Đồng minh Trung Á dần xa cách Nga

Thanh Tâm| 27/07/2022 09:00

Nga hồi tháng 1 gửi hơn 2.000 quân giúp Kazakhstan dẹp bạo loạn, nhưng quốc gia Trung Á không bày tỏ ủng hộ khi Moskva mở chiến dịch ở Ukraine.

Trong nhiều thập kỷ sau thời điểm 1990, Nga nỗ lực duy trì ảnh hưởng khắp Trung Á bằng những liên minh kinh tế và quân sự với các nước từng thuộc Liên Xô cũ. Đứng đầu trong đó là Kazakhstan, quốc gia giàu dầu mỏ có diện tích lớn hơn Tây Âu. Hai nước có chung đường biên giới hơn 7.600 km, dài thứ hai trên thế giới, sau biên giới Mỹ - Canada.

Nhưng chiến dịch quân sự Nga phát động ở Ukraine, nước từng thuộc Liên Xô và có nhiều điểm tương đồng với Kazakhstan, đang làm thay đổi mối quan hệ đó. Kazakhstan giờ phải suy nghĩ lại về vị trí của Nga trong chính sách đối ngoại của mình, đồng thời hướng tới các nước như Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, các quan chức, nghị sĩ và chuyên gia phân tích nước này cho biết.

Một khoảnh khắc đáng chú ý xảy ra vào tháng 6, khi Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev bay tới Nga để dự diễn đàn kinh tế ở St. Petersburg. Phát biểu tại diễn đàn cùng Tổng thống Vladimir Putin, ông Tokayev bất ngờ tuyên bố Kazakhstan không công nhận hai quốc gia ly khai mà Nga hậu thuẫn ở Donbass.

Khi người điều phối phiên thảo luận hỏi liệu Kazakhstan có đang chịu áp lực từ phương Tây hay không, ông Tokayev đã né tránh trả lời trực tiếp. Trong chuyến thăm Nga, ông Tokayev cũng tuyên bố Kazakhstan không giúp Nga né tránh lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng nhấn mạnh Moskva vẫn là đồng minh quan trọng của Nursultan.

"Kazakhstan không từ bỏ các nghĩa vụ đồng minh", ông nói.

Sĩ quan thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại Kazakhstan hồi tháng 1. Ảnh: AP.

Sĩ quan thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại Kazakhstan hồi tháng 1. Ảnh: AP.

Evan Gershkovich - nhà phân tích của Wall Street Journal, nhận xét đây là hành động cân bằng tinh tế của Kazakhstan. Quốc gia này đã ngăn các buộc biểu tình phản chiến có thể khiến Moskva tức giận, song cũng cấm trưng bày biểu tượng chữ Z ủng hộ cuộc chiến của Nga.

Trong cuộc bỏ phiếu cho nghị quyết của Liên Hợp Quốc yêu cầu Nga chấm dứt xung đột Ukraine hồi đầu tháng 3, Kazakhstan đã bỏ phiếu trắng thay vì phiếu chống, phát đi tín hiệu đầu tiên cho thấy họ không đứng về phía Moskva. Vài ngày sau, Nursultan điều một chiếc Boeing 767 chở 28 tấn dược phẩm viện trợ cho Ukraine. Một số chuyến bay tương tự được thực hiện sau đó.

Đầu tháng 7, Bộ Tài chính Kazakhstan công bố dự thảo sắc lệnh về việc tuân thủ lệnh trừng phạt phương Tây đối với các mặt hàng xuất khẩu sang Nga. Lập trường của Kazakhstan đã khiến một số người ở Nga bất bình, đặc biệt là sau khi Nga điều quân giúp nước này chống lại các cuộc bạo loạn phản đối tăng giá nhiên liệu hồi tháng 1.

"Đây là lòng biết ơn của các bạn Kazakhstan sao?", Tigran Keosayan - người dẫn chương trình truyền hình nhà nước Nga, nói hồi cuối tháng 4. "Hãy nhìn những gì đang xảy ra ở Ukraine. Nếu các bạn nghĩ có thể quay lưng bỏ đi như vậy mà không gặp bất kỳ vấn đề gì, các bạn đã nhầm".

Người Kazakhstan từ lâu đã quen với những tuyên bố như vậy. Khoảng 20% dân số nước này là người dân tộc Nga và những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga từ lâu tuyên bố vùng đất phía bắc Kazakhstan là lãnh thổ của Nga. Năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, ông Putin nói rằng Kazakhstan chưa từng là một quốc gia trước khi Liên Xô tan rã.

Sau khi xung đột Ukraine nổ ra, những tuyên bố từ Moskva trở nên gay gắt hơn, đặc biệt khi Kazakhstan là quốc gia Trung Á duy nhất có chung biên giới với Nga. Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đều nằm ở phía nam Kazakhstan. Không quốc gia nào ủng hộ chiến dịch của Nga và Uzbekistan cũng tuyên bố sẽ không công nhận hai nước cộng hòa ly khai ở Donbass.

Thái độ ngày càng lạnh nhạt với Nga của các nước Trung Á đã mang tới cho Mỹ cơ hội lấy lại ảnh hưởng trong khu vực sau nhiều năm. Một số quan chức Mỹ đã tới khu vực vài lần kể từ tháng 4, khi nhà ngoại giao hàng đầu của Tổng thống Joe Biden về nhân quyền là Uzra Zeya tới thăm Kazakhstan. Cuối tháng 5, trợ lý ngoại trưởng Donald Lu tới thăm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Vào tháng 6, tướng Erik Kurilla, người mới được bổ nhiệm làm chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, cũng có chuyến thăm tương tự.

Việc Mỹ tăng cường tiếp cận Kazakhstan đã khiến Nga khó chịu, theo Andrei Grozin - nhà nghiên cứu Trung Á tại Viện Khoa học Nga. Điện Kremlin chưa gặp rắc rối gì với tình hình hiện nay, nhưng nếu Kazakhstan trở nên thù địch, điều đó sẽ đe dọa Nga hơn cả một Ukraine đối đầu, bởi đường biên giới chung kéo dài giữa hai nước.

"Nhưng tôi không nghĩ điều này sẽ xảy ra", Grozin nói, tin rằng lãnh đạo Kazakhstan sẽ chọn hướng đi cân bằng hơn giữa các siêu cường.

Các nước trong khu vực Trung Á. Đồ họa: Economist.

Các nước trong khu vực Trung Á. Đồ họa: Economist.

Hôm 28/6, một tuần sau chuyến thăm của tướng Kurrila tới Tajikistan, Tổng thống Putin đã chọn đây là điểm dừng chân cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. "Tôi rất vui khi có mặt tại quốc gia đồng minh thân thiện này", ông Putin nói với người đồng cấp Emomali Rahmon.

Sau chuyến thăm tới Kazakhstan hồi tháng 4, đặc phái viên về nhân quyền của Tổng thống Biden đã tới Kyrgyzstan. Trong cuộc họp báo chung giữa đặc phái viên Zeya với ngoại trưởng Ruslan Kazakbayev khi đó, hai bên thông báo Kyrgyzstan và Mỹ sẽ sớm ký thỏa thuận hợp tác song phương, cho phép Bishkek nhận viện trợ của Washington trong lĩnh vực kinh tế và giáo dục.

Ông Kazakbayev từ chức 8 ngày sau đó vì lý do sức khỏe, nhưng một nguồn tin thân cận cho hay đây là yêu cầu của Moskva. Điện Kremlin và Bộ Ngoại giao Kyrgyzstan không trả lời yêu cầu bình luận.

Mối quan hệ văn hóa, kinh tế và lịch sử giữa Nga với các nước Trung Á rất sâu sắc. Moskva có các căn cứ quân sự ở Kyrgyzstan và Tajikistan, cũng như một bãi thử hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo ở Kazakhstan. Nga là đối tác thương mại hàng đầu của khu vực và cung cấp việc làm cho hàng triệu lao động Trung Á. Kiều hối chiếm gần 1/3 GDP của Kyrgyzstan, 1/4 ở Tajikistan và khoảng 10% ở Uzbekistan.

Sau khi phương Tây áp lệnh trừng phạt với Moskva, tuyến thương mại truyền thống của Kazakhstan với châu Âu qua Nga đã gần như đình trệ, khi các công ty bảo hiểm ngần ngại với hàng hóa đi qua nước này. Điều đó thúc đẩy giới chức Kazakhstan tìm cách đa dạng hóa thương mại, tránh phụ thuộc vào Nga.

Vài tuần sau khi xung đột Ukraine nổ ra, một phái đoàn Kazakhstan đã đến Azerbaijan và Gruzia, các quốc gia Liên Xô cũ ở Biển Caspi và giáp Thổ Nhĩ Kỳ, để thảo luận về khả năng hồi sinh Middle Corridor, tuyến thương mại từ Trung Quốc qua Trung Á, vùng Caucasus và Thổ Nhĩ Kỳ để tới châu Âu.

Hai tuyến thương mại từ Trung Quốc tới châu Âu: Northern Corridor (phía trên) đi qua Nga - Belarus, Middle Corridor (dưới) đi qua các nước Trung Á - vùng Caucasus - Thổ Nhĩ Kỳ. Đồ họa: Euractive.

Hai tuyến thương mại từ Trung Quốc tới châu Âu: Northern Corridor (phía trên) đi qua Nga - Belarus, Middle Corridor (dưới) đi qua các nước Trung Á - vùng Caucasus - Thổ Nhĩ Kỳ. Đồ họa: Euractive.

Trước đây, tuyến thương mại này không được các quốc gia Trung Á, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ thực sự quan tâm, bởi các nước đều không muốn làm phật ý Nga, theo Selcuk Colakoglu, giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương và là cựu cố vấn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ.

Hàng hóa từ Trung Quốc tới châu Âu trước đây thường đi qua Northern Corridor, nối Kazakhstan với Nga và Belarus. Tuy nhiên, chiến dịch quân sự tại Ukraine đã khuyến khích các nước trong khu vực, kể cả Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, tìm hướng đi khác.

Các cảng Aktau và Kuryk trên Biển Caspi đang hoạt động nhộn nhịp. Zeynolla Akhmetzhanov - Giám đốc vụ chính sách vận tải và cơ sở hạ tầng thuộc Bộ Công nghiệp Kazakhstan, cho biết số container qua các cảng này từ tháng 1 tới tháng 4 đã tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Đa dạng hóa thương mại là vấn đề sống còn đối với Kazakhstan. Trong vài tháng qua, Nga đã hai lần đóng cửa đường ống dầu Caspi, tuyến vận chuyển khoảng 80% lượng dầu xuất khẩu của Kazakhstan qua Nga tới thành phố cảng Novorossiysk ở Biển Đen.

Đầu tháng 7, một tòa án Nga yêu cầu đường ống dừng hoạt động 30 ngày với cáo buộc vi phạm môi trường. Tòa án thay đổi quyết định vài ngày sau đó, nhưng động thái này đã gây chấn động ở Kazakhstan. Ngày 7/7, Tổng thống Tokayev yêu cầu các công ty dầu khí nước này phát triển tuyến vận chuyển dầu mới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Peterburg hồi tháng 6. Ảnh: TASS.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Peterburg hồi tháng 6. Ảnh: TASS.

Nhà phân tích Gershkovich cho rằng trong nhiều năm qua, Moskva và Bắc Kinh dường như ngầm phân chia vai trò của nhau tại Trung Á, trong đó Nga giám sát an ninh và Trung Quốc phát triển kinh tế khu vực. Nhưng điều này đang thay đổi. Cuối tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đến thăm Kazakhstan và gặp Tổng thống Tokayev. Hai bên được cho là đã nhất trí tăng cường hợp tác quân sự.

Kazakhstan cũng đang thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với cường quốc khu vực và Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO. Hồi đầu tháng 5, Tổng thống Tokayev tới Ankara, nơi quan chức hai nước ký thỏa thuận hợp tác sản xuất máy bay không người lái vũ trang ở Kazakhstan. Kazakhstan cũng tăng ngân sách quốc phòng thêm 441 tỷ tenge (khoảng 918 triệu USD). Một phần số tiền sẽ được dùng để mua sắm khí tài dự trữ cho Kazakhstan, theo một quan chức cấp cao.

Quan chức này thêm rằng rút kinh nghiệm từ xung đột Ukraine, Kazakhstan sẽ phải cải cách quân đội để trở nên cơ động và thích ứng tốt hơn với "chiến tranh lai", mô hình kết hợp giữa chiến tranh thông thường và các hình thức như chiến tranh mạng, thông tin sai lệch và can thiệp bầu cử.

"Khi sức ép từ Nga liên quan đến xung đột Ukraine ngày càng tăng lên, Kazakhstan không thể từ bỏ các lợi ích quốc gia cốt lõi của mình", tiến sĩ Nargis Kassenova, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Nga và Á - Âu Davis thuộc Đại học Harvard, nhận định. "Những lợi ích đó bao gồm toàn vẹn lãnh thổ, cũng như tránh rơi vào trạng thái bị cô lập kinh tế như Nga vì những lệnh trừng phạt chưa từng thấy từ phương Tây".

Sayasat Nurbek, một nghị sĩ Kazakhstan, đã dẫn sự tích sọc vằn trên lưng sóc chuột để giải thích chính sách của Nursultan với Moskva. Câu chuyện kể rằng một con gấu và con con sóc chuột làm bạn với nhau. Trong lúc chơi đùa, con gấu vuốt ve sóc chuột, nhưng vô tình cào móng vuốt lên lưng bạn mình, để lại những sọc vằn đến ngày nay.

"Thông điệp của câu chuyện là: khi làm bạn với gấu, ngay cả khi là bạn thân nhất và khi vui vẻ nhất, hãy luôn cảnh giác", Nurbek nói.

(Theo VnExpress)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đồng minh Trung Á dần xa cách Nga
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO