Chuyện về "người mẹ" da màu gốc Việt của 9 đứa con

24/08/2017 06:53

Là người da màu gốc Việt, Suzanne Thị Hiền Hook đã về Việt Nam thành lập tổ chức từ thiện - cô nhi viện tư nhân Allambie (Nơi bình yên) và nhận nuôi cùng lúc 9 đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Chuyện về

Làm việc say sưa với chiếc laptop, bên cạnh là 2 ly cà phê Espresso đậm đặc, ai cũng nghĩ người phụ nữ da đen, dáng người rắn rỏi trong bộ đồ công sở là một doanh nhân. Quan sát cô đứng dậy, đi lại uyển chuyển trên đôi giày cao gót như một quý cô khó lòng hình dung người phụ nữ đã bán toàn bộ tài sản ở Anh, gồm nhà cửa, xe sang và hơn 200 đôi giày cao gót yêu thích, quay về quê hương Việt Nam mở một cô nhi viện.

Bằng chất giọng Anh đặc sệt, cô chậm rãi kể câu chuyện của mình: “Tôi là Suzanne Thị Hiền Hook, tôi cũng là một trẻ mồ côi...”.

Năm 1969, một bé gái sơ sinh tím tái, yếu ớt, đoán là con lai giữa một người phụ nữ Việt Nam và một binh sĩ da màu, được tìm thấy trong bụi cây ở miền Nam Việt Nam. Bé được các bảo mẫu đưa về chăm sóc tại Allambie - một nhà tình thương do giáo viên người Úc Rosemary Taylor thành lập tại Việt Nam để cưu mang những bé không may mắn trong chiến tranh.

Trong trại mồ côi thiếu thốn, rất đông đứa trẻ suy dinh dưỡng, những đứa trẻ lai như Hiền thường là người cuối cùng được nhận đồ ăn. Năm 3 tuổi, Hiền là một trong những “em bé không vận” (babylift) rời Việt Nam khi được một gia đình ở Anh nhận nuôi.

Tuổi thơ của Hiền rất buồn. Cha mẹ nuôi có 2 người con ruột, sau Hiền, họ nhận nuôi thêm một bé trai cũng là người Việt. Từng bị đánh đập, nơi lui tới thường xuyên của Hiền là nhà thờ. Cô rời nhà cha mẹ nuôi năm 18 tuổi và trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp làm việc trên các tàu du lịch trong hơn 13 năm trước khi học kinh doanh và ngành làm đẹp.

Sau đó, cô mở công ty riêng rất thành công tên Couture Nail Service tại Buckinghamshire, Anh.

“Những đứa trẻ mồ côi là thế, tuổi thơ không có niềm vui, chưa từng có ai nói rằng họ yêu chúng và không có nơi chờ đón trở về. Dù ký ức không êm đềm, nhưng tôi rất cảm ơn gia đình cha mẹ nuôi vì đã trao cho tôi một cơ hội thứ 2 trong cuộc đời”, cô điềm đạm nói.

Trước năm 40 tuổi, người phụ nữ này không muốn ai biết mình là người Việt Nam. Năm 2006, lần đầu tiên về Việt Nam, cô nhanh chóng bị hớp hồn bởi cuộc sống nơi đây. Trở lại một lần nữa vào năm 2007, điều níu chân Hiền là các cô nhi viện nơi cô ghé thăm. Không thể quên được sự hân hoan của những đứa trẻ mồ côi khi cô đưa chúng ra công viên chơi và mua kem cho ăn. Cô xót xa khi nhận thấy chỉ có một màn đen trong đôi mắt của những đứa trẻ bất hạnh.

“Có những trại mồ côi chỉ muốn kiếm tiền từ những đứa trẻ. Sống trong những nơi ọp ẹp, phải coi em nhỏ, lên xuống cầu thang để nhận tiền của những vị khách nước ngoài như một món đồ, không được học hành thì làm sao chúng biết thế nào là ước mơ?”, cô kể. Một trong những đứa trẻ Hiền gặp là Sa, một trẻ mồ côi bị bạo hành, từng có ý định tự tử.

>>Cô bé mồ côi thành bà chủ đế chế hàng hiệu

Trở về Anh, Hiền không thể quay lại cuộc sống trước kia. Cô không còn muốn đi ăn nhà hàng, muốn đổi một chiếc xe nhỏ hơn. “Khi ngoài kia có những đứa trẻ đói ăn, mà câu chuyện tôi phải nghe hằng ngày từ những khách hàng của mình là bà ấy tốn 18 USD để mua dầu gội cho chó cưng...”, cô cảm thấy day dứt về điều này.

Hiền nhớ Việt Nam, muốn làm gì đó cho lũ trẻ nhưng cô không biết làm sao. Chồng cô là một người Anh và ông sẽ không bao giờ đồng ý rời Anh cùng cô về Việt Nam. “Càng ngày tôi càng bị dằn xé, đến lúc tôi biết mình phải chọn lựa, một bên là gia đình, một bên là Việt Nam”.

Ly hôn, 2 vợ chồng cô bán toàn bộ gia sản. “Năm 2010, với vali quần áo và một chiếc laptop, tôi về Việt Nam, thuê một phòng khách sạn và... khóc vì không biết sẽ làm gì tiếp theo”.

Một người phụ nữ nước ngoài 40 tuổi, không biết tiếng Việt, không biết về luật pháp sở tại, điều duy nhất cô biết rõ mình phải mở một trại mồ côi. Từng bước cùng những người bạn, trong đó có 2 nữ y tá từng chăm sóc cô ở trại trẻ năm xưa tìm địa điểm thuê nhà, làm các thủ tục cần thiết để mở cô nhi viện và đặt theo tên nơi cô được nuôi lúc nhỏ là Allambie (Nơi bình yên). “Tôi muốn giữ lại tên này vì muốn làm những điều mà những nữ y tá ngày xưa đã làm cho tôi”, cô cho biết.

Allambie là tổ chức từ thiện đăng ký tại Anh và chồng cũ của Hiền cũng là một trong những thành viên trong Ban quản lý. Ngay khi Mái ấm Allambie được thành lập ở Việt Nam, Hiền đi đón Sa về sống cùng mình, đến giờ đã 7 năm.

“Allambie là cô nhi viện tư nhân. Chúng tôi chỉ có thể nhận nuôi một lúc 9 đứa trẻ. Đứa lớn chỉ được rời nhà khi tốt nghiệp xong cao đẳng hoặc đại học, có một công việc. Lúc đó, Allambie lại nhận một đứa trẻ khác”, cô kể.

Những đứa trẻ được Hiền nhặt ngoài đường, xin từ các cô nhi viện, hoặc được cha mẹ chúng nhờ nuôi vì không đủ khả năng. Nhỏ nhất 10 tuổi, lớn nhất 23 tuổi, những đứa trẻ bị bạo hành, thậm chí từng bị xâm hại tình dục, từ từ thân quen và gọi người phụ nữ da đen nước ngoài là mẹ Hiền.

“Tôi nói tiếng Anh, chúng nói tiếng Việt. Chúng tôi giao tiếp bằng hình vẽ, hoặc nhờ người thứ 3 phiên dịch qua lại bằng điện thoại”, Hiền bật cười kể. Những đứa trẻ Allambie được Hội đồng Anh dành những suất học miễn phí trong 4 năm qua, giờ đã rất giỏi tiếng Anh và đều nói bằng chất giọng, ngữ điệu như mẹ Hiền.

>>Coco Chanel: Từ trẻ mồ côi tới huyền thoại thời trang

Sa giờ là một thiếu nữ xinh đẹp, tự tin, vừa được resort Grand Ho Tram Strip Vũng Tàu nhận vào làm như ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch khi còn nhỏ. “Các con giờ đều có ước mơ. Đứa thì muốn làm phiên dịch viên tiếng Hàn, đứa làm nghệ sĩ trang điểm, đứa là nghệ sĩ hình xăm”, Hiền kể đầy trìu mến.

Với cô, quan trọng nhất cô đã cho những đứa trẻ một gia đình, nơi chấp nhận những điều khác biệt. “Đúng vậy, những khác biệt! Có những đứa con là đồng tính nam. Nhưng có sao, vì gia đình yêu chúng thật lòng”, giọng cô lạc đi vì xúc động.

“Tôi có bao giờ cô đơn không? Nhiều chứ”, Hiền trả lời. Có những lúc tôi kiệt sức vì một mình làm công việc của cả 4, 5 người. Là đầu bếp chuyên nghiệp nhưng chỉ biết nấu món Tây, cô kể lại những lúc lúng túng xem YouTube nấu món Việt, ghi chép nguyên liệu, rồi không biết mua chúng đâu ở giữa chợ. Rồi những ngày loay hoay chỉ ngủ 3-4 tiếng. Thời gian duy nhất cô có cho mình là khi đi gội đầu hằng tuần. Thời gian rảnh cô dạy thêm tiếng Anh.

Chỉ vào đôi giày cao gót, cô cười lớn và nói: “Tôi rất, rất yêu giày cao gót và chỉ có một đôi giày bệt duy nhất. Tôi yêu cà phê đen, thức ăn nhanh và không tập thể dục”. Mà giờ cô đang phải tập luyện hằng ngày để chuẩn bị cho chuyến chinh phục Fansipan để gây quỹ cho Allambie vào tháng 10. Mục tiêu của cô là kêu gọi 20.000 bảng Anh để duy trì Allambie trong những năm tiếp theo. “Nếu không, Allambie chỉ có thể cầm cự được 1-2 năm nữa. Tôi đang rất cố gắng, vì những đứa trẻ cần mái nhà này”.

Tham gia cùng Hiền trong chuyến đi có những người bạn nước ngoài, ảo thuật gia nổi tiếng Peter, một cụ bà 63 tuổi...

Cuộc trò chuyện phải dừng vì đến giờ cô về chuẩn bị cơm tối cho lũ trẻ. Bữa tối ở Allambie, tất cả không được xem TV, không dùng điện thoại mà chỉ trò chuyện cùng nhau vì đó là thời gian của gia đình. Đến nay, Hiền vẫn không có thời gian để học tiếng Việt. “Nhưng giờ tôi đã tự hào nói rằng, tôi là người Việt Nam”.

Cô tiếp lời: “Nỗi sợ là thứ ngăn cản con người ta khi muốn làm một việc gì đó. Nhưng nếu không thử, chắc chắn sẽ hối tiếc. Còn ngược lại, chúng ta sẽ học được những bài học của riêng mình”. Nỗi đau quá khứ của một đứa trẻ mồ côi tại Allambie, thành đạt tại nước ngoài, rồi quay trở lại với Allambie của riêng mình để cưu mang những đứa trẻ bất hạnh dường như là một cái kết đẹp với "mẹ Hiền". “Tôi thực sự hạnh phúc”, cô nói khi nhìn về những đứa trẻ của mình.

>>CSR: Đầu tư hay từ thiện?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyện về "người mẹ" da màu gốc Việt của 9 đứa con
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO