Đình chiến thương mại giúp giải tỏa áp lực cho ngành bán lẻ Mỹ
Thỏa thuận tạm thời giữa Mỹ và Trung Quốc về việc đình chỉ phần lớn các mức thuế bổ sung trong 90 ngày được xem là “phao cứu sinh” cho các chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là ngành bán lẻ Mỹ trong giai đoạn cao điểm cuối năm.
Theo số liệu từ Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF), mùa mua sắm cuối năm, đặc biệt là dịp Giáng sinh chiếm gần 20% tổng doanh thu bán lẻ hằng năm, tương đương gần 1.000 tỷ USD. Do đó, việc hàng hóa có thể kịp lên kệ vào giai đoạn này là điều sống còn với các nhà phân phối và nhà sản xuất.
Ông Ryan Zhao - Giám đốc công ty xuất khẩu Jiangsu Green Willow Textile tại Trung Quốc, nhận định: “Với tốc độ vận hành của các nhà máy Trung Quốc, khung thời gian 90 ngày đủ để bù đắp phần lớn sự thiếu hụt nguồn cung cho mùa lễ tại Mỹ”. Trước đó, công ty của ông từng buộc phải tạm dừng đơn hàng từ các đối tác Mỹ do áp lực từ thuế quan mới. Dù vậy, ông cho rằng quy mô đơn hàng có thể không phục hồi hoàn toàn, bởi nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đã tạm thời chuyển sang những nguồn cung thay thế ngoài Trung Quốc.

Việc Mỹ và Trung Quốc đột ngột nâng thuế đầu tháng 4 khiến nhiều doanh nghiệp phải gián đoạn sản xuất, đặt ra câu hỏi liệu chuỗi cung ứng có kịp phục hồi để đáp ứng nhu cầu tăng cao dịp cuối năm? Các đơn hàng thường được lên kế hoạch nhiều tháng trước, đòi hỏi thời gian sản xuất và vận chuyển dài.
Ông Cameron Johnson - chuyên gia tư vấn cao cấp tại Tidalwave Solutions (Thượng Hải) cho rằng quyết định tạm hoãn thuế quan “giúp tránh được một kịch bản thảm họa trong mùa Giáng sinh của ngành bán lẻ Mỹ”. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng các kỳ cao điểm khác như Ngày của Cha hay mùa khai giảng vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi chi phí logistics tăng và áp lực thuế chưa được gỡ bỏ hoàn toàn.
Dù phần lớn các đợt thuế mới đã được “đóng băng”, các mức thuế áp từ những năm trước vẫn còn hiệu lực. Trong năm nay, chính quyền Tổng thống Trump đã triển khai hai đợt tăng thuế 20% nhằm vào hàng hóa Trung Quốc, lấy lý do liên quan đến vai trò của nước này trong chuỗi cung ứng tiền chất fentanyl - chất gây nghiện đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng mỗi năm tại Mỹ.
Cuộc đối đầu thuế quan hai chiều đã đẩy một số nhóm hàng lên mức thuế hơn 100%. Theo ước tính của UBS, mức thuế trung bình mà Mỹ đang áp lên hàng hóa Trung Quốc hiện ở mức khoảng 43,5%.
Riêng ngành giày thể thao, mức thuế với sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc đã tăng lên 47% - gần gấp ba lần so với mức 17% hồi tháng 1. Ông Tony Post - nhà sáng lập và CEO thương hiệu Topo Athletic tại bang Massachusetts (Mỹ), cho biết công ty đã nhận được một số chiết khấu từ nhà cung ứng Trung Quốc nhưng vẫn buộc phải điều chỉnh giá bán lẻ để bù đắp chi phí. “Đây là một tin tích cực trong ngắn hạn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hy vọng hai bên có thể đạt được một giải pháp bền vững. Chúng tôi tiếp tục cam kết với các đối tác Trung Quốc và tạm thời yên tâm rằng hoạt động vẫn được duy trì,” ông nói.
Tập đoàn Walmart - nhà bán lẻ lớn nhất tại Mỹ từ chối bình luận chi tiết về tác động cụ thể của việc tạm giảm thuế nhưng khẳng định sẽ chia sẻ thêm trong báo cáo tài chính dự kiến công bố cuối tuần này.
Dữ liệu chính thức cho thấy, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ đã giảm hơn 20% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc lại tăng 8,1%, phản ánh nỗ lực đa dạng hóa thị trường. Goldman Sachs ước tính, khoảng 16 triệu việc làm tại Trung Quốc có liên quan trực tiếp đến hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ - một con số cho thấy mức độ phụ thuộc sâu sắc giữa hai nền kinh tế, bất chấp những căng thẳng chính trị kéo dài.