Ước mơ bay cao bay xa

VIỆT NGA/DNSGCT| 22/04/2013 09:17

Tôi không nghĩ một ngày nào đó được rời khỏi làng, một vùng non cao, xung quanh chỉ có rừng núi..."

Ước mơ bay cao bay xa

“Tôi không nghĩ một ngày nào đó được rời khỏi làng, một vùng non cao, xung quanh chỉ có rừng núi. Là một cô bé biết múa của bản làng, được lên huyện, rồi lên tỉnh để thi múa… là quá đỗi bất ngờ đối với tôi. Cũng nhờ các cuộc thi ấy mà tôi được các cô cho đi học ở Trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội ở tận Hà Nội. Ra thủ đô học nhưng tôi vẫn là cô bé nhút nhát. Ở trường các bạn và thầy cô lại động viên đi thi hoa hậu, không ngờ được giải Gương mặt đẹp (1999) và giải Người mặc trang phục dân tộc đẹp nhất vào năm 2000…”.

Đọc E-paper

Đinh Y Nhung trở về làng, ở đó còn em trai. Ba mẹ đã mất nên cô không muốn xa em. Khi người em lấy vợ – một cô gái người dân tộc hiền lành, người chị vùng cao dân tộc Hơ Rê ở Ba Tơ Quảng Ngãi đã về Sài Gòn để theo đuổi con đường nghệ thuật.

Đinh Y Nhung được các đạo diễn nhắm ngay vào những vai cô giáo, nữ trí thức. Bộ phim truyền hình nhiều tập Nữ bác sĩ của nữ đạo diễn Song Chi đã đưa khuôn mặt khả ái của Y Nhung đến gần với khán giả qua vai Thanh Hà, một bác sĩ giỏi, nhưng trong tính cách lại có chút lạnh lùng của một phụ nữ sống kín đáo và lý trí.

Các vai diễn hay của Nhung đa phần là những nhân vật phụ nữ truân chuyên, đơn độc cả trong cuộc sống lẫn tình cảm, những người đàn bà tự vươn lên, muốn nắm bắt, làm chủ cuộc sống.

Trong phim Một nửa bóng tối, Y Nhung vào vai người đàn bà mưu mô, có chút thực dụng trong tình yêu. Cô muốn tài sản phải thuộc về mình.

Trong phim Năm Sa, Y Nhung là một cô giáo giỏi, hết lòng vì học sinh nhưng về với gia đình cô không ép con mình vào nề nếp được. Dường như những bài giảng của cô thành công cho học trò thì phản tác dụng với chính con trai mình.

Khi nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất của giải Cánh diều vàng 2012, Y Nhung đã khóc vì hạnh phúc lẫn tủi thân bởi trong giây phút được tôn vinh, Y Nhung cũng chỉ có một mình. Đạo diễn Lưu Huỳnh – chồng cô bận đi chọn cảnh cho bộ phim sắp tới của anh ấy.

Trước đây, nhiều lần đạo diễn Lưu Huỳnh làm phim nhựa với chi phí đầu tư rất lớn, nhưng vẫn không chọn vợ mình vào vai nữ chính hay phụ. Mang thắc mắc ấy hỏi Nhung, cô chỉ cười: “Anh ấy chỉ chọn khi thấy hợp vai”.

Y Nhung đã đóng nhiều phim truyền hình với đủ thân phận, gương mặt cô khả ái và cách diễn có nhiều nội lực… Có phải đạo diễn Lưu Huỳnh thấy diễn viên nhà không thiêng?

Nhưng rồi một ngày… có người bạn báo cho Y Nhung biết: Lưu Huỳnh chọn cô vào vai Lụa cho bộ phim Lấy chồng người ta. Cô ngơ ngác vì Lưu Huỳnh chẳng hề cho biết.

Lưu Huỳnh vốn kín đáo, thận trọng trong nghệ thuật. Quyền lựa chọn kịch bản, đạo diễn và đi phim nào là do Y Nhung quyết định. Anh chỉ dặn cô phải đọc kỹ, xem nhân vật ấy có phù hợp không?

Để được vào vai Lụa trong phim Lấy chồng người ta, Y Nhung cũng phải tham dự casting cùng với các diễn viên khác. Ra hiện trường, Y Nhung làm việc với đạo diễn Lưu Huỳnh bằng sự tôn trọng và nghiêm túc tuyệt đối.

Khó khăn nhất của Y Nhung khi vào vai Lụa là thể hiện một thân phận người đàn bà nghèo bị bạo hành cả thể xác lẫn tình dục. Biết rằng trên phim trường việc bị đánh đập và hành hạ là giả, nhưng cảm xúc phải thật, nỗi đau phải thật.

Không chỉ đạo diễn mà cả diễn viên cũng phải quyết liệt hết mình trong từng cảnh. Khuôn mặt của Lụa lì lợm, sức chịu đựng dồn nén trong đôi mắt ánh lên sự đắng cay, nỗi nhọc nhằn và đâu đó có sự van lơn đối với kẻ bạo hành kia.

Đôi mắt Đinh Y Nhung đã để lại ấn tượng mạnh trong lòng khán giả… Giải Cánh diều vàng dành cho vai Lụa như đền đáp lại công sức và sự cống hiến nghệ thuật hết mình của Đinh Y Nhung.

Nhưng nào ai biết, trong ngôi nhà xiêu vẹo, túng thiếu giữa miền núi cao heo hút đã bao lần hai chị em phải ôm nhau khóc mỗi lần mẹ chịu đòn vì những cơn say của cha, đã hằn sâu vào lòng của Y Nhung từ thuở bé. Có lẽ ký ức ấy của cô đã tạo nên vai Lụa rất thành công trong bộ phim Lấy chồng người ta?

Đinh Y Nhung và bộ phim Lấy chồng người ta đang trên đường tham dự Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế (ViFF) tại Mỹ. Ngày thơ bé, có bao giờ Y Nhung ước mơ mình có những chuyến đi xa như thế.

Được biết, Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế (ViFF) do hai tổ chức bất vụ lợi gồm Hội Văn học Nghệ thuật Việt-Mỹ (VAALA) và Hội Văn hóa và Ngôn ngữ (VNLC) tổ chức hai năm một lần kể từ năm 2003.

Đại hội hỗ trợ và quảng bá phim mang đề tài về con người hoặc văn hóa Việt Nam của các đạo diễn người Việt Nam hoặc gốc Việt Nam và trình chiếu những bộ phim mang đề tài Việt Nam. Đại hội ViFF năm nay kéo dài tám ngày, trình chiếu nhiều tác phẩm điện ảnh đến từ các nước như Úc, Canada, Pháp, Đức, Do Thái, Ba Lan, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Hầu hết các suất chiếu phim của ViFF diễn ra tại University of California, Irvine (UCI). Một số suất chiếu sẽ được tổ chức tại University of California, Los Angeles (UCLA) và thành phố Westminter, Nam California. Mỗi kỳ đại hội thu hút khoảng 4.000 người tham dự từ nhiều nơi trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ước mơ bay cao bay xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO