Muốn giữ nhân viên, mình phải là người đồng hành

LỮ Ý NHI| 23/07/2009 07:35

Cùng là kinh doanh nhưng khi bán một sản phẩm nghệ thuật, tôi không có cảm giác mua bán đơn thuần mà là sự chia sẻ, mang đến cho khách hàng một món ăn tinh thần".

Muốn giữ nhân viên, mình phải là người đồng hành

Đúng hẹn, 10 giờ sáng tôi có mặt tại Công ty Tùng Vinh. Đinh ninh ngày Chủ nhật Tổng giám đốc không bận rộn và đang thong thả đón khách. Thế nhưng, hơn 5 phút ngồi chờ mới thấy anh phóng xe máy về. Nhìn anh trong bộ trang phục thun đen thể thao, nón lá, dép nhựa mềm giản dị, dáng chắc khỏe, nước da rám nắng, ít ai nghĩ anh là tổng giám đốc của 4 công ty với gần 500 công nhân. Vừa cởi đôi bao tay bảo hộ lao động, anh vừa nói: “Xin lỗi nhé, mải xếp đá dưới xưởng nên tôi về hơi trễ”.

* Chủ nhật mà anh vẫn làm việc?

Ông Ngô Chánh hướng dẫn cách chọn đá cho thế hệ kế thừa

- Tôi vốn ham làm nên không có ngày nào là ngày nghỉ trong tuần. Chính vì vậy mà nhiều lúc bà xã phản đối, cằn nhằn hoài một câu: “Sao anh làm việc nhiều quá vậy?”. Và tôi cũng trả lời bà xã duy nhất câu: “Hễ anh còn sống là còn làm việc”.

* Nhưng làm mà không có ngày nghỉ để thư giãn, tận hưởng cuộc sống thì chưa phải là sống đúng nghĩa?

- Tôi không quan niệm thư giãn, tận hưởng cuộc sống là phải ngưng nghỉ mọi công việc hoặc đi đâu đó. Hiện tại tôi có 4 công ty, trong đó 3 công ty chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nhựa, vải bạt, bao bì, dây thừng và nhập khẩu nguyên liệu ngành nhựa; công ty còn lại là Tùng Sơn Thạch Hoa Viên, chuyên thiết kế sân vườn, kinh doanh các sản phẩm chế tác từ đá Nhật. Đây chính là nơi để tôi vừa làm việc vừa thư giãn. Mỗi lần nhập thêm sản phẩm hoặc thiết kế một mẫu sân vườn mới, tôi lại có hàng giờ ngồi ngắm nghía, mân mê các viên đá, thấy tinh thần thảnh thơi, nhẹ nhõm. Với tôi, làm ra cái đẹp cho người khác thưởng ngoạn cũng là cách tận hưởng cuộc sống.

* Cơ sở nào để anh tin mình sẽ thành công trong lĩnh vực đòi hỏi phải có óc thẩm mỹ tinh tế này?

- Trước khi quyết định kinh doanh trong lĩnh vực này, tôi đã một thời vừa đam mê vừa tìm tòi học hỏi về đá Nhật. 22 năm sống ở vùng Tứ Quốc Tùng Sơn (thuộc tỉnh Ehime - Nhật Bản), nơi sản sinh ra loại nham thạch cả ngàn năm tuổi, rất cứng và bền, màu sắc đặc biệt, khó có loại đá nào sánh được, tôi đã cảm nhận vẻ đẹp của loại đá này và nó cũng trở thành món ăn tinh thần của tôi sau những ngày lao động nặng nhọc.

Từ thích đến say mê, tôi đọc rất nhiều sách báo, tài liệu để tìm hiểu đến tận cùng. Biết tôi đam mê và cần mẫn học hỏi, người cha đỡ đầu của tôi là một nghị viên ở Nhật, rất am tường nghề đá, đã truyền nghề cho tôi. Ông nói: “Con cố học đi. Rồi đây, Việt Nam sẽ phát triển và người Việt Nam cũng sẽ có xu hướng đưa thiên nhiên vào nhà như người Nhật. Lúc đó, con sẽ có cơ hội và nghề này sẽ mang lại niềm vui cho con”.

Cũng những năm sống ở Nhật, làm nghề thu mua máy móc cũ, tôi đến nhiều nhà dân ở các vùng khác nhau. Ở nhà nào, tôi cũng thấy họ thiết kế sân vườn rất đẹp. Những tảng “đá bước đi” gọi là Tobiishi, được cắt bằng phẳng, lát trên lối đi trong sân vườn, hai bên rải sỏi màu sậm, cùng các loại hoa cỏ đủ màu sắc, xen lẫn với các vật thể thiên nhiên như tảng đá hình quả núi, ụ đất hình quả đồi, những cây bonsai dạng cổ thụ nằm lặng lẽ quanh hồ... đã làm tôi thực sự rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Từ đó, tôi có thêm sức sáng tạo để tin rằng mình sẽ thành công khi bước vào lĩnh vực này.

* Nhưng kinh doanh lĩnh vực này đòi hỏi vốn nhiều lại khá “kén chọn” khách hàng, liệu anh có quá mạo hiểm không?

- Khi thấy tôi làm ai cũng lo lắng, e ngại, nhất là bà xã cằn nhằn quá trời vì hàng ngàn tấn đá nặng nề, cồng kềnh nhập về không chỉ choán hết cả sân công ty mà cái “của nợ” này còn ngốn của gia đình hơn 50 tỷ đồng. Nhưng tôi xác tín với lựa chọn của mình. Khi kinh tế khá hơn, con người sẽ có nhu cầu cân bằng đời sống tinh thần, lúc đó họ rất cần đến thiên nhiên. Hiện nay, đá sân vườn, kiểng bonsai, đá nghệ thuật và các loại sỏi trang trí đã được nhiều người trong giới chơi đá kiểng biết đến. Những khối đá 20 tấn, giá vài chục triệu, nhiều bộ bàn ghế đá gần cả trăm triệu cũng đã được nhiều người mua về để đục đẽo thành sư tử, ếch, rùa theo sở thích hoặc để trong sân vườn.

* Bán một sản phẩm nghệ thuật với một sản phẩm tiêu dùng đơn thuần, cảm giác của anh có khác nhau?

- Khác chứ. Cùng là kinh doanh nhưng khi bán một sản phẩm nghệ thuật, tôi không có cảm giác mua bán đơn thuần mà là sự chia sẻ, mang đến cho khách hàng một món ăn tinh thần. Mỗi khi ai đó gọi tôi là “Ông vua đá hoặc ông gì đó nhập đá Nhật về”, tôi cảm thấy rất vui vì có người biết đến sản phẩm của tôi. Nhiều người cho rằng kinh doanh lĩnh vực này không phải lo âu, mất ngủ như lĩnh vực khác. Không đâu. Một lô hàng sản xuất bị lỗi có thể làm lại nhưng nhập một sản phẩm bằng đá về, lòng tôi cứ thắc thỏm, đứng ngồi không yên cả tuần, sợ đá bể, nứt, trầy xước, nhất là những bộ bàn ghế to, nặng, quá cồng kềnh, chỉ bị một chút tì vết thôi cũng mất giá trị và vẻ đẹp độc đáo. Chỉ khi hàng chục tấn đá được cẩu đến sân nhà, tôi mới yên tâm ngon giấc.

* Cần cù, chịu học hỏi, đó có phải là yếu tố mang lại thành công cho sự nghiệp kinh doanh của anh?

- Nói đến thành công trong kinh doanh thì cần nhiều yếu tố lắm, song có thể coi đó là những yếu tố “nền tảng” thôi. Nhớ những năm đầu tiên sang Nhật, tiền không có, nhà cũng không, một vợ, ba con đang dựa tất vào mình, tôi chỉ có một con đường duy nhất là phải cần cù lao động. Mặc dù muốn làm đủ thứ việc nhưng rào cản lớn nhất của tôi là ngôn ngữ nên ngày đêm tôi phải lao vào học, trên xe buýt cũng học, đi vệ sinh cũng học, lên giường ngủ cũng học. Chỉ trong 6 tháng tôi đã nói được tiếng Nhật. Nhờ cần cù, không nề hà bất cứ việc gì có thể kiếm tiền bằng sức lao động chân chính, chẳng bao lâu tôi đã có vốn liếng kha khá và quyết định trở về Việt Nam kinh doanh.

* Cách quản lý doanh nghiệp hiệu quả nhất của anh là gì?

- Đó là báo cáo. Hằng ngày, tôi dành một tiếng để nghe nhân viên ở các bộ phận báo cáo công việc của mình. Báo cáo không chỉ là hình thức kiểm tra mà qua đó, người lãnh đạo còn biết công việc của mỗi người đến đâu để tổ chức công việc trong công ty đi theo hệ thống, nghĩa là từ 1-1.000 đều ăn khớp nhau.

* Quá trình sống và làm việc với người Nhật, nhất là giới doanh nhân Nhật, anh có thể chia sẻ gì với doanh nhân Việt Nam?

Ông Ngô Chánh đưa nghệ nhân lão thành Bùi Văn Ngọ tham quan khu triển lãm đá cảnh của Nhật tại Hội hoa xuân TP.HCM 2009

- Với người Nhật, uy tín và cần cù là số một. Những ông chủ người Nhật không bao giờ nghĩ mình là chủ để phân cấp, tạo khoảng cách với nhân viên mà cùng xuống xưởng chia sẻ và làm việc như mọi người. Một ưu điểm nữa của người Nhật là họ không ngừng suy nghĩ và sáng tạo. Không bao giờ họ chịu thua, chịu ngừng, chịu đứng một chỗ. Khi họ đã có một thì muốn làm hai, có hai phải lên ba vì họ quan niệm không có gì đời đời bền vững.

Điểm khác nhau rõ rệt giữa doanh nhân Nhật và Việt Nam, đó là sự tính toán, chắt chiu. Doanh nhân Nhật dù giàu bạc tỷ nhưng có cơ hội kiếm được 2 đồng, họ vẫn nỗ lực làm vì họ cho rằng có nhỏ mới có lớn. Còn doanh nhân mình, đã có bạc tỷ thì mất sức làm chi với hai ngàn đồng!

* Anh nói không cần làm nữa cũng đủ sống an nhàn đến già, vậy điều gì khiến anh cứ phải cần mẫn và mở thêm nhiều công ty như vậy?

- Tôi có 4 con trai nên 4 công ty tôi tạo dựng hôm nay đều mục đích truyền lại cho chúng. Có người cho tôi là độc đoán, áp đặt, thiếu dân chủ bởi thời hiện đại, nghề nghiệp của con sẽ do con tự chọn lựa. Nhưng quan niệm của tôi khác, những gì tôi va vấp trên con đường đã qua là kinh nghiệm để con tôi không phải trả giá và vững vàng bước tiếp. Người Nhật quan niệm: Sự nghiệp, thương hiệu của thế hệ trước làm ra vất vả lắm nên con cháu phải tiếp tục gìn giữ. Họ trọng phương thức cha truyền con nối và tôi cũng muốn làm như họ.

* Là một Việt kiều thành đạt, một doanh nhân thành công nhưng trông anh có vẻ rất bình dân, giản dị?

- Người Nhật thường răn dạy con cái: “Khi có tiền, tính tình đừng bao giờ thay đổi”, chính vì vậy mà những người thành công, những ông chủ, những vị tổng giám đốc các công ty lớn ở Nhật ai cũng bình dị, thân thiện và hòa đồng. Sống nhiều năm ở Nhật, tôi cũng bị “nhiễm” điều này. Hàng chục năm rồi, dù có bao nhiêu tiền, có mấy công ty, tôi vẫn vậy. Vẫn tự lái xe, thích ngồi những hàng quán bình dân ăn vài cuốn bò bía, gỏi đu đủ, tô bún riêu...

 Khi mở công ty, tôi vẫn đeo khẩu trang, bao tay, áo quần bảo hộ lao động xuống xưởng cùng làm với anh em. Tôi quan niệm: Muốn giữ nhân viên, người chủ phải đồng hành với họ. Bởi khi cùng làm, mình sẽ biết nhân viên mệt như mình, khát như mình, đói như mình... Và những gì mình ước mơ cũng là những gì mà nhân viên mong đợi. Có lẽ vậy mà hơn hai mươi năm kinh doanh, tôi đã có được những nhân viên gắn bó, trung thành với công ty, họ sẵn sàng theo tôi, đồng cam cộng khổ với tôi trong những lúc gian nan thử thách.

* Anh ở Việt Nam, vợ con ở Nhật, các cháu lại đang tuổi trưởng thành, làm thế nào để anh có thể dạy các con theo đúng “khuôn phép” của mình?

- Để dạy các con biết quý trọng đồng tiền, biết trân trọng sức lao động của người khác, ngay từ bé, tôi thường lấy những chuyện gian nan thời trẻ của hai vợ chồng kể lại cho các con để chúng nhập tâm và chuyển thành ý thức. Nói chuyện này, tôi nhớ đến cách giáo dục của người Nhật rất hay:

Tuy đã trở thành một nước giàu mạnh nhưng trong sách giáo khoa họ vẫn nói Nhật là một nước nghèo, không có tài nguyên, chỉ có núi và biển nhằm dạy cho mọi người tinh thần cần cù lao động, ý chí vươn lên. Trong khi đó, sách giáo khoa Việt Nam ngay từ cấp 1 đã rao giảng: Việt Nam rừng vàng biển bạc, tài nguyên giàu có, đất đai mỡ màu. Theo tôi, điều này sẽ làm cho trẻ sớm có tính ỷ lại, như một đứa trẻ nhà giàu không cần vươn lên, không cần nỗ lực vẫn có của để ăn, để lớn.

Khi các con trưởng thành, làm việc trong công ty, tôi cũng trả lương và bắt làm đủ 8 tiếng như những nhân viên khác. Con trai lớn, sau khi tốt nghiệp quản trị kinh doanh ở Mỹ, đang giúp tôi quản lý kinh doanh ở Việt Nam; còn các cháu khác ở bên Nhật đảm nhiệm việc mua đá, đóng container chuyển về cho công ty của bố.

* Một thói quen mà anh thích nhất?

- Đó là ngày Tết phải có cặp tắc chưng trong nhà vì người Hoa cho rằng tắc là đại kiết (thu hoạch tốt, làm gì cũng sung mãn). Ngoài ra, Tết là ngày truyền thống rất thiêng liêng, ngày để các thành viên trong gia đình dù đi đâu cũng về đoàn tụ. Do vậy, Tết nào gia đình tôi cũng quây quần bên nhau với đủ tắc, mai, đào, thịt kho, bánh tét...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Muốn giữ nhân viên, mình phải là người đồng hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO