Trọng số đầu tư công
Ông Trần Đình Thiên cho rằng, dịch Covid-19 gây ra những tác động rất lớn đến kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, khủng hoảng kinh tế lần này không chỉ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 mà còn từ nhiều yếu tố tích hợp khác. Đó là xung đột thương mại Mỹ - Trung, biến đổi khí hậu toàn cầu và sự phát triển của cách mạng công nghệ 4.0.
Ngoài các yếu tố tiêu cực của dịch bệnh, phải nhìn nhận công nghệ đang giúp con người giảm bớt hậu quả. “Trong thời kỳ dịch bệnh, nếu không có những mạng xã hội như Facebook, Twitter… thì xung đột gia đình đã tăng lên rất nhiều. Hoạt động kinh doanh vẫn được duy trì trên nền tảng số và giảm thiểu được thiệt hại”, ông Thiên nhận xét.
Việt Nam đã chịu tác động rất mạnh từ dịch Covid-19 do hoạt động xuất nhập khẩu phụ thuộc nhiều vào thế giới, đồng thời tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, nỗ lực chống dịch và giãn cách xã hội cũng tác động đáng kể đến tình hình kinh tế.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, có đến 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng, 90% người dân bị giảm thu nhập. Đến cuối tháng 8, nhiều khả năng các con số đã là 100%. Tuy nhiên, dù kinh tế thế giới suy giảm trong giai đoạn này nhưng GDP Việt Nam vẫn tăng trưởng 1,8%. Điều đó chứng tỏ, hoạt động chống dịch của Việt Nam rất hiệu quả.
Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công là cách tiếp máu cho thị trường bằng con đường thị trường, ít rủi ro hơn các hình thức ưu đãi đầu tư |
Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn cuối năm, ông Thiên cho rằng có nhiều triển vọng đi kèm với những khó khăn nhất định. Cụ thể, trong tháng 6/2020, các yếu tố như tổng mức bán lẻ, giá trị xuất khẩu cũng như vận chuyển hành khách và hàng hóa đều tăng so với tháng trước đó. Với quyết tâm chống dịch quyết liệt, rất có thể đến hết tháng 8/2020, tình hình dịch bệnh trong nước có thể được kiểm soát. Nền kinh tế theo đó cũng sẽ khôi phục sớm hơn thế giới và phát triển ổn định trở lại.
Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ. Các gói hỗ trợ đợt 1 có giá trị khoảng 2,8% GDP. Tính đến ngày 13/7/2020, đã giải ngân gần 12.000 tỷ đồng cho 11,5 triệu người thuộc diện chính sách và hơn 9.400 hộ kinh doanh. Gói giảm giá điện 10.900 tỷ đồng cũng giải ngân được trên 60%. Đồng thời, ngân sách đầu tư công đã giải ngân được trên 41% tính đến cuối tháng 7/2020.
Theo ông Thiên, nhiều đơn vị đang đề xuất với Thủ tướng xem gói giải ngân đầu tư công là giải pháp trung tâm. Nguồn lực đầu tư công cho năm 2020 khoảng 700.000 tỷ đồng nhưng tiến độ giải ngân còn chậm. Quyết tâm giải ngân đầu tư công lần này có thể tạo ra nỗ lực cải cách thể chế đầu tư công, tạo lợi thế giúp kinh tế hồi phục. Ước tính đến hết tháng 8/2020, tỷ lệ giải ngân có thể đạt 48%.
"Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công là cách tiếp máu cho thị trường bằng con đường thị trường, ít rủi ro hơn các hình thức ưu đãi đầu tư khác. Trọng số tăng trưởng kinh tế năm 2020 chính là nhờ đầu tư công”, ông Thiên khẳng định.
Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo
Sau 7 tháng đầu năm 2020, có hơn 63.000 doanh nghiệp đóng cửa. Tình trạng này khác với phá sản, không ít doanh nghiệp chỉ giữ lại phần lõi kinh doanh (hoạt động, nhân sự…) và tích cực chuyển đổi mô hình kinh doanh. Đáng chú ý là xu hướng chuyển đổi số từ hoạt động tương tác nhân viên, khách hàng đến phát triển thị trường.
Sau tháng 8/2020, dịch bệnh trong nước có thể được khống chế và kinh tế hồi phục trở lại. Theo đó, ông Thiên khuyên doanh nghiệp nên nhìn vấn đề theo hướng bình thường mới. Đó là sự lên ngôi của kinh tế số, chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển, biến đổi khí hậu toàn cầu và mâu thuẫn kinh tế Mỹ - Trung vẫn còn dai dẳng. “Doanh nghiệp nên nhìn nhận rõ các hệ giá trị mới và thiết kế chiến lược kinh doanh trên các nền tảng này”, ông Thiên đưa ra lời khuyên.
Ông Thiên cho biết từng nhiều lần đề nghị với Chính phủ dành một phần đáng kể trong các gói hỗ trợ để giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thành lập mới và phát triển tiếp |
Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Thiên cho rằng Chính phủ nên cứu những doanh nghiệp có sức kéo với nền kinh tế và doanh nghiệp khỏe. Doanh nghiệp khỏe sẽ kéo các doanh nghiệp nhỏ trong chuỗi của họ đi lên theo.
Ngoài ra, Chính phủ cần dành một phần đáng kể trong các gói hỗ trợ để giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thành lập mới và phát triển tiếp. Có như vậy, khi dịch bệnh qua đi, kinh tế Việt Nam sẽ khôi phục và phát triển trên nền tảng mới là công nghệ, thay vì chỉ là doanh nghiệp cũ với nền tảng cũ.
Việt Nam hiện có đến hơn 96% số doanh nghiệp ở quy mô nhỏ, vốn chưa quen với các sự kiện đứt gãy kinh tế toàn cầu như lần này vì tiềm lực yếu. Do đó, theo ông Thiên, giai đoạn khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam có thể vẫn còn ở phía trước. Việt Nam nên tận dụng lợi thế của nền kinh tế nhỏ và linh hoạt, cùng với các hiệp định thương mại tự do quốc tế để tạo ra đẳng cấp phát triển mới hậu Covid-19.