Phạm Nhật Vượng - thiên tài hay may mắn?

Phan Thế Hải| 09/04/2020 01:00

Giới thương gia cho rằng, việc Phạm Nhật Vượng mới đây tuyên bố ngừng dự án Vinpearl Air phải chăng là ông này linh cảm được chuyện chẳng lành từ virus Corona, tiên lượng trước được sự chết yểu của ngành hàng không và những dịch vụ liên quan?

Phạm Nhật Vượng - thiên tài hay may mắn?

Thời hạn cách ly dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng, máy bay đắp chiếu, nhân viên nghỉ việc không nguồn thu, cổ phiếu lao dốc khiến nhiều ông chủ hãng hàng không đang "khóc ra tiếng Mán". Trong cơn nguy khốn đó, người ta bỗng nhớ tới đại gia Phạm Nhật Vượng, bởi những quyết định bất thường của ông khi dừng một dự án đầu tư đình đám: Vinpearl Air.

Cách đây ba tháng, khi kết quả thẩm định hồ sơ dự án hãng hàng không Vinpearl Air vừa được Bộ Kế hoạch - Đầu tư  trình lên Thủ tướng, Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng đã bất ngờ thông báo ngừng dự án này. Theo hồ sơ gửi cơ quan chức năng xin thực hiện dự án, Vinpearl Air có tổng vốn đầu tư 4.700 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 1.300 tỷ đồng, đặt trụ sở tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Vinpearl Air cũng đã lên kế hoạch chi tiết cho việc ra đời hãng bao gồm nguồn vốn; pháp nhân, nghiên cứu và đánh giá trị trường, lộ trình phát triển và tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực… Theo đó, trong năm đầu tiên, Vinpearl Air khai thác 600 lao động, trong đó có 60 phi công, 120 tiếp viên. Đến năm 2024, số nhân sự là 2.250 người, bao gồm 346 phi công, 892 tiếp viên. 

Để đạt được kế hoạch này, Vinpearl Air dự kiến thuê phi công nước ngoài từ các đối tác uy tín nên không tạo áp lực tổng thể nguồn nhân lực của ngành hàng không. Bên cạnh đó, việc Tập đoàn VinGroup đang triển khai hệ thống các trường đào tạo nhân lực hàng không như Vin Aviation School, Vin Uni sẽ giúp dự án Vinpearl Air tăng tính khả thi do chủ động được nguồn nhân lực đặc thù của hãng cũng như góp phần bổ sung nhân lực cho toàn ngành hàng không.

Cùng với kế hoạch hoành tráng và chi tiết đó, Vingroup đã thành lập bộ máy cho dự án, bộ máy này đã hoạt động ráo riết nhiều tháng với những khoản đầu tư ban đầu lên tới cả trăm tỷ đồng.

Bỏ ra số tiền lớn như vậy, cùng với đó là sự ủng hộ của các cơ quan ban ngành chuyên môn với một niềm tin là “Vin đã nói là làm, đã làm là hoành tráng”, nhưng rồi bỗng dưng ông Vượng tuyên bố dừng dự án với lời giải thích là để “tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp của Vingroup”.

Dừng có nghĩa bỏ đi một dự án thai nghén với bộ máy nhân sự và cả những khoản đầu tư không nhỏ. Mất tiền chỉ là một phần nhưng mất uy tín cũng là điều không thể bỏ qua. Lần đầu tiên, Vingroup lên kế hoạch tham gia vào thị trường hàng không với những kế hoạch chi tiết rồi bỗng dưng tháo lui. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra sau sự kiện này.

Nhưng rồi, sau sự kiện đó, ngày 23/1/2020, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố về sự đe dọa của virus Corona và quyết định phong tỏa thành phố Vũ Hán, toàn bộ hệ thống giao thông công cộng và hoạt động xuất - nhập đều bị tạm ngưng. Sự nguy hiểm của con virus này đến nền kinh tế toàn cầu cho đến nay ai cũng thấy rõ.

Giới thương gia cho rằng, việc Phạm Nhật Vượng tuyên bố ngừng dự án Vinpearl Air phải chăng là ông linh cảm được chuyện chẳng lành từ con "virus bé xíu từ Vũ Hán" và tiên lượng trước được sự chết yểu của ngành hàng không, cùng những dịch vụ liên quan?

Việc tuyên bố dừng một dự án được thai nghén trong thời gian dài là chuyện không dễ. Nếu ông Vượng nhìn thấy trước được thảm cảnh của nền kinh tế, trong đó có ngành hàng không dẫu chỉ là ba tháng đã là thiên tài. 

Theo báo cáo đánh giá của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Vietnam Airlines là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất của doanh nghiệp dẫn đầu thị trường hàng không này ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ so với cùng kỳ và lỗ 2.383 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020 nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý IV, tổng doanh thu của Vietnam Airlines ước đạt 38.140 tỷ đồng, giảm 72.411 tỷ đồng so với kế hoạch 2020 và ước lỗ 19.651 tỷ đồng. Kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19 tại Việt Nam, cổ phiếu của hãng hàng không tư nhân Vietjet (VJC) cũng bốc hơi lên tới hơn 33%, giảm từ 148.000 đồng/CP (ngày 2/1/2020) xuống còn 98.900 đồng/CP tính vào lúc 10g15 sáng nay 9/4/2020. Riêng cổ phiếu của Vietnam Airlines (HVC) vừa bị lọt vào danh sách cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) quý II/2020 của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE). Tính đến 10g15 sáng nay, cổ phiếu này cũng đã bốc hơi khoảng 40%, còn 20.300 đồng/CP so với mức giá 34.100 đồng/CP vào ngày 2/1/2020. 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phạm Nhật Vượng - thiên tài hay may mắn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO