11 nữ doanh nhân triển vọng của châu Á 2015

LÂM NGHI| 26/02/2015 05:40

Đây là những nữ lãnh đạo trẻ có hoài bão lớn. Một vài người đã tạo được danh tiếng trong lĩnh vực kinh doanh, một số khác vẫn đang từng bước chứng minh bản thân và họ học hỏi rất nhanh.

11 nữ doanh nhân triển vọng của châu Á 2015

Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách các nữ doanh nhân triển vọng của châu Á năm 2015. Đa phần các gương mặt xuất hiện trong danh sách đều đang tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình.

Đây là những nữ lãnh đạo trẻ có hoài bão lớn. Một vài người đã tạo được danh tiếng trong lĩnh vực kinh doanh, một số khác vẫn đang từng bước chứng minh bản thân, và họ học hỏi rất nhanh.

11 người dưới đây đều là những cái tên được doanh giới kỳ vọng trong năm mới.

1. Isha Ambani - Giám đốc Reliance Retail Ventures (Ấn Độ)

Isha Ambani là một trong ba người con của gia đình tỷ phú giàu nhất Ấn Độ, Chủ tịch tập đoàn Reliance Industries với lợi nhuận 75 tỷ USD - Mukesh Ambani.

Nữ doanh nhân Ambani gia nhập vào hội đồng quản trị của hãng viễn thông và bán lẻ thuộc tập đoàn vào tháng 10/2014. Cô từng làm việc tại công ty nghiên cứu thị trường McKinsey ở New York sau khi tốt nghiệp đại học Yale vào năm 2013 với hai bằng cử nhân về Tâm lý học và Nam Á học.

2. Jocelyn Kum - Giám đốc điều hành M&L Group (Singapore)

Jocelyn Kum là con gái lớn nhất của ông trùm khách sạn Michael Kum - tỷ phú đứng thứ 33 trong danh sách những người giàu nhất Singapore với tổng tài sản trị giá 800 triệu USD. Tập đoàn M&L đã mở rộng mạng lưới kinh doanh ra các quốc gia Nhật Bản, London, New Zealand, Singapore và Úc.

Điểm nổi bật của Jocelyn Kum là tấm bằng Cử nhân kinh doanh, chuyên ngành kế toán tại đại học Monash (Úc).

3. Xin Li - Phó chủ tịch khu vực Châu Á của Christie (Hong Kong)

Lớn lên tại phía đông bắc của Trung Quốc, tốt nghiệp đại học thể thao Bắc Kinh, Xin Li trước khi tham gia vào lĩnh vực kinh doanh đã từng là người mẫu và vận động viên bóng rổ.

Hiện nay, Xin Li phụ trách kinh doanh khu vực châu á của Christie - công ty sưu tầm và bán đấu giá tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng thế giới. Năm 2014, tổng số tiền đấu giá công ty thu về là 5 tỷ USD, trong đó có 27% đến từ các khách hàng ở Châu Á.

4. Caroline Link - Chủ tịch công ty bất động sản B.Grimm (Thái Lan)

Caroline Link là người con lớn nhất của Harald Link - người đứng đầu tập đoàn B. Grimm. Tập đoàn này hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, hệ thống làm lạnh, chăm sóc sức khỏe và bất động sản với doanh thu năm 2014 đạt gần 1 tỷ USD.

Từng kinh qua nhiều vị trí tại tập đoàn, Caroline Link được đào tạo để kế thừa tầm nhìn của cha cô trong kinh doanh. Caroline Link tốt nghiệp trường kinh doanh Châu Âu tại Madrid (Tây Ban Nha).

5. Liu Hanyu - Sáng lập và CEO phòng triển lãm trực tuyến Yidianer.com (Trung Quốc)

Yidianer.com là phòng triển lãm trực tuyến đầu tiên tại Trung Quốc cho phép thanh toán trực tuyến. Liu đưa Yidianer.com đi vào hoạt động năm 2012, đến nay đã có 5.000 nghệ sĩ đăng ký. Doanh số bán hàng năm 2014 đạt 8 triệu USD. Liu Hanyu đã huy động được 11,6 triệu USD từ các nhà đầu tư mạo hiểm trong năm qua.

Bắt đầu học vẽ tranh sơn dầu từ năm 6 tuổi, Liu Hanyu có bằng cử nhân trong ngành thiết kế giao diện tại đại học Tsinghua ở Bắc Kinh (Trung Quốc).

6. Jean Liu - Chủ tịch công ty cung cấp ứng dụng đặt taxi Didi Dache (Trung Quốc)

Con gái của nhà sáng lập Lenovo gia nhập Didi vào tháng 7/2014 ở vị trí Giám đốc tác nghiệp (COO) và được thăng chức Chủ tịch vào tháng 2/2015.

Didi là ứng dụng bắt taxi tại Trung Quốc được hỗ trợ bởi Tencent, về sau sáp nhập với đối thủ của mình là Kuaidi - ứng dụng được hậu thuẫn bởi Alibaba để tạo ra ứng dụng bắt taxi lớn nhất thế giới dựa trên số người sử dụng. Hai công ty này gần đây đã quyết định tách ra hoạt động riêng lẻ, theo Forbes.

Trước khi về với Didi, Liu từng làm việc tại ngân hàng Goldman Sachs và đạt được bằng cử nhân tại đại học Peking và bằng thạc sĩ của đại học Harvard. Cả hai tấm bằng đều thuộc chuyên ngành khoa học máy tính.

7. Radhika Piramal - Giám đốc điều hành VIP Industries (Ấn Độ)

Radhika Piramal đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành công ty sản xuất túi xách du lịch VIP Industries từ năm 2010. Radhika Piramal đã có công biến VIP từ một công ty kinh doanh trì trệ trở thành thương hiệu bán chạy nhất tại Ấn Độ, vượt qua cả Samsonite và đạt doanh số thường niên vào khoảng 150 triệu USD.

Chiến lược Radhika Piramal áp dụng là thu hút các ngôi sao Bollywood để quảng bá cho sản phẩm của VIP.

Radhika Piramal là con gái của nhà sáng lập và là chủ tịch công ty máy tính Dilip Piramal. Radhika Piramal từng làm việc tại công ty tư vấn quản trị Bain. Trước đó, cô tốt nghiệp đại học Oxford và hoàn thành chương trình MBA của đại học Harvard.

8. Samina Vaziralli - Giám đốc chiến lược của Cipla New Ventures (Ấn Độ)

Samina Vaziralli hiện đang điều hành công ty dược lớn nhứ 3 của Ấn Độ với lợi nhuận thường niên đạt 1,7 tỷ USD. Cô vừa điều hành các dự án chiến lược cho quỹ đầu tư Cipla New Ventures vừa điều hành công việc kinh doanh thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Trước đó, Samina Vaziralli từng làm việc tại Goldman Sachs chi nhánh ở London và New York. Cô tốt nghiệp đại học Mumbai và trường kinh tế của London.

9. Petrea Vela - đồng Giám đốc điều hành của New Zealand Bloodstock (New Zealand)

Petrea Vela là con cháu của gia tộc đã xây dựng nên ngành đánh cá, đua xe và ngân hàng máu trị giá 155 triệu USD của New Zealand, theo National Business Review. Petrea Vela tham gia vào New Zealand Bloodstock từ năm 2003 và đã biến công ty trở thành ngân hàng máu hàng đầu của New Zealand.

Petrea Vela sở hữu bằng cử nhân luật tại trường kinh tế London. Cô đã thực tập tại London trước khi về đảm trách công việc kinh doanh của gia đình.

10. Mercy Wu - Chủ tịch Eslite Group/Eslite Spectrum (Đài Loan)

Mercy Wu (phải)

Được thành lập vào năm 1989, tập đoàn Eslite kinh doanh đa lĩnh vực từ nhà sách, phòng triển lãm tranh, nhà hàng, cửa hiệu bán lẻ đến các quầy trưng bày trong khách sạn. Phạm vi hoạt động của tập đoàn Eslite trải rộng từ Đài Loàn, Trung Quốc đến Hong Kong. Doanh thu thường niên đạt khoảng 420 triệu USD.

Mercy Wu từng học tại Anh và sau đó trở về đảm trách công việc kinh doanh của gia đình theo ý nguyện của cha là Chủ tịch tập đoàn Eslite.

11. Ruth Yeoh - Giám đốc điều hành YTL Singapore/YTL-SV Carbon (Singapore)

Ruth Yeoh là con cả của tỷ phú Malaysia Francis Yeoh hiện đang xây dựng sự nghiệp tại công ty gia đình YTL.

Công ty có doanh số bán hàng thường niên đạt 6,3 tỷ USD. Ruth Yeoh đã từng tham gia các chương trình nghị sự về bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu.

Ruth Yeoh đạt bằng cử nhân ngành kiến trúc tại đại học Nottingham (U.K) và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại trường Cass Business ở London. Ruth Yeoh cũng từng xuất bản sách với tác phẩm “Cut Carbon, Grow Profits" (tạm dịch: "Cắt giảm carbon, gia tăng lợi nhuận").

>>Con đường làm giàu của những tỷ phú Châu Á
>>Triết lý sống của các tỷ phú châu Á

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
11 nữ doanh nhân triển vọng của châu Á 2015
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO