Trong nước

Chỉ tiêu sử dụng đất của cả nước đạt tỷ lệ rất thấp

Minh Huy 27/07/2023 19:00

Theo thống kê, đến hết năm 2022, chỉ tiêu sử dụng đất giao thông thực hiện đạt 10,74%; đất thể dục thể thao đạt 5,91%; đất khu công nghiệp đạt 3,61%; đất công trình năng lượng đạt 11,25%...

dat-trong-lua.jpg

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đã được giao, trong đó nhấn mạnh kết quả thực hiện một số chỉ tiêu sử dụng đất đến hết năm 2022 đạt tỷ lệ rất thấp.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, qua tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận đối với đất trồng lúa, chỉ tiêu đến năm 2025 cả nước giảm 184.000ha, nhưng đến hết năm 2022 lại tăng 13.140ha. Trong khi đó, đối với đất rừng phòng hộ, chỉ tiêu sử dụng đất đến hết năm 2025 cả nước tăng 53.400ha, tuy nhiên đến hết năm 2022 chỉ tăng 2.090ha.

Các loại đất khác như đất giao thông, chỉ tiêu thực hiện đạt 10,74%; đất thể dục thể thao, đạt 5,91%; đất khu công nghiệp, đạt 3,61%; đất công trình năng lượng đạt 11,25%.

Đáng chú ý, nhiều địa phương đang đề xuất điều chỉnh kế hoạch chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025 chủ yếu tập trung vào đất trồng lúa, đất khu công nghiệp.

Cụ thể, qua tổng hợp số liệu đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025 của các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường ghi nhận, với chỉ tiêu sử dụng đất trồng lúa có 1 tỉnh đề xuất tăng 120ha và 29 tỉnh đề xuất giảm với diện tích là 90.781ha, thì đến năm 2025 cả nước còn 3,642 triệu ha.

Đất khu công nghiệp có 37 tỉnh, thành phố đề xuất tăng với diện tích 46.038ha và chỉ có 1 tỉnh đề xuất giảm 58ha; đất giao thông có 31 tỉnh đề xuất tăng với diện tích là 32.701ha, không có địa phương đề xuất giảm.

Bên cạnh việc chỉ tiêu sử dụng đất đạt tỷ lệ rất thấp, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại các địa phương trong thời gian qua còn chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, đòi hỏi sự quyết tâm và quan tâm đầu tư từ các cấp chính quyền, từ Trung ương đến địa phương.

Ngoài ra, việc tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại một số địa phương còn chậm; tình trạng lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên còn phổ biến như: đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường, các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Khiếu kiện liên quan đến đất đai có xu hướng giảm so với trước đây nhưng vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

Trước thực tế trên, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung thanh tra một số dự án có giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; một số dự án có chuyển đổi mục đích đất trồng lúa và đất rừng phòng hộ do hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp tỉnh; phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp đề xuất của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025; tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống thông tin đất đai kết nối với cơ sở dữ liệu đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chỉ tiêu sử dụng đất của cả nước đạt tỷ lệ rất thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO