Chính trường Mỹ vẫn... rối ren và chia rẽ

Khả Hân| 12/01/2023 01:00

Dù cuộc bầu cử Chủ tịch Hạ viện Mỹ đã có kết quả sau nhiều ngày hỗn loạn, hiện vẫn tồn tại những chia rẽ sâu sắc trong tình hình chính trường Mỹ, không chỉ giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, mà ngay cả trong nội bộ của mỗi đảng.

Cuộc bầu cử kéo dài

Sau nhiều ngày hỗn loạn, ứng viên Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy rốt cuộc đã trở thành Chủ tịch Hạ viện sau vòng bỏ phiếu lần thứ 15 diễn ra hôm 7/1, kết thúc cuộc bầu Chủ tịch Hạ viện Mỹ kéo dài nhất trong 164 năm qua. Lần gần đây nhất Hạ viện Mỹ không bầu được chủ tịch trong lần bỏ phiếu đầu tiên là hồi năm 1923, khi cơ quan này trải qua 9 vòng bỏ phiếu để chọn lãnh đạo mới. 

Cần biết rằng Chủ tịch Hạ viện là chức danh thường được bầu ra ngay trong ngày đầu tiên Quốc hội mới của Mỹ nhóm họp, tức là vào ngày 3/1, nhưng sau nhiều vòng bỏ phiếu vẫn không thể tìm ra người chiến thắng. Con đường đến với chiếc ghế chủ tịch của ứng viên hàng đầu Kevin McCarthy của Đảng Cộng hòa đã bị chặn lại bởi nhóm 20 thành viên của Đảng Cộng hòa theo đường lối cứng rắn, vốn lâu nay không hài lòng với ông. 

Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy

Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy

Cũng cần nhắc lại rằng sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11 năm ngoái, Đảng Cộng hòa đã giành được 222 ghế tại Hạ viện, nhiều hơn 10 ghế so với Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, đảng này hiện bị chia rẽ bởi phe cánh hữu cứng rắn trong nội bộ, những người cáo buộc ông McCarthy quá "thỏa hiệp" với Tổng thống Joe Biden và các đảng viên Đảng Dân chủ.

Với 216 phiếu ủng hộ trong tổng số 428 phiếu, thủ lĩnh Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy (nghị sĩ bang California) đã trở thành tân Chủ tịch Hạ viện sau 4 ngày liên tiếp đưa ra các nhượng bộ. Trong đó, nhượng bộ lớn nhất là đồng ý với yêu sách của nhóm 20 nghị sĩ theo đường lối cứng rắn rằng bất kỳ nghị sĩ nào, vào bất kỳ thời điểm nào, cũng có thể yêu cầu cách chức ông.

Hành trình của McCarthy không phải lúc nào cũng dễ dàng. Cuối năm 2015, ông từng nhắm tới ghế Chủ tịch Hạ viện nhưng phải dừng bước vì không thể thuyết phục những tiếng nói bảo thủ trong đảng đặt niềm tin vào mình. Cựu Tổng thống Donald Trump là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ McCarthy cạnh tranh ghế Chủ tịch Hạ viện vào năm 2015. Việc ông McCarthy trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ lần này cũng đánh dấu chấm hết của thời khắc Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden thành công kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ.

Chính trường chia rẽ

Theo giới phân tích, việc Hạ viện Mỹ chưa thể bầu ra Chủ tịch sau nhiều vòng bỏ phiếu cho đến tận ngày 7/1 vừa qua, không chỉ khiến Đảng Cộng hòa chưa thể chính thức lãnh đạo Hạ viện, mà còn ảnh hưởng đến phần lớn hoạt động của cơ quan này, cũng như cho thấy những chia rẽ sâu sắc trong tình hình chính trường Mỹ, không chỉ giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ, mà ngay cả trong nội bộ của mỗi đảng.

Về cơ bản, Quốc hội mới ở Mỹ cần phải thông qua các quy định mới ở Hạ viện, nhưng vì chức danh Chủ tịch vẫn còn trống trong suốt 5 ngày qua, nên chưa có người phê duyệt các quy định và Quốc hội về cơ bản chưa thể bắt tay vào công việc. Nếu không có quy tắc Hạ viện được phê duyệt vào cuối ngày 13/1, các ủy ban sẽ không thể có ngân sách trả lương cho nhân viên.

Và khi không có các ủy ban hoạt động một cách đầy đủ để sửa đổi và thông qua các dự luật trước khi được đưa ra bỏ phiếu ở Hạ viện, Đảng Cộng hòa sẽ chưa thể giải quyết một số ưu tiên cấp bách nhất, bao gồm các cuộc điều tra về gia đình của Tổng thống Joe Biden hay vấn đề rà soát lại ngân sách hỗ trợ cho Ukraine. Điều này cho thấy một trong ba nhánh của thể chế hiện không thể hoạt động. Đây là điều hết sức nguy hiểm với nước Mỹ.

-8318-1673335182.jpg

Giới phân tích cũng cho rằng cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hạ viện Mỹ kéo dài nhất trong 164 năm qua cho thấy sự rạn nứt mạnh mẽ trong nội bộ Đảng Cộng hòa đang kiểm soát cơ quan này. Dù vậy, không lâu sau khi có kết quả trên, các thành viên Hạ viện khóa mới đã tuyên thệ nhậm chức, khép lại tình trạng hỗn loạn tại đây từ ngày 3/1. 

Trong bài phát biểu sau khi lên làm Chủ tịch Hạ viện, McCarthy công bố một loạt ưu tiên như cắt giảm chi tiêu, vấn đề nhập cư... Ông cũng cam kết Hạ viện sẽ kiểm tra Tổng thống Joe Biden và các chính sách của ông chủ Nhà Trắng, người của Đảng Dân chủ. Ngoài ra, ở vị trí này, ông McCarthy sẽ có quyền ngăn chặn chương trình lập pháp của ông Biden, buộc tiến hành bỏ phiếu cho các ưu tiên của Đảng Cộng hòa về kinh tế, năng lượng, nhập cư, cũng như thúc đẩy điều tra Tổng thống Biden, chính quyền và người nhà ông.

Tân Chủ tịch Hạ viện McCarthy cũng cam kết ngừng chi tiêu công lãng phí, giảm giá hàng tạp hóa, xăng, ô tô, nhà ở và ngăn tình trạng nợ quốc gia ngày càng gia tăng. Chính khách Đảng Cộng hòa này khẳng định Hạ viện sẽ giải quyết các thách thức dài hạn của nước Mỹ, trong đó có vấn đề nợ công và Quốc hội Mỹ cần có "tiếng nói thống nhất". Theo ông McCarthy, Hạ viện cũng đang lên kế hoạch thành lập một ủy ban chọn lọc lưỡng đảng về Trung Quốc "nhằm tìm ra cách đưa hàng trăm nghìn việc làm quay trở lại nước Mỹ”.

Trong khi đó, phía Đảng Dân chủ lo ngại hành động của ông McCarthy có thể dẫn đến việc cắt giảm ngân sách dành cho các chương trình xã hội. Ông Chuck Schumer - lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Thượng viện, thậm chí cảnh báo kịch bản Hạ viện dưới thời ông McCarthy sẽ khiến chính phủ đóng cửa hoặc đất nước vỡ nợ. Thực tế trong thập kỷ qua, trong các lần thương thảo về chi tiêu quốc gia, các thành viên Đảng Cộng hòa thường xuyên đẩy chính phủ vào cảnh đóng cửa và đất nước đến bờ vực vỡ nợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chính trường Mỹ vẫn... rối ren và chia rẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO