Chúng tôi là những đứa trẻ của thời kỳ bao cấp, cái thời mà gần như bà mẹ nào cũng biết cắt may, đan khăn áo cho mình và gia đình. Mẹ của tôi cũng vậy. Bà thường xoay xở từ phần vải được phân phối cho người lớn để các con có thêm được chiếc quần, manh áo. Nhớ Tết năm tôi học lớp bốn, mẹ may cho một chiếc quần bằng vải xa tanh Nam Định màu đen. Tuy phải chắp từ nhiều mảnh nhưng tôi vẫn thấy nó vô cùng đẹp. Vải mềm mịn, đen óng ánh và đường kim mũi chỉ của mẹ thật nuột nà, thẳng thớm chẳng kém máy may là bao.
Tôi thích chiếc quần ấy lắm, mỗi lần về quê nghe mấy đứa trẻ trạc tuổi thì thào, nó là con gái thị trấn có khác, diện quá, là tôi lại thấy vui. Niềm vui sướng đó còn âm ỉ mãi khiến tôi cứ ngỡ mình là “con nhà giàu” và tạm quên đi những bữa cơm bo bo hay “gạo sổ" nhiều sạn.
Cái ăn thiếu thốn, cái mặc cũng giản đơn, chỉ cần đủ no và đủ ấm đã là cố gắng lắm. Vì thế trẻ con thôn quê, kể cả những đứa "nửa quê" như tôi chẳng bao giờ được mặc váy. Những hình ảnh đẹp đẽ ấy chúng tôi chỉ được nhìn qua phim ảnh, sách báo để mà thèm thuồng và mơ ước. Có đôi khi tôi tự thoả mãn “cơn thèm’’ bằng cách lấy chiếc khăn vuông của mẹ quấn quanh hông giả vờ làm váy rồi ngắm nghía say sưa, cảm thấy mình rất đẹp trong trang phục đó.
Rồi đến một ngày tôi có một cái váy thực sự. Tôi còn nhớ rất rõ nụ cười và khuôn mặt sáng bừng của mẹ khi nói với tôi: “Hàng viện trợ của Liên Xô đấy, con mặc chắc chắn sẽ đẹp”.
Đấy là một chiếc váy màu xanh dương có hàng cúc to trước ngực và hai cái túi màu trắng đắp ở hai bên sườn. Váy sát nách nên có thể mặc thêm áo sơ mi hoặc áo len ở trong cho ấm. Tôi vui sướng, tôi háo hức và hồi hộp mong từng ngày đến Tết để được diện cái đầm mơ ước ấy.
Ảnh: Internet |
Rồi mùa Xuân cũng đến tươi vui trên lá cành và hớn hở trên nét mặt những đứa trẻ khi nhận được những đồng xu lì xì để xỏ dây đeo tòn ten trước ngực. Tôi hớn hở diện chiếc váy “viện trợ” ngồi sau xe đạp theo mẹ về quê để chúc Tết ông bà.
Thủ tục này nọ là của người lớn, theo lệ thường, tôi ngồi được một lúc ở trong nhà là nhấp nhổm chạy ra ngõ đàn đúm cùng mấy đứa bạn hàng xóm. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì có đứa kêu lên: “Lêu lêu lêu! Mặc váy cô dâu kìa, nó muốn làm cô dâu chúng mày ơi!”.
Sau câu ấy là trận cười rúc rích, còn tôi đứng chết trân và nước mắt chảy vòng quanh. Đến tận bây giờ tôi cũng không thể hiểu vì sao cái từ “cô dâu” nó lại ảnh hưởng tâm lý nặng nề lên một đứa trẻ đến thế.
Tôi chạy vào nhà, kéo chăn trùm kín đầu và tấm tức khóc. Lúc này tôi thấy cái váy sao mà xấu xí. Hai tiếng “cô dâu” vẫn nhảy nhót trong đầu. Nghe mà ức chết đi được. Bao nhiêu háo hức, bao nhiêu niềm vui cũng theo hai tiếng đó mà trôi tuột đi mất. Cả nhà không hiểu có chuyện gì, vội chạy vào hỏi han và dỗ dành khiến tôi càng khóc to hơn.
Sau ngày hôm ấy tôi nhất định không chịu mặc váy nữa, mặc dù mẹ đã giải thích rằng tôi mặc rất đẹp, rằng các bạn chỉ trêu đùa cho vui và rằng cô dâu là người xinh nhất, các bạn nói vậy là khen chứ đâu phải chê. Sau cùng thấy tôi bướng quá, mẹ phải gắt: “Con có biết rằng mỗi gia đình chỉ được nhận một món đồ viện trợ thôi không, mẹ và chị đã nhường nhịn dành suất cho con, vậy mà...”.
Sau này, khi đã trở thành một thợ may, tôi đã may không biết bao nhiêu quần áo và váy vóc cho khách hàng. Tôi cảm nhận thấy rõ niềm hân hoan của mọi người mỗi lúc có được bộ đồ ưng ý. Nhất là vào dịp Tết và với những đứa trẻ. Đối với chúng, có quần áo mới là có Tết. Đôi khi nhớ lại kỷ niệm về cái váy đầu tiên trong đời mình, tôi lại bất giác mỉm cười.
Mặc quần áo mới trong dịp Tết cũng là một lý do để người ta quan tâm đến nhau. Kẻ đi xa về gần, quà để biếu, tặng người thân không có gì hợp lý hơn là manh quần tấm áo. Trẻ con nhận được mừng vui hớn hở, người già thì được dịp khoe con cháu thảo hiền.
Những năm sau này, khi chuyện cái ăn, cái mặc giữa thành phố và nông thôn không có nhiều khác biệt như xưa, cũng không còn là việc quá khó khăn để thực hiện, người ta có thể may sắm áo quần đẹp quanh năm chứ không cần chờ đến Tết. Cuộc sống đủ đầy hơn thì bỗng dưng tôi lại thấy thiếu thốn một cái gì đó. Có lẽ chính là cái cảm giác háo hức mong chờ có được một bộ quần áo mới mỗi khi Tết đến, Xuân về.
Mấy năm qua, do dịch Covid-19 hoành hành, rất nhiều thứ đã bị xáo trộn. Người ta ít mua sắm vì thu nhập eo hẹp hơn, vì hạn chế cưới xin, du lịch, hội hè, vì không thể về quê... Và có một lý do nữa, chẳng ai muốn làm đẹp khi trên mặt lúc nào cũng kín khẩu trang.
Có lẽ mong ước không chỉ của riêng tôi là cuộc sống được trở lại bình thường như trước. Người người, nhà nhà sẽ cùng nhau vui sắm Tết, hương vị mùa Xuân sẽ ngát thơm trên từng chiếc áo mới.