Chính sách cần sát thực tiễn

Ý Nhi| 24/03/2022 02:51

Trước sự tàn phá của đại dịch Covid-19, đã có rất nhiều chính sách, nghị quyết của Chính phủ và các tỉnh, thành phố được ban hành để nền kinh tế vừa nhanh chóng thích ứng với tình hình diễn biến của dịch bệnh, tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, vừa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người bị nhiễm Covid-19 giảm bớt khó khăn. Đây là các chính sách rất nhân văn và sát đúng.

Song điều đáng tiếc là nhiều chính sách vừa qua khi ban hành lại tiếp tục gây khó khăn, phức tạp cho người dân, doanh nghiệp và các bộ phận liên quan, chỉ vì... chưa có sự đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương. 

Câu chuyện gần đây chắc hẳn ai cũng biết, đó là việc nhiều tỉnh, thành phố yêu cầu người dân phải có giấy xét nghiệm kết quả âm tính với Covid-19 trong vòng 2-3 ngày trước khi trở về địa phương, khiến lượng người đi xét nghiệm Covid-19 tăng lên đột biến.

Cùng đó, người lao động hết F0 còn phải đi xin giấy chứng nhận nghỉ ốm khi điều trị tại nhà để làm cơ sở hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và việc cấp giấy chứng nhận này lại được giao cho các trạm y tế nơi quản lý, điều trị bệnh nhân. Cũng vì quy định này mà không chỉ nhiều F0 đang điều trị tại nhà gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, mà còn dẫn đến tình trạng các trạm y tế xã, phường bị quá tải, kéo theo nhân viên y tế cũng.. phải làm việc trái chuyên môn, phải "cõng" thêm hàng đống giấy tờ, thủ tục như một nhân viên văn thư hành chính.

Chia sẻ trên Báo Tuổi Trẻ gần đây, Trưởng trạm Y tế xã Kim Chung, ông Phan Văn Chuyên cho biết, mỗi ngày có hàng trăm ca F0 đến xin giấy trong khi lực lượng nhân viên y tế có hạn. Cụ thể, mỗi ngày nhân viên y tế ký 500-600 giấy xác nhận hết thời gian điều trị Covid-19, giấy hưởng bảo hiểm xã hội, mỗi giấy ít nhất có 5 chữ ký nên nhân viên y tế đang quá tải là không tránh khỏi. 

Cũng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh, thu nhập của người lao động... rất nhiều gói hỗ trợ đã được Chính phủ triển khai. Đơn cử Nghị quyết 42/NQ-CP hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm. Ước tính có khoảng 50 triệu người được thụ hưởng. Tuy nhiên, do việc thống kê của nhiều bộ, ngành, địa phương chưa theo sát nên  nhiều người lao động vẫn bị bỏ sót, chưa tiếp cận được chính sách. 

ytephuong-4179-1648092340.jpg

Với các gói hỗ trợ của Chính phủ nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, nhiều doanh nghiệp cũng chưa tiếp cận được, nguyên nhân là các chính sách, tiêu chuẩn để tiếp cận được gói hỗ trợ hơi cứng nhắc và thiếu linh hoạt, nên không phù hợp với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.  

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, qua tìm hiểu thông tin với các doanh nghiệp và hiệp hội, các gói hỗ trợ của Chính phủ đưa ra chưa đến được tay nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình, nguyên nhân là do tiêu chuẩn còn quá cao, không sát thực tiễn và chưa phù hợp với điều kiện, nhu cầu của các doanh nghiệp.

Hay như mới đây, khi nhận được thông tin Chính phủ lên kế hoạch cho mở cửa lại hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022, các doanh nghiệp du lịch rất phấn khởi. Thế nhưng, ngay sau đó Bộ Y tế lại có văn bản khẩn gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để góp ý kiến về dự thảo phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện "bình thường mới". Trong đó có các đề nghị như việc mở lại các hoạt động du lịch cần phải "đảm bảo an toàn tuyệt đối" như phải làm rõ trách nhiệm của địa phương, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, dịch vụ lưu trú và cá nhân hành khách trong việc giám sát, quản lý, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, du khách nên ở lại nơi lưu trú trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh, trong đó 24 giờ đầu là bắt buộc; trường hợp cần thiết di chuyển tới nơi khác thì phải xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày... Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp du lịch cảm thấy rất hoang mang, hụt hẫng bởi thiếu tính khả thi. Nếu vẫn ràng buộc quá nhiều quy định như vậy thì chắc chắn không thể mở cửa du lịch được, bởi doanh nghiệp không dám làm mà du khách cũng chẳng dám tới.

Đại diện một hãng hàng không cho biết, bình thường đối với một chuyến bay Boeing 787 với 290 chỗ, làm thủ tục trong vòng 2,5-3 tiếng là xong, nhưng bây giờ mở 5 tiếng đồng hồ vẫn không làm thủ tục xong được. Lý do vì các quy định của chúng ta yêu cầu khách phải có rất nhiều thủ tục, phải có xét nghiệm này, giấy xác nhận kia làm khó cho khách.

Rõ ràng, với những quy định, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và người lao động được đưa ra, nếu không thấu đáo mọi phát sinh cũng như không hình dung ra mọi ngõ ngách của cuộc sống và không mang tính thực tế thì sẽ trở thành những chính sách, quyết định gây khó khăn mới . 

Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, sẽ không có doanh nghiệp và người dân nào bị bỏ lại phía sau và khó khăn nếu các chính sách, quy định được xây dựng sát thực tế và đồng bộ từ các bộ, ngành, cơ quan liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chính sách cần sát thực tiễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO