Không lấy khó khăn để né trách nhiệm

NGỌC VÂN| 09/06/2009 03:48

Mặc dù Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ vẫn đạt lợi nhuận sau thuế hơn 9 tỷ đồng nhưng so với kế hoạch của năm 2008 chỉ đạt 37,57%. Căn cứ tờ trình về chế độ thù lao của HĐQT và Ban Kiểm soát vì lợi nhuận của Công ty đạt dưới 60% kế hoạch nên các thành viên HĐQT không được hưởng thù lao.

Không lấy khó khăn để né trách nhiệm

Mặc dù Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ vẫn đạt lợi nhuận sau thuế hơn 9 tỷ đồng nhưng so với kế hoạch của năm 2008 chỉ đạt 37,57%. Căn cứ tờ trình về chế độ thù lao của HĐQT và Ban Kiểm soát vì lợi nhuận của Công ty đạt dưới 60% kế hoạch nên các thành viên HĐQT không được hưởng thù lao.

Trong một năm đầy khó khăn như năm 2008, các cổ đông có thể cảm thông với HĐQT khi kế hoạch kinh doanh không hoàn thành như mong muốn. Tuy nhiên, ông Đặng Triệu Hòa, với tư cách Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty đã không né tránh trách nhiệm. Ông tâm sự:

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chỉ tiêu kế hoạch năm 2008 không đạt. Trước tiên, sự bất ổn về kinh tế, tài chính toàn cầu; rồi lạm phát trong nước quá cao vào đầu năm 2008 buộc Chính phủ phải đưa ra chính sách thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát bằng cách tăng lãi suất ngân hàng.

Lãi suất vay vốn tăng đẩy chi phí lên khá cao làm suy giảm hiệu quả sản xuất - kinh doanh đáng kể. Sự biến động giá nguyên phụ liệu cũng chồng chất thêm khó khăn. Tháng 10/2008, giá nguyên vật liệu sản xuất sợi giảm 50 - 55% theo sự sụt giá đột biến của dầu thô.

Cụ thể, tháng 8 và tháng 9 giá hạt chip từ 1,47USD đến 1,5USD/kg, nhưng qua tháng 10 còn 0,7USD/kg. Chỉ thay đổi giá trong một tháng mà Công ty bị giảm lợi nhuận khá lớn.

Trước đây, Công ty thường dự trữ nguyên liệu cho 3 tháng sản xuất, cũng may, tại thời điểm đó, Công ty không dự trữ nhiều. Sản phẩm làm từ nguyên liệu mua giá cao nhưng vì giao hàng vào thời điểm nguyên liệu hạ giá, mình cũng phải hạ giá; nếu không, khách hàng đâu chịu.

Tôi không lấy những khó khăn khách quan để né trách nhiệm, tôi nhìn nhận mình làm chưa tốt công tác phòng ngừa rủi ro từ những biến cố lớn trên toàn cầu. Tôi đã cùng ban lãnh đạo Công ty củng cố sản xuất - kinh doanh theo hướng bền vững hơn và có thể tránh các rủi ro tương tự xảy ra trong tương lai.

* Trong năm 2009, ông dự liệu còn rủi ro nào nữa không?

- Năm nay mặt bằng giá cả thị trường quốc tế và cán cân cung - cầu của thế giới thay đổi khá lớn so với năm 2008. Rất nhiều nhà máy sản xuất, cung ứng nguyên liệu cho ngành sợi đã đóng cửa. Hiện giờ cung và cầu nguyên liệu đang cân bằng, nhưng nếu tiếp tục tình trạng suy thoái, ngày càng có nhiều nhà máy phải đóng cửa, thì lúc đó cung sẽ thấp hơn cầu.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là hoạt động sản xuất của Công ty chúng tôi đã phục hồi từ tháng Hai năm nay nhờ khai thác tốt thị trường xuất khẩu mới và tiềm năng tăng trưởng của thị trường trong nước.

Trong đó có nguyên do từ một phần đơn hàng của khách hàng lớn như Nike, Adidas, Decalthon chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam khi các nước châu Âu, châu Mỹ thực hiện chính sách hạn chế nhập khẩu hàng Trung Quốc.

Dù vậy, tôi cũng thận trọng đề xuất kế hoạch đầu tư, sau khi tính toán, cân nhắc các yếu tố khả thi; HĐQT vẫn duy trì chiến lược phát triển giai đoạn 2008 - 2012, song thời gian triển khai chậm lại một năm và chia làm hai giai đoạn.

Ngành sản xuất sợi có hai yêu cầu đặc thù: trình độ công nghệ cao và vốn đầu tư khá lớn, cho nên những nhà sản xuất đạt chuẩn quốc tế không nhiều. Ngành dệt may hiện nay cũng phải đi theo xu hướng tiêu dùng gắn với bảo vệ môi trường.

Trước mắt, chúng tôi nghiên cứu sản xuất sợi chuyên dùng làm chỉ màu và sợi có thể tái chế để đáp ứng tiêu chí bảo vệ môi trường của các khách hàng lớn như Nike, Adidas, Decalthon.

* DN đầu tư sản xuất sợi ở Việt Nam còn quá ít, trong khi các doanh nghiệp dệt, may nhiều hơn. Ông có nghĩ đây là một thị trường lớn cho Công ty mình?

- Hiện nay, Công ty tôi chỉ cung cấp 40% sản lượng cho các DN dệt trong nước, còn 60% xuất khẩu. Sở dĩ như vậy là vì nhu cầu sợi cao cấp đạt chuẩn quốc tế của các công ty nước ngoài rất nhiều để họ sản xuất ra sản phẩm cao cấp. Trong khi đó, các DN trong nước yêu cầu chất lượng thấp hơn nên Sợi Thế Kỷ chưa đáp ứng được.

Hai DN trong nước có công nghệ, kỹ thuật dệt sợi cao cấp mà chúng tôi đang cung cấp nguyên liệu là Công ty cổ phần Dệt May Thành Công và Công ty Dệt may Thái Tuấn. Nhìn cuộn sợi nào cũng màu trắng, nhưng biết nó tốt hay xấu thì phải có chuyên môn. Chúng tôi giới thiệu để khách hàng sử dụng thử, nếu sợi của mình đạt yêu cầu thì họ đặt hàng ngay.

Trong nhà máy Sợi Thế Kỷ

* Vậy ông đã có nhiều kinh nghiệm về kinh doanh sợi?

- Có thể nói là có kinh nghiệm vì tôi gắn bó với ngành này từ năm 1991. Chắc do có duyên với ngành này nên lúc 22 tuổi, tôi xin được việc làm ở bộ phận kinh doanh sợi trong một công ty xuất nhập khẩu. Khi đã có kinh nghiệm tương đối nhiều và cũng có chút vốn, đến năm 2000 tôi mở Công ty TNHH SXTM Thế Kỷ không chỉ kinh doanh nhập khẩu mà còn đầu tư mở nhà máy sản xuất sợi.

Thấy việc kinh doanh sợi ngày càng phát triển, một mình thì không thể đủ vốn đầu tư nhà máy lớn, hiện đại, tôi quyết định mời một số cổ đông thành lập công ty cổ phần và Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ đã ra mắt năm 2005. Có thêm vốn, chúng tôi đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng làm ra sợi POY phẩm cấp cao để xuất khẩu và cung cấp cho nhu cầu dệt trong nước.

* Ông đánh giá thị trường như thế nào khi mở ra một nhà máy sản xuất sợi - lĩnh vực mà DN Việt Nam thường ngại đầu tư?

 Từ khi làm thương mại, tôi đã nắm rõ cung và cầu. Khoảng năm 1991, nhu cầu sợi trong nước mỗi tháng khoảng 6.000 tấn, chủ yếu là nhập khẩu. Đến năm 1996, có Công ty Hua Long nhưng chỉ cung cấp khoảng 2.000 tấn, còn hụt 4.000 tấn. Đó là một thị trường lớn đầy triển vọng. Khác với nhập khẩu, sản xuất tại chỗ sẽ giúp thời gian giao hàng linh động, nhanh chóng hơn.

Tuy nhiên, vấn đề là chọn đầu tư sản xuất sợi ở phẩm cấp nào và tôi đã chọn sản xuất sợi cao cấp cho những khách hàng đặc biệt. Định hướng như vậy để xác định đẳng cấp cạnh tranh ngay từ đầu và cố gắng để từng bước khẳng định vị thế của Công ty trong ngành sản xuất này. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2012 công suất sẽ tăng gấp ba lần hiện nay.

* Công ty chỉ cung cấp sợi chứ không chủ trương mở nhà máy dệt?

- Không loại trừ khả năng mở nhà máy dệt vì mình có ưu thế là nhà cung cấp sợi, nhưng nếu như vậy mình lại cạnh tranh với khách hàng của mình. Chúng tôi đang cân nhắc vấn đề này.

* Theo như ông nói nhu cầu sợi cao cấp của các công ty dệt trong nước còn ít. Đó là do trình độ kỹ thuật, công nghệ hay do phụ thuộc vào yêu cầu của khách hàng?

- Tôi không nói trình độ kỹ thuật, công nghệ của các công ty dệt trong nước thấp mà do họ chưa nhận được những đơn hàng cao cấp. Thực tế hiện nay, đa số công ty trong nước đều gia công là chính, đơn hàng không cao cấp do yêu cầu từ khách hàng của họ. Nhưng theo tôi, xu thế này sẽ thay đổi trong hai, ba năm nữa và tùy thuộc vào sự đột phá của các DN trong nước.

* Như vậy các nhà máy dệt trong nước phải tự nâng cấp để có thể nhận những đơn hàng cao cấp. Công ty Sợi Thế Kỷ có thể tác động gì đến họ?

- Đấy là điều mình luôn mong muốn: Kết hợp với khách hàng từ định hướng cho đến những hỗ trợ cụ thể để nhận những đơn hàng cao cấp với giá tốt hơn. Nhưng “thắt cổ chai” nằm ở chỗ đầu tư trong nước chưa tương xứng, đồng bộ với nhau; chúng ta hiện đầu tư mạnh về dệt nhưng yếu về nhuộm.

Có thể nói không phải là các công ty dệt yếu mà bởi không có nhà máy nhuộm nên hạn chế sự phát triển của ngành dệt. Chính vì không có quy hoạch, dệt dễ làm, nhiều người làm, nhuộm không ai làm. Chúng ta đang đi theo kiểu: dệt hơi lớn, nhuộm nhỏ, may thật lớn. Thế nên VN xuất khẩu hàng may nhiều nhưng hầu như gia công là vậy.

* Có phải ngành nhuộm lợi nhuận thấp nên DN không đầu tư?

- Đầu tư nhiều vốn nhất là ngành nhuộm và khó làm nhất, yêu cầu kỹ thuật cao nhất cũng là ngành nhuộm trong chuỗi cung ứng của lĩnh vực dệt may. Đã có hai, ba DN vốn đầu tư nước ngoài 100% vào VN, với đội ngũ kỹ thuật người nước ngoài, nhưng vẫn thất bại.

Một trong những nguyên nhân thất bại mà các công ty từng nghi ngờ đó là do nguồn nước ngầm ở VN thay đổi theo mùa; mùa mưa và mùa nắng thành phần lý, hóa trong nước khác nhau rất nhiều.

Vì vậy, đầu tư vào nhuộm là lĩnh vực sẽ thu lợi rất cao nhưng ai cũng ngại. Đương nhiên không phải ai cũng thất bại. Cũng có vài DN phát triển được nhưng họ còn giữ bí mật, số thất bại thì cho biết lý do như trên.

Một e ngại khác khiến DN không đầu tư vào công nghiệp nhuộm đó là chi phí môi trường quá cao. Song tôi nghĩ chi phí môi trường không phải là nguyên nhân chính, chi phí cao thì bán giá cao, nhưng có lẽ khó chính là nguồn nước và cách xử lý khác biệt giữa hai nguồn nước theo hai mùa để đảm bảo chất lượng nhuộm như nhau.

* Như ông cho biết sản xuất, kinh doanh từ tháng Hai đến nay đã có dấu hiệu tốt sau một năm đầy khó khăn. Ông có lạc quan về tình hình kinh tế trong năm nay?

- Rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay chúng tôi chỉ dám đặt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận của Công ty khoảng 19 tỷ đồng. Như thế không có nghĩa là bi quan. Năm 2009, thị trường sợi, dệt may vẫn còn khó khăn trong bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, đó lại là thời cơ phát triển cho những DN có khả năng nhanh chóng củng cố nội lực và thoát khỏi sự tác động trực tiếp của suy thoái tài chính, đồng thời trang bị sức cạnh tranh cốt lõi cho sản phẩm của mình qua việc nâng cấp toàn diện hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Trong lúc những đối thủ cạnh tranh khác còn đang xoay xở để tồn tại thì chúng tôi có điều kiện chiếm lĩnh những thị phần có hiệu quả và củng cố vị thế trên thương trường cho chiến lược phát triển dài hạn của Công ty. Tôi tin qua năm nay, “trời lại sáng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không lấy khó khăn để né trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO