Ông chủ Lạc Việt: Kinh doanh không chỉ vì tiền

15/09/2014 07:17

Câu chuyện kinh doanh và những trăn trở về giáo dục của ông Hà Thân, Tổng Giám đốc Lạc Việt.

Ông chủ Lạc Việt: Kinh doanh không chỉ vì tiền

Câu chuyện kinh doanh và những trăn trở về giáo dục của ông chủ Lạc Việt.

Ông Hà Thân, Tổng Giám đốc Lạc Việt

Lạc Việt - một tên tuổi khiến đa số người sử dụng máy tính nhớ ngay đến bộ từ điển song ngữ Anh Việt vốn song hành cùng họ trong những năm tháng miệt mài học tập và làm việc. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau phần mềm hữu ích này là công sức của cả một đội ngũ, đứng đầu là ông Hà Thân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt.

Đây là bộ từ điển điện tử đầu tiên của Việt Nam, ra đời cách đây 2 thập niên, vào đúng thời điểm nền kinh tế đang trên đà mở cửa và nhu cầu học tiếng Anh bùng nổ. “Bộ từ điển này được phát triển trong thời gian tôi còn làm việc ở Seatic thuộc Seaprodex. Sau khi khởi nghiệp với Lạc Việt vào năm 1994 thì được viết lại trên hệ điều hành Windows”, ông Thân hồi tưởng.

Seaprodex là công ty chuyên cung cấp thiết bị phụ tùng của hãng Yanmar cho ngư dân theo hình thức hàng đổi hàng và xuất khẩu thủy sản. Nhìn thấy hàng ngàn kiện hàng thiết bị nằm la liệt trong kho nhưng không hiệu quả do quản lý kém, thậm chí thất lạc.

“Vài chục triệu USD có cũng như không” đã thôi thúc Hà Thân tìm hướng giải quyết. “Tôi tham khảo các tài liệu quản lý cửa hàng, rồi từ đó vừa viết phần mềm, vừa xây dựng hệ thống xếp kệ phụ tùng một cách khoa học. Kết quả là việc xuất nhập kho trở nên đơn giản, giảm thiểu thời gian hao phí và kiểm soát chặt chẽ số lượng nhằm tránh thất thoát”, Hà Thân kể lại cơ duyên đến với ngành công nghệ thông tin khi xuất thân là cử nhân toán học. Thành công này là động lực khuyến khích ông triển khai phần mềm thứ 2, quản lý đơn hàng xuất khẩu cho Seaprodex.

Những đóng góp tích cực được ghi nhận vẫn không giữ chân được Hà Thân. Dường như chiếc áo chật của cơ quan nhà nước đã thôi thúc sự ra đi của chàng trai trẻ.

“Cần rất nhiều thời gian để thuyết phục những người có tiếng nói quyết định. Nhưng khi vượt qua rào cản tư duy thì có khi cơ hội cũng qua rồi”, Hà Thân lý giải phần nào nguyên nhân khiến ông quyết định rời môi trường Nhà nước để góp vốn với 4 người bạn, lập nên công ty của chính mình. Nhưng có lẽ quan trọng hơn, ông nhìn thấy được tiềm năng của ngành công nghệ thông tin dù thị trường lúc ấy khá sơ khai với số lượng máy tính còn hạn chế và Internet chỉ mới được giới thiệu lần đầu vào năm 1991.

20 năm trôi qua, Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt trải qua nhiều thăng trầm và thay đổi. Bộ từ điển Lạc Việt nổi tiếng đem lại cho ông những thành công ban đầu thì thời gian sau lại trở thành thách thức.

Sau vài năm được tung ra trên thị trường, từ điển Lạc Việt đã bắt đầu cạn dần nguồn thu do vấn nạn sao chép lậu, mọi cửa hàng máy vi tính và những nơi bán sách, đĩa đều xuất hiện trên kệ bộ từ điển này. Dĩ nhiên, đa phần là trái phép. Lúc đó, Hà Thân phải loay hoay lựa chọn một hướng phát triển mới với phân khúc hẹp hơn, nhưng chắc chắn.

Phần mềm kế toán AccNet chưa được hình thành đã phải gánh trách nhiệm là sản phẩm mở đường cho phân khúc thị trường hoàn toàn mới: tập trung cung cấp giải pháp cho các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp tầm trung. Chấp nhận thử đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro.

Để có tiền nuôi quân làm phần mềm, Lạc Việt đi vay ứng trước hàng hóa rồi làm phân phối nhưng do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này đã khiến Công ty chịu thêm một khoản nợ nước ngoài gấp 10 lần vốn hoạt động khi đó.

Nhận thấy việc chỉ nên tập trung vào cốt lõi, Lạc Việt từ bỏ ý định làm phân phối, tập trung cao độ cho phát triển phần mềm doanh nghiệp và tích hợp hệ thống, trên nền tảng tìm kiếm những hợp đồng mới cho từ điển Lạc Việt đánh vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

5 năm sau, Công ty bắt đầu có tích lũy riêng và theo dòng thời gian, những sản phẩm về quản trị doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện và đa dạng. Đến nay, Công ty có 3 nhóm sản phẩm chủ đạo gồm hệ thống phần mềm quản trị doanh nghiệp (đóng góp 60% doanh thu), các sản phẩm liên quan đến giáo dục - đào tạo (chiếm 3- 4% doanh thu) và dịch vụ công (tỉ trọng 30% doanh thu). Kết thúc năm tài khoá 2013, Lạc Việt thu được gần 230 tỉ đồng so với vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 27 tỉ đồng.

Chỉ tính riêng sản phẩm gạo cội phần mềm kế toán AccNet đã đóng góp 10% vào doanh thu hằng năm và hiện đang được gần 5.000 doanh nghiệp sử dụng. Tuy nhiên, phần mềm này vẫn được phát triển nhằm đáp ứng được rộng rãi hơn, hướng đến cả các doanh nghiệp đặc thù.

Cụ thể, vào đầu những năm 2000 khi các công ty chứng khoán vẫn phải loay hoay tìm kiếm một phần mềm kế toán phù hợp thì đến năm 2004, Lạc Việt đã nghiên cứu thành công phiên bản AccNet2004 theo đơn đặt hàng của Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC). Sự hài lòng được đánh giá bởi một tên tuổi lớn trên thị trường chứng khoán là cơ sở để Công ty tiếp tục hoàn thiện AccNet2004, nhằm mở rộng đối tượng khách hàng.

Với tư duy nhạy bén và tầm nhìn xa, Hà Thân không chỉ dừng lại với phần mềm kế toán AccNet mà còn chủ động tìm hiểu và đáp ứng các nhu cầu khác của doanh nghiệp như phần mềm quản trị nhân sự, phần mềm quản trị bán lẻ và nguồn lực doanh nghiệp.

Hiện nay, Lạc Việt cung ứng các sản phẩm tích hợp sẵn của Microsoft như phần mềm quản trị nguồn lực doanh nghiệp (Dynamics AX) và phần mềm quản trị khách hàng (Dynamics CRM). Hợp tác với Microsoft từ năm 1996, bản địa hóa công nghệ của “người khổng lồ” trong lĩnh vực phần mềm không chỉ giúp Công ty có thêm nguồn thu, mà còn cải thiện chất lượng nguồn nhân lực khi các khoá đào tạo ngắn hạn của Microsoft ở nước ngoài luôn có sự tham gia của nhân sự phần mềm từ Lạc Việt.

Mảng dịch vụ công, vốn chiếm tỉ trọng lớn thứ 2 trong doanh thu cũng có những dấu ấn nhất định, hiện chiếm đến 60% thị phần dịch vụ công tại khu vực phía Nam. Lạc Việt đã xây dựng thư viện điện tử lớn cho khách hàng ở tỉnh Đăk Nông, Đồng Nai, Bạc Liêu và một số trường đại học. Cổng thông tin điện tử của nhiều Bộ, Ngành và các tỉnh cũng là sản phẩm được đóng tên Lạc Việt.

Tuy nhiên, không thể che giấu tỉ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu của Lạc Việt khá thấp, chỉ đạt mức bình quân 1,1%/năm trong 3 năm gần đây. Lý do chính giải thích cho tình trạng này là vì Lạc Việt liên tục đổ vốn vào đầu tư và trang trải cho tòa nhà gần 4.000 m2 mà Công ty đang sở hữu.

Phần mềm không phải là sản phẩm có thể thu lại lợi nhuận ngay, mà thường mất vài ba năm phát triển, thử nghiệm và hoàn thiện. Năm 2013 là năm vụ mùa sau thời gian dài gieo trồng chăm bón của toàn công ty, Lạc Việt tung ra một loạt sản phẩm mới hoàn thiện, điển hình như hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp trên đám mây (SureERP), hệ thống quản trị bán lẻ trên đám mây (SureRMS/POS) và cổng thông tin doanh nghiệp (SurePortal). Đây là các phần mềm này có thể hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý của doanh nghiệp.

Lý do tiếp theo của việc không quan trọng lợi nhuận hay tỉ suất sinh lời là bởi người thuyền trưởng của Lạc Việt đã dành khá nhiều tâm huyết cho mảng giáo dục. Chi hằng năm cho mảng giáo dục khá lớn dù doanh thu chưa tương xứng như kỳ vọng.

Đồng cảm với tư tưởng “khai dân trí” của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, Hà Thân cho rằng những quốc gia thịnh vượng đều đi lên bằng “hai chân”: thể chế và giáo dục. Và với vai trò của một người công dân, ông muốn đóng góp phần nào cho giáo dục nước nhà.

Toàn bộ lợi nhuận của sản phẩm từ điển Lạc Việt và sản phẩm phát triển thêm (theo nhiều thứ tiếng như Pháp, Trung, Nhật, Hàn), dưới nhiều chuyên ngành (ngân hàng, tin học, y học, toán học) trong những năm qua đều dồn về cho dự án phần mềm trường học trực tuyến (SureLMS).

Một trong những cấu phần quan trọng của SureLMS là kho học liệu chứa những kiến thức về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Và để thực hiện dự án này, Hà Thân đã phải đi nhiều nơi, nghiên cứu về kho học liệu mở của các nước tiên tiến như Anh và Hoa Kỳ nhằm mang sự tiện dụng và khoa học về Việt Nam. Nếu như mảng tự nhiên với những con số và quy luật có thể dễ dàng minh định thì xây dựng học liệu cho mảng xã hội là phần khó khăn hơn dù không thể bỏ qua.

Đáp ứng được 4 triết lý của sự học do UNESCO nêu ra: “Học để biết, học để làm, học để làm người, học để chung sống” mà vẫn giữ trong khung chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo nhưng mang hơi thở mới là một thách thức không nhỏ đối với doanh nhân mang đầy tâm huyết này.

Tháng 10 này, SureLMS sẽ được tiến hành thử nghiệm tại 2 trường phổ thông ở TP.HCM. Nếu thành công, Lạc Việt sẽ có cơ hội tiếp cận 22.000 trường phổ thông trên toàn quốc. “Đây là một tiềm năng khổng lồ và bền vững”, ông Thân kỳ vọng.

Khuôn mặt lại trở nên vui khi ông chia sẻ về dự định tiến sang xây dựng các thiết bị thí nghiệm lý - hóa - sinh kết hợp với phần mềm giáo dục. Ông đưa ra dẫn chứng về vài trường hợp mạnh lên nhờ đầu tư khép kín “đi bằng 2 chân” cả phần cứng lẫn phần mềm, mà thành công của Apple là một bài học lớn.

Cụ thể, tháng 4 vừa qua, Nokia chính thức sáp nhập vào Microsoft, dấu hiệu cho thấy Microsoft mở rộng sang lĩnh vực phần cứng. Ở chiều ngược lại, hãng máy tính Dell chuyên về phần cứng đã bắt đầu kết hợp cả phần mềm.

Tuy nhiên, thách thức hãy còn nhiều và thành công hay thất bại đôi lúc chỉ cách nhau vài bước chân, nằm ở khả năng sáng tạo và nắm bắt thị trường. Theo một chuyên gia từng làm việc lâu năm tại Công viên phần mềm Quang Trung thì “không phải khi nào phát triển đồng bộ cả phần cứng lẫn phần mềm cũng mang lại thành công. Trên thế giới, hãng BlackBerry là một minh chứng vì không có những sáng chế đột phá như Apple”.

Vẫn là giáo dục. Ông mở cho chúng tôi xem một trong những sản phẩm miễn phí trên mạng được đầu tư khá công phu. “Mỗi năm, Lạc Việt chi đến vài tỉ đồng để duy trì trang web này”. Miệng nói, tay gõ dòng chữ www.coviet.vn trên thanh địa chỉ của phần trình duyệt, ông cười vui và dẫn chúng tôi vào những ứng dụng bổ ích của trang web này.

“Ngoài chức năng tìm kiếm chuyên sâu thông tin về Việt Nam, công cụ này còn tích hợp chức năng dịch tự động theo từng lĩnh vực chuyên sâu, từ tin học, kế toán, y học, kỹ thuật đến toán học”, ông Thân vừa nói, vừa thị phạm trên màn hình một bản tin tiếng Anh được dịch khá trau chuốt sau vài thao tác đơn giản.

Kết quả kinh doanh của Lạc Việt và định hướng phát triển mang dấu ấn của Hà Thân đã cho thấy phần nào triết lý kinh doanh không chỉ là vì tiền của nhà toán học nhiều trăn trở này. Ông bảo rằng, “làm kinh doanh đúng theo lương tâm để kiếm tiền cũng tốt, nhưng nếu đưa thêm những sản phẩm có ích cho giáo dục nước nhà thì dù bớt đi vài đồng lợi nhuận theo tôi vẫn thích thú hơn nhiều”.

Liệu Hà Thân có đạt được những kỳ vọng của mình trong thời gian tới hay không, với tuổi lục tuần đang đến gần là điều mà dường như rất nhiều người đã thắc mắc khi dõi theo bước chân của Lạc Việt. Nhưng một điều chắc chắn rằng, vẫn có rất nhiều người tin một niềm tin giống ông, rằng “chấp nhận thử, là chấp nhận rủi ro”.

>Doanh nhân phải giỏi phép tính chia
>Ông chủ Miti: Bỏ bệnh viện đi may túi xách
>
Cựu chủ tịch Sacombank: Đời doanh nhân như cây mía

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ông chủ Lạc Việt: Kinh doanh không chỉ vì tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO