CEO Goldman Sachs và Morgan Stanley không chỉ có nhiều điểm khác biệt về vẻ bề ngoài mà hơn thế, tầm nhìn và phong cách lãnh đạo của họ cũng trái ngược hoàn toàn.
Một người lớn lên trong căn nhà trọ nghèo tại Brooklyn (Mỹ), là con trai của một nhân viên bưu điện và từng phải chia sẻ phòng ngủ của mình cùng với bà. Cách nửa vòng trái đất, người còn lại được sinh ra tại Australia - con trai của một kỹ sư và là con thứ 6 trong gia đình có 10 người con. Ông được sống trong một căn hộ sung túc, tiện nghi tại Melbourne.
Một người vốn là luật sư rồi sau đó trở thành nhân viên kinh doanh sành sỏi. Một người từng nhiều năm gắn bó tại McKinsey & Co. trước khi dấn thân vào lĩnh vực ngân hàng. Một người thấp, có râu và luôn đùa cợt trong mọi tình huống. Một người cao, mặt nhẵn nhụi và luôn thực tế.
Họ là Lloyd Blankfein và James Gorman, các CEO quyền lực đang điều hành 2 ngân hàng đầu tư lớn bậc nhất ở phố Wall là Goldman Sachs và Morgan Stanley. Rõ ràng, hai người đàn ông này có nhiều điểm khác biệt từ vẻ ngoài, tính cách cho đến nơi sinh. Nhưng hơn thế nữa, họ cũng đang điều hành công ty của mình theo những đường hướng hoàn toàn đối lập.
Gorman, 56 tuổi là CEO của Morgan Stanley đã đặt cược vào mảng kinh doanh môi giới bán lẻ. Trong khi đó, Bankfein, 60 tuổi là CEO của Golman Sachs vẫn miệt mài với mảng kinh doanh thương mại.
Nhìn lại lịch sử có thể thấy các ngân hàng này là hiện thân của 2 tầm nhìn khác biệt của 2 vị lãnh đạo hiện tại.
Gorman đã nắm giữ cương vị CEO được gần 6 năm và ông đã thúc đẩy chiến lược “một mất một còn” với mảng quản lý tài sản. Điều này thậm chí xảy ra từ trước khi ông lên nắm giữ vị trí cao nhất trong ngân hàng và nắm bắt được cơ hội mua lại Smith Barney từ Citigroup trong thời kỳ khủng hoảng tài chính.
Blankfein thì đang ở trong năm thứ 10 nắm cương vị CEO và ông có cơ hội để thay đổi đường hướng của Goldman Sachs theo những mảng kinh doanh mà ông muốn.
Dù hoạt động kinh doanh trong ngành công nghiệp ngân hàng đã suy yếu đi nhiều trong những năm gần đây nhưng có một thực tế là Goldman Sachs đang hoạt động kém hơn so với Morgan Stanley, nhất là biểu hiện trên những chỉ số tài chính. Tỷ lệ ROE của Goldman Sachs đạt mức 11,2% vào năm ngoái, cao gấp 2 lần so với năm nay và tạo ra nhiều doanh thu hơn với ít hơn 40% nhân viên. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến một khác biệt nữa giữa 2 người đàn ông này: Blankfein nhận được số tiền thưởng 126,6 triệu USD trong vòng 5 năm qua, trong khi đó, Gorman chỉ nhận được 74,8 triệu USD.
Tuy nhiên, dường như các nhà đầu tư vẫn luôn dõi theo câu chuyện đảo ngược tình thế của Morgan Stanley, đẩy cổ phiếu của họ lên mức cao hơn so với Goldman Sachs liên tiếp trong những năm gần đây lần đầu tiên kể từ khi Goldman Sachs chính thức niêm yết vào năm 1999. “Mọi người thấy rằng Morgan Stanley thật sự thu hút bởi tại đây đang diễn ra một sự thay đổi”, Steven Chuback – một chuyên gia phân tích tại Nomura Holdings, New York nói. “Lý thuyết của Goldman Sachs chính là nếu ai đó thích ứng được với những thử thách hiện tại, đó chính là người của ngân hàng này bởi họ có kinh nghiệm trải qua những tình huống đó”.
Mảng kinh doanh môi giới bán lẻ của Morgan Stanley vươn ra từ một văn phòng ở Bangor, Maine đến Anchorage, Alaska và phục vụ 4 triệu khách hàng. Với 16.000 tư vấn viên, họ đã mang về 9,6 tỷ lợi nhuận trước thuế trong 5 năm qua mà chưa phải trải qua bất kỳ quý thua lỗ nào, đạt 20% lợi nhuận và có mức vốn điều lệ là 5 tỷ USD. Điều này hoàn toàn phù hợp với những quy định ngân hàng mới.
Đối với Goldman Sachs, cỗ máy kiếm tiền của công ty này là các khoản đầu tư. Nó bao gồm các khoản vay, cổ phần trong những quỹ đầu tư tư nhân và đội ngũ thi hành những khoản đầu tư bí mật của họ được gọi là “nhóm tình huống đặc biệt”. Với hình thức như vậy, ngân hàng này cần một lực lượng nhân viên rất ít, chiếm ít hơn 10% so với các đối tác của công ty nhưng các khoản đầu tư này (bao gồm mọi thứ từ những khoản nợ xấu của các ngân hàng châu Âu đến cổ phần tại công ty Israei chuyên sản xuất xe ô tô tự lái) lại mang về khoản lợi nhuận trước thuế lên tới 15,2 tỷ USD trong suốt 5 năm qua với biên lợi nhuận ở mức trên 50%.
Trong trường hợp này, vốn điều lệ của ngân hàng này được yêu cầu ở mức 15 tỷ USD dựa trên những tiết lộ về số tài sản đã điều chỉnh rủi ro và công bố mức thua lỗ 2,6 tỷ USD trong 1 quý. Những quy chuẩn mới buộc ngân hàng này phải cắt giảm cổ phần trong các quỹ đầu tư của mình và cân nhắc tới việc liệu có nên thay thế bằng những khoản đầu tư trực tiếp hay không.
Có thể nói, trên mọi lĩnh vực kinh doanh, cả 2 ngân hàng này đều chứng kiến những cuộc chiến khốc liệt. Ví dụ điển hình là thương vụ IPO của Facebook vào năm 2012. Lúc đó, Morgan Stanley phải gánh chịu không ít điều tiếng khi sự kiện này bị lùi ngày và giá cổ phiếu của Facebook giảm 31% trong 3 tuần đầu tiên. Một vài nhân viên Goldman Sachs thậm chí ám chỉ rằng Morgan Stanley sẽ còn mất nhiều khách hàng.
Thêm nữa, ngay cả những mảng kinh doanh đang cạnh tranh, 2 ngân hàng này cũng lựa chọn những con đường đi khác nhau. Trong khi Goldman Sachs vẫn cam kết dấn thân vào thị trường hàng hóa mặc cho những quy định ngặt nghèo thì Morgan Stanley lại đang nỗ lực tháo chạy khỏi mảng kinh doanh dầu và gas.
Cuộc chiến kéo dài gần 80 năm sắp kết thúc?
Có thể dễ dàng nhận thấy, diễn biến cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa 2 ngân hàng quyền lực nhất phố Wall đã kéo dài suốt gần 8 thập kỷ. Tuy nhiên, thật đáng mừng là đến nay đã xuất hiện những dấu hiệu “hợp tác”.
Năm ngoái, Blackfein xuất hiện trên sân khấu trong buổi diễn thuyết đặc biệt với khán giả là những nhân viên môi giới của ngân hàng Morgan Stanley. Được biết, cả 2 ngân hàng đang hợp tác cùng nhau trong lĩnh vực quản lý tài sản và bản thân Timothy O’Neill – đồng lãnh đạo mảng kinh doanh này của Goldman Sachs đã khẳng định: “Đã đủ lâu để Morgan Stanley và Goldman Sachs đóng vai là những đối thủ cạnh tranh không đội trời chung của nhau. Đã đến lúc để chấm dứt suy nghĩ này bởi chúng tôi đang cùng nhau hợp tác trong lĩnh vực quản lý tài sản”.