukraine phải đưa ra những lựa chọn khó khăn trong việc ưu tiên bảo vệ khu vực nào. Tuy nhiên, với danh tiếng của Patriot, một số cho rằng việc chuyển giao dù chỉ một tổ hợp cũng đã đủ để đem đến tác động mang tính biểu tượng.

Link bài viết

Theo một chuyên gia phân tích quân sự của CNN, hệ thống phòng không S-400 cũng có khả năng đối phó với tên lửa dẫn đường và UAV có dẫn đường của Nga, nhưng Patriot linh hoạt hơn ở chỗ không phải bố trí lại radar.

Tom Karako - chuyên gia về phòng thủ tên lửa của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Mỹ, nói: "Đây là một động thái ủng hộ về mặt chính trị. Những gì chúng tôi đang gửi cho Ukraine, mà tôi tin chỉ gồm 1 tổ hợp mà thôi, sẽ không bảo vệ được số đông các thành phố của Ukraine. Một tổ hợp Patriot thì chỉ bảo vệ được một điểm mà thôi. Do vậy, những khu vực được vũ khí đó bảo vệ sẽ tương đối hạn hẹp".

5. Phía Nga nói gì?

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, kế hoạch chuyển giao tên lửa Patriot sẽ làm căng thẳng leo thang và về cơ bản khiến Mỹ trở thành một bên tham chiến. Lặp lại tuyên bố của Moskva, bà Zakharova nói "vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine là mục tiêu hợp pháp của lực lượng vũ trang Nga và chúng sẽ bị phá hủy hoặc tịch thu".

Bên cạnh đó, giới chức quân sự Nga cũng không xem nhẹ năng lực của Patriot trong việc bắn hạ tên lửa đạn đạo. Nếu nó được triển khai rộng khắp Ukraine, hệ thống này có thể đánh chặn hiệu quả tên lửa đạn đạo do Nga phóng vào cơ sở hạ tầng Ukraine.

Tên lửa đạn đạo Iskander của Nga rất lợi hại nhờ vào đường bay cơ động, song các tên lửa gốc Iran như Fateh-110 và Zolfaghar dễ bị Patriot đánh chặn thành công do bay theo đường thẳng. Do đó, nếu Patriot được cung cấp ồ ạt cho Ukraine, tình hình trên chiến trường có thể diễn biến theo hướng có lợi cho nước này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lý do Mỹ viện trợ tên lửa Patriot cho Ukraine
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO