Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), doanh nghiệp xuất nhập khẩu thời gian qua gặp khó khăn do chi phí logistics tăng cao, thời gian vận chuyển hàng hóa chậm và đơn hàng sụt giảm.
Thống kê của VLA cho thấy, tỷ lệ chi phí logistics so với GDP của Việt Nam là 18%. Trong khi con số này ở các nền kinh tế phát triển là 9-14%. Ông Trần Đức Nghĩa - Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA) đánh giá chi phí logistics cao trong tổng GDP đang hạn chế sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Theo ông Nghĩa, nguyên nhân chi phí logistics bị đẩy lên cao là do doanh nghiệp logistics chưa tối ưu quy mô và hiệu quả hoạt động, quy hoạch logistics cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Còn theo ông Lê Quang Trung - Phó chủ tịch VLA, trong chi phí logistics, chi phí vận tải chiếm 60%, chi phí xếp dỡ chiếm 21%, chi phí kho bãi chiếm 12%... Và trong chi phí vận tải, chi phí xăng dầu lại chiếm hơn 60%, do đó giá xăng dầu tăng mạnh sẽ kéo chi phí logistics tăng.
Ngoài ra, doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn gặp tình trạng thiếu hụt đơn hàng do sức mua của người tiêu dùng giảm. Không những vậy, thời gian vận chuyển hàng hóa cũng kéo dài 1,5 - 2 lần so với thời điểm đầu năm 2020.
Các chuyên gia trong ngành logistics nhận định giá cước vận chuyển khó hạ nhiệt vì chi phí lưu kho bãi cũng tăng hơn 20%, do thiếu nguồn cung, nhân lực thiếu và giá bất động sản tăng. Bên cạnh đó, dù Việt Nam có nhiều loại hình vận chuyển như đường sắt, đường biển, đường bộ và đường hàng không, nhưng hạ tầng kết nối giữa các loại hình này chưa đồng bộ.
Do đó, để giảm chi phí logistics, Việt Nam cần xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, liên hoàn, trong đó vai trò chủ đạo của đường sắt phải được tối ưu hóa do năng lực vận chuyển khối lượng lớn, tốc độ nhanh và chi phí thấp. Đường sắt cũng giúp kết nối trung tâm các khu công nghiệp với hệ thống cảng hàng không và cảng biển.
Ngoài ra, ông Bùi Thanh Bình - Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Hải Phòng (HPLA) kiến nghị Chính phủ có chính sách điều tiết giá xăng dầu, giảm phụ phí xăng dầu, đồng thời rà soát các thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp logistics. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần chủ động áp dụng công nghệ tiên tiến để tìm cách tối ưu hoá quá trình vận chuyển hàng hoá, từ đó giảm thiểu chi phí logistics.