Woody Allen và bốn lần mở màn Liên hoan phim Cannes

ĐỨC TRẦN| 07/04/2016 09:58

Có lẽ chưa một đạo diễn người Mỹ nào được dân Pháp tôn sùng vô điều kiện như Woody Allen. Ở tuổi 81, ông đã làm 52 bộ phim và đoạt bốn giải Oscar. Bộ phim mới nhất - Café Society vừa được thông báo sẽ chiếu mở màn cho Liên hoan phim (LHP) Cannes lần thứ 69.

Woody Allen và bốn lần mở màn Liên hoan phim Cannes

Có lẽ chưa một đạo diễn người Mỹ nào được dân Pháp tôn sùng vô điều kiện như Woody Allen. Ở tuổi 81, ông đã làm 52 bộ phim và đoạt bốn giải Oscar. Bộ phim mới nhất - Café Society vừa được thông báo sẽ chiếu mở màn cho Liên hoan phim (LHP) Cannes lần thứ 69.

Đọc E-paper

Đạo diễn Mỹ yêu nước Pháp...

Đây là lần thứ tư Giám đốc LHP Thierry Fremaux công bố tác phẩm của Woody Allen sẽ chiếu đêm khai mạc 11 ngày tranh tài của nhiều bộ phim điện ảnh đến từ khắp nơi trên thế giới. Ba lần trước là với New York Stories (1989), Hollywood Ending (2002), Midnight in Paris (2011). Café Society - bộ phim có sự tham gia của "ngôi sao" Kristen Stewart cũng là phim thứ 14 Woody Allen mang tới một trong ba LHP Quốc tế danh giá hàng đầu.

Chỉ trong khoảng 10 năm, có đến 9 phim do Hollywood sản xuất được chọn mở màn ở Cannes, nhưng điều thú vị là hơn một nửa trong số các đạo diễn không phải người Mỹ. Phần lớn các phim có sự tham gia của ngôi sao hàng đầu, đơn cử như The Great Gatsby có Leonardo DiCaprio, My Blueberry Nights có Norah Jones, Grace of Monaco có Nicole Kidman..., dù theo luật không được tranh giải Cành cọ vàng nhưng vẫn đủ tạo nên không khí sôi động cho lễ khai mạc, và đó là lý do chúng được chọn. Thuận cả đôi đường, hai bên đều có lợi. Còn với Woody Allen, mọi chuyện không đơn giản như thế.

Ngay từ lúc còn rất trẻ, Allen đã thầm yêu châu Âu cổ điển, điều ông từng thể hiện qua một số phim như Stardust Memories, Match Point, Vicky Cristina Barcelona..., nhưng chỉ khi đến Midnight in Paris, tình yêu nước Pháp của Woody Allen mới lộ diện trên màn ảnh, thay vì trước đó chỉ qua vài câu nói. Bộ phim trữ tình đẹp như một bức tranh, vẽ ra Paris những năm 20 - thời vang bóng, điểm vàng son của mọi giá trị không biến đổi đến ngày nay: văn hóa, lịch sử, kiến trúc...

Ông không thích Hollywood, trong một bài phỏng vấn, Allen bảo rằng họ thà làm phim dở mà ăn khách còn hơn làm phim hay mà không thu lại đồng nào. "Người Pháp luôn ủng hộ tôi trong hai thập kỷ qua, tôi nghĩ đó là cơ duyên". Woody Allen yêu văn chương, điện ảnh, nhạc jazz, rượu nho - thứ mà người Pháp cũng yêu và cực kỳ giỏi trong việc đánh giá. "Có nhiều nhân tài đi trước chúng ta, và tôi thật sự ngưỡng mộ họ”, ông ám chỉ Edgar Allan Poe, William Faulkner của Kinh đô Ánh sáng.

Cannes không ưa Hollywood, bởi hai thập kỷ qua chỉ có ba phim Mỹ đoạt Cành cọ vàng, và cả ba đều không phải "bom tấn" Hollywood. Việc chọn phim của Woody Allen mở màn không đơn thuần lợi dụng tên tuổi ngôi sao trong phim của ông, mà vì người Pháp thật sự ưa thích cách Woody Allen không thèm đến tham dự giải Oscar dù được đề cử hay đoạt giải.

... và thích làm việc với mỹ nhân

LHP Cannes mặc dù mang tiếng là thánh đường nghệ thuật nhưng từ nhiều năm nay, thảm đỏ Croisette mới chính là... điểm nhấn bởi hàng loạt ngôi sao danh giá khoe trang phục và trang sức lấp lánh. Nếu như Hội chợ phim và các hoạt động văn hóa bên lề LHP buộc phải có lợi nhuận từ thực tế (những hợp đồng bán bản quyền phát hành, những phi vụ tài trợ phim dài, phim ngắn...) thì thảm đỏ có sức mạnh vô hình, nơi tập trung quảng bá các nhãn hiệu thời trang xa xỉ, thu hút hàng trăm ngàn khách du lịch đổ xô về làm giàu cho thành phố biển miền Nam nước Pháp.

Nước Pháp yêu cái đẹp, sự phù phiếm, và họ yêu Woody Allen. Để giải thích đơn giản hơn, hãy nhìn vào quá trình làm nghề của ông, không lúc nào thiếu bóng dáng mỹ nhân, từ Meryl Streep trong Manhattan (phim cũng chiếu ở Cannes 1979), Charlotte Rampling (vừa được đề cử Oscar vừa rồi) đến Charlize Theron, Penelope Cruz, Marion Cotillard... Chỉ có ông mới đủ kiên nhẫn làm việc với những ngôi sao sáng giá nhất, hoặc trẻ tuổi nhất, đôi lúc họ còn chính là người hâm mộ ông như trường hợp diễn viên tóc vàng Scarlett Johansson - người đã đóng ba phim của ông và lập tức nổi như cồn với danh hiệu "Nàng thơ tóc vàng" mới. Gắn liền với mỹ nhân, với sự xa hoa, lộng lẫy càng khiến cái tên Woody Allen trở nên đặc biệt lôi cuốn.

Khác với những đạo diễn đồng hương kỳ cựu, Woody Allen rất chịu khó, mỗi năm đều làm một phim. Tức là vừa mới làm hậu kỳ phim này, ông đã lên kế hoạch và thậm chí công bố luôn dàn diễn viên cho phim sau. Mười năm nay, Allen luôn siêng năng như thế. Cho dù trong số hàng chục phim ấy, không phải cái nào cũng là tác phẩm lớn, nhưng như đã nói, các ngôi sao tóc vàng xinh đẹp đã vớt vát ít nhiều doanh thu cho Blue Jaminse, Magic in the Moonlight...

Woody Allen yêu nước Mỹ (hãy nhìn vào các bối cảnh chính trong phim của ông lúc nào cũng là New York, Manhattan, cầu Brooklyn, công viên Central...), và không quên mơ mộng theo những bóng hồng đang độ xuân thì, nóng bỏng nhất, thu hút nhất. Chính điểm độc đáo đầy mâu thuẫn ấy, bất quy tắc ấy càng khiến ông trở thành thần tượng trong mắt người Pháp!

>Nhìn lại những khoảnh khắc ấn tượng tại Oscar 2016

>Hai liên hoan phim, một mục đích

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Woody Allen và bốn lần mở màn Liên hoan phim Cannes
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO