Châu Âu: Sẽ áp thuế giao dịch tài chính

25/05/2012 00:11

Nghị viện châu Âu vừa thông qua nghị quyết với đa số áp đảo, trong đó kêu gọi áp thuế đánh vào các giao dịch tài chính trên phạm vi toàn Liên minh châu Âu (EU), một biện pháp bị Anh phản đối dữ dội.

Châu Âu: Sẽ áp thuế giao dịch tài chính

Theo báo Wall Street Journal, với tỉ lệ bỏ phiếu 487-152 và 46 phiếu trắng, Nghị viện châu Âu đã kêu gọi áp thuế giao dịch tài chính (FTT) liên ngân hàng trên phạm vi toàn EU từ năm 2015. Ủy ban châu Âu (EC) ước tính FTT có thể đem lại cho ngân sách EU khoảng 80 tỉ euro/năm (hơn 100 tỉ USD) kể từ năm 2020.

Một thành viên phong trào Occupy (Chiếm lấy) biểu tình bên ngoài trụ sở Ngân hàng Anh ở London để phản đối sự tham lam của giới ngân hàng - Ảnh: Reuters
Các nghị sĩ châu Âu nhấn mạnh, kể cả khi toàn bộ 27 nước thành viên EU không đồng thuận với FTT, một nhóm quốc gia ủng hộ vẫn sẽ áp thuế này từ năm 2015. Danh sách các nước ủng hộ FTT có Pháp, Đức, Bỉ, Áo, Phần Lan, Hi Lạp, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Anh là quốc gia phản đối kịch liệt nhất.

“FTT sẽ giúp hàn gắn lại mối quan hệ đã bị đổ vỡ giữa ngành tài chính và người dân bình thường - Cao ủy thuế EU Algirdas Semeta nhận định - Việc các tổ chức tài chính phải đóng góp để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính do họ góp phần gây ra là điều hoàn toàn hợp lý”. Theo ông Semeta, FTT sẽ giúp EU huy động vốn để đầu tư vào các dự án thúc đẩy tăng trưởng.

Đánh vào chứng khoán

Theo đề xuất của EC, EU sẽ đánh thuế 0,1% đối với các giao dịch cổ phiếu và trái phiếu giữa các ngân hàng, 0,01% đối với các giao dịch chứng khoán phái sinh. Nhà đầu tư không thuộc EU cũng phải đóng thuế khi mua bán chứng khoán có nguồn gốc châu Âu. Tuy nhiên, các quỹ hưu trí được miễn FTT.

Báo Guardian của Anh cho biết từ trước đó, giới ngân hàng - tài chính châu Âu đã phản đối dữ dội FTT. Một số ngân hàng dẫn vài khảo sát sơ bộ khẳng định mức thuế 0,1% đánh vào giao dịch chứng khoán sẽ kéo GDP của EU giảm 1,7%. Tuy nhiên, theo EC, tác động tối đa của FTT đối với GDP sẽ rất ít ỏi. Kết quả khảo sát mới nhất của EC khẳng định FTT chỉ áp vào giao dịch giữa các ngân hàng, không động đến các công ty phát hành cổ phiếu. FTT chủ yếu nhắm vào các đối tượng buôn nóng cổ phiếu để kiếm lợi như các tay giao dịch trên sàn chứng khoán, quỹ đầu tư, phòng giao dịch tài sản của các ngân hàng... Đây chính là những thủ phạm đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngược lại, những đối tượng giữ cổ phiếu lâu dài như quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm... sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

EC nhấn mạnh FTT sẽ không hề tác động đến nền kinh tế thực, bởi lẽ thuế này chỉ đánh vào chứng khoán chứ không hề động đến các giao dịch như trả tiền lương, cho vay doanh nghiệp và tư nhân... Chuyên gia tài chính Avinash Persaud thuộc Trường kinh doanh London nhận định FTT sẽ giúp châu Âu ngăn chặn nguy cơ tái diễn khủng hoảng tài chính.

“Hơn nữa, trong thời điểm nhiều quốc gia khối đồng euro rơi vào cảnh nợ nần đầm đìa chủ yếu do đổ tiền vào giải cứu các ngân hàng, việc ngành tài chính đóng góp chút ít và chấp nhận các biện pháp ngăn chặn khủng hoảng là điều cần thiết” - chuyên gia Persaud nhấn mạnh và cho rằng FTT có thể giúp EU tăng GDP thêm 0,25%.

Anh quyết chống

Theo báo Telegraph, ngày 24-5 Thủ tướng Anh David Cameron đã kịch liệt chỉ trích nghị quyết của Nghị viện châu Âu. “FTT là một ý tưởng tồi - ông Cameron tuyên bố - Nó sẽ làm tăng chi phí bảo hiểm, hưu trí của người dân, dẫn tới tình trạng mất việc làm hàng loạt và khiến châu Âu đánh mất tính cạnh tranh. Tôi sẽ chống lại nó”.

Giới quan sát cho rằng sở dĩ ông Cameron lo ngại chủ yếu vì FTT sẽ ảnh hưởng đến vị thế của London, trung tâm tài chính toàn cầu, nơi đặt trụ sở của rất nhiều ngân hàng khổng lồ. Trước đó, một số tổ chức tài chính ở Anh đe dọa sẽ chuyển các giao dịch tài chính ra nước ngoài để né FTT. Tuy nhiên, nghiên cứu do EC công bố tháng 5-2012 đã cảnh báo các ngân hàng sẽ mất hết khách hàng châu Âu nếu làm như vậy.

Trang European Voice chỉ rõ những nền kinh tế năng động nhất trên thế giới như Brazil, Hàn Quốc hay Ấn Độ đều áp FTT và GDP vẫn tăng trưởng cao. Năm 2011, ước tính 40 quốc gia áp thuế FTT đã huy động được khoảng 38 tỉ USD. Dư luận châu Âu nhìn chung ủng hộ mạnh mẽ FTT. Kết quả khảo sát Eurobarometer do EC thực hiện năm ngoái đã cho thấy 61% trong số 27.000 người châu Âu được hỏi đều ủng hộ FTT. Riêng tại Anh, tỉ lệ người muốn có FTT là 65%. Kết quả khảo sát tương tự của Hãng nghiên cứu thị trường YouGov cho thấy cứ năm người ở Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý thì có bốn người cho rằng ngành tài chính phải có trách nhiệm đền bù cho những tổn thất đã gây ra trong cuộc khủng hoảng tài chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Âu: Sẽ áp thuế giao dịch tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO