CEO Anbooks Ngô Phương Thảo: Thử mạnh dạn một lần để được là chính mình

THANH NHÃ| 19/10/2018 07:00

Tôi nhớ một buổi tối đi dạo với người bạn ở Huế, trên cổng của một ngôi nhà lớn có dây leo mỏng mảnh quấn quanh thanh sắt hàng rào, xung quanh chẳng thấy ô đất nào. Đôi khi trong khô cằn lại sản sinh ra mầm sống. Con người khi khó khăn sẽ trở nên nghị lực, CEO Anbooks Ngô Phương Thảo chia sẻ.

CEO Anbooks Ngô Phương Thảo: Thử mạnh dạn một lần để được là chính mình

CEO Anbooks Ngô Phương Thảo. Ảnh: Hoàng Tường

Nữ doanh nhân Ngô Phương Thảo quyết định dấn thân vào ngành kinh doanh sách từ năm 2015. Vị CEO của Anbooks chọn cách làm sách khá "dụng công" khi tiêu chí lựa chọn tác giả phải là người truyền cảm hứng, khơi gợi triết lý yêu thương, khiêm nhường hơn là những cây bút nổi tiếng. Bởi vậy, trong ba năm làm sách, số đầu sách mà công ty của bà xuất bản chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

* Ngày kỷ niệm ba năm thành lập Anbooks, bạn bè ngạc nhiên khi thấy một Ngô Phương Thảo đã không còn mái tóc ngang vai quen thuộc. Vì sao bà đi đến hành động táo bạo ấy?

- Quyết định cạo đầu không phải là quyết định mới. Từ hồi học lớp 5, tôi đã thấy mái tóc chẳng liên quan tới gương mặt của mình. Được ba dẫn đi chùa từ nhỏ, nhìn các ni sư, tôi thường hình dung ra nếu đầu mình không có tóc thì sẽ thế nào. Lúc đó nghĩ vậy thôi chớ chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ không còn để tóc. Nhưng ý nghĩ về mái tóc không hợp với gương mặt mình thì càng ngày càng rõ. Thoạt tiên, tôi nghĩ do mình chưa tìm được kiểu tóc phù hợp nhưng càng về sau, dù có thay đổi hàng chục kiểu tóc, hàng trăm lần nhuộm uốn các kiểu, tôi vẫn không thấy kiểu nào thật sự làm cho mình hài lòng.

Ý nghĩ thử cạo trọc bắt đầu xuất hiện. Năm 34 tuổi, tôi đề cập đến chuyện này với những người thân. Các con tôi phản đối gay gắt nhất. Đối với các con, việc mẹ cắt tóc ngắn đã là thiệt thòi rồi! Rồi công việc cần giao tiếp nhiều, đặc biệt là khối trường đại học và sinh viên, học sinh, thầy cô giáo, nên tôi biết sẽ khó giải thích nếu mình xuất hiện với mái đầu không tóc. Nay Anbooks đã tròn ba năm, tôi muốn thực hiện lời hứa với bản thân ở những ngày đầu khởi nghiệp, đó là phải cho mình một cơ hội được làm điều mình mong muốn. 

Link bài viết

Ba năm dấn thân thực hiện một giấc mơ, phần thưởng nhận được ngay vào tháng kỷ niệm ba năm của Anbooks là Giải sách hay 2018 - Hạng mục sách giáo dục - thể loại sách viết cho bộ sách Dạy con trong "hoang mang" của tác giả Lê Nguyên Phương, đã khiến tôi tự nhủ mình xứng đáng được nhận "một món quà” cho chính mình. Hai ngày sau khi có thông báo về giải thưởng, tôi đi cạo tóc.

* Vì sao bà nhận lời trở thành đơn vị hỗ trợ cho Hội thảo Tâm lý học đường quốc tế lần thứ 6 cùng TS. Lê Nguyên Phương - Chủ tịch Phát triển tâm lý học đường quốc tế, khi đã biết trước là sẽ gặp nhiều khó khăn?

- Tôi có một lời hứa với TS. Lê Nguyên Phương từ năm 2016, ngay trước khi có tác phẩm Dạy con trong "hoang mang", là sẽ hỗ trợ anh trong những hoạt động cộng đồng về tâm lý học đường tại Việt Nam. Tôi ước có thể góp một phần nhỏ công sức vào lĩnh vực này, vì muốn các bậc cha mẹ không phải trải qua giai đoạn hoang mang như tôi xưa kia, khi đứng trước bao thông tin mịt mờ về tâm lý trẻ em, trong lúc tìm giải pháp để giúp đứa con trai út bị nghi là tự kỷ.

Phải biết rằng đối với một người mẹ đã 16 năm đèn sách, từng làm báo, từng làm biên tập viên như tôi mà còn hoang mang, thậm chí  bấn loạn khi thấy con mình có nguy cơ mắc bệnh, thì đối với những bậc cha mẹ chưa có nhiều thời gian và cơ hội để tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, điều đó sẽ trở nên khó khăn như thế nào. Nghĩ tới họ, những phụ huynh ấy, tôi nhận lời tài trợ Hội thảo Tâm lý học đường quốc tế lần thứ 6, dù biết là rất khó. Với Việt Nam hiện nay, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp phần lớn được hiểu là làm từ thiện, tặng "cá” chứ chưa quen tặng "cần câu", và cả cách làm để tặng "cần câu" còn không ít rào cản.

Phải có cái nhìn đa chiều về triết lý giáo dục, từ Việt Nam ra thế giới, từ gia đình ra nhà trường, từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, để hiểu vì sao chúng ta lại loay hoay mãi với "bài toán giáo dục".

Tôi cũng biết việc kêu gọi tài trợ cho một hội thảo khoa học là không dễ dàng, hay cả việc tổ chức vận hành hội thảo với tiêu chí "lan tỏa khoa học để phát triển cộng đồng", dùng công nghệ để lan tỏa thông tin khoa học ra cộng đồng, đến tận người thụ hưởng cuối cùng là giáo viên và phụ huynh, cũng không mấy dễ dàng. Nhưng chúng tôi có một tinh thần sẵn sàng và đó cũng là tài sản của công ty chúng tôi. Với quyết tâm đó, chúng tôi tập trung nguồn lực trong hai tháng liên tiếp chỉ để hoàn thành lời hứa hai năm trước với TS. Lê Nguyên Phương.

* Những buổi hội thảo về triết lý giáo dục ở thời điểm này theo bà thì hữu ích đến đâu?

- Nhiều người nghe đến hai chữ "triết lý” đã cảm thấy thật xa vời. Nhưng khi gặp một sự rối rắm hay bị bấn loạn, sẽ thấy giá trị hai chữ này. Con người ta tồn tại vì điều gì? Chẳng lẽ sinh ra rồi chỉ học hành, kiếm tiền, chữa bệnh, rồi chết? Có thứ gì nằm giữa các "công đoạn" này? Tại sao phải học, học để làm gì? Học như thế nào? Giá trị của chúng ta là gì? Học và dạy thế nào để có thể hiện thực hóa giá trị đó?

Đó là lý do phải có triết lý giáo dục cho một quốc gia, triết lý giáo dục cho một gia đình, triết lý sống cho một cá nhân. Ngày nào ta chưa gọi tên được triết lý cho mình, ngày đó ta vẫn còn quẩn quanh ăn, học và làm việc như một cỗ máy và chết như một robot đã hết hạn sử dụng. Tôi không muốn con cái mình có cuộc đời như vậy. Vấn đề này không phải chỉ mới được đề cập tại Việt Nam.

Tôi chỉ mang câu hỏi này ra hỏi lại, trong thời điểm mà giáo dục Việt Nam đang trở thành tâm điểm quan tâm của người dân. Phải có cái nhìn đa chiều về triết lý giáo dục, từ Việt Nam ra thế giới, từ gia đình ra nhà trường, từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, để hiểu vì sao chúng ta lại loay hoay mãi với "bài toán giáo dục". 

Nếu có điều gì đó được gọi là quan trọng nhất trong giáo dục, thì đó chính là triết lý dạy và học. Không có triết lý riêng và mang tính định danh, con tàu nhân cách sẽ lênh đênh không biết tới điểm nào. Mà nếu triết lý đó không tương thích với sự phát triển của nhân loại trong thời đại mới, thì con tàu đó lại càng trở nên bất định.

Nữ CEO tại một sự kiện ra mắt sách

Nữ CEO tại một sự kiện ra mắt sách

* Với kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực truyền thông, marketing, bà có nhiều cơ hội làm thuê cho các tập đoàn để có mức lương tốt. Vì sao bà lại khởi nghiệp với ngành sách?

- Tôi nhớ một buổi tối đi dạo với người bạn ở Huế, trên cổng của một ngôi nhà lớn có dây leo mỏng mảnh quấn quanh thanh sắt hàng rào, xung quanh chẳng thấy ô đất nào. Đôi khi trong khô cằn lại sản sinh ra mầm sống. Con người khi khó khăn sẽ trở nên nghị lực. Tôi khởi nghiệp khi có ba đứa con nhỏ, đứa lớn nhất chỉ mới mười tuổi, nên không thể gọi là dễ dàng, hơn nữa còn trong ngành kinh doanh sách, một ngành đang rất khó tại Việt Nam và lại chọn làm sách của tác giả Việt Nam, đặc biệt là dành cho những người lần đầu tiên viết sách, lại càng khó nữa.

Có nhiều lý do khiến tôi chọn nghề sách. Nhưng lý do lớn nhất là tôi muốn học. Tôi muốn tự mình học hỏi mỗi ngày, vun bồi kiến thức từ sách. Tôi muốn thực hiện đúng điều mình mong ước. Nếu không dũng cảm làm điều này một lần trong đời, có lẽ mãi mãi tôi sẽ bị mắc kẹt trong ảo tưởng rằng mình là "một ai đó khác". Điều đó đáng sợ hơn rất nhiều so với việc thu nhập ít đi.

* Nhưng điều gì quan trọng nhất níu giữ bà trên con đường ấy?

- Khi Anbooks được 3 năm, tôi tự rà lại xem trong ngần ấy thời gian đã làm được gì cho chính mình, cho những người thân của mình, những người có liên quan tới mình. Liệu tôi có khá hơn ba năm trước, liệu ba mẹ tôi có cảm thấy thoải mái, bình an hơn ba năm trước, liệu các con tôi có an lành dễ chịu hơn ba năm trước? Thật may, câu trả lời là có.
Những ngày khó khăn nhất tôi vẫn cặm cụi làm việc. Những lúc thấy quá mệt, tôi lặng lẽ sắp xếp một chuyến đi dài. Đều đặn năm nào cũng có một chuyến đi như thế. Phải đi trong tĩnh lặng, một mình, để nhìn lại chặng đường mình đã qua, để thấy mình được giúp đỡ, che chở như thế nào. Thật may mắn cho chúng tôi vì đã được chính độc giả của mình động viên. Họ luôn ở đó, gửi đến chúng tôi những lời cảm ơn thực lòng. Phải nói rằng, chúng tôi vịn vào độc giả mà đi.

* Là người tiên phong về sách với chủ đề tương tác thông minh, cảm giác của bà thế nào?

Link bài viết

- Social books - sách tương tác thông minh là một giải pháp được sinh ra để giải quyết yêu cầu kết nối trực tiếp giữa tác giả và độc giả. Với ước muốn mang những tác giả Việt Nam đến với độc giả trong nước, làm cầu nối thông tin giữa hai nhóm người này, nhằm giúp độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ có cơ hội tìm thấy những người hướng dẫn tận tâm trong hành trình tự học, tự phát triển bản thân, chúng tôi tìm kiếm một giải pháp công nghệ có thể làm được điều đó.

Ban đầu, giải pháp chỉ dừng lại ở việc sử dụng messenger code của facebook để quét trực tiếp trang facebook cá nhân của tác giả, và QR code thông thường để quét vào tư liệu mà tác giả cung cấp. Sau 6 tháng triển khai, giải pháp này thể hiện những điểm yếu, như phụ thuộc trực tiếp vào chính sách của facebook, nếu họ ngừng sử dụng mã messenger thì giải pháp này sẽ bị ngưng trệ. Đồng thời, người sử dụng phải qua bốn lần thao tác thì mới truy cập được vào nội dung giới thiệu tổng thể của cuốn sách. Giải pháp này cũng không giúp phân biệt được sách thật.

Chúng tôi bắt đầu tìm kiếm giải pháp thay thế. Phải mất 6 tháng sau mới hình thành được giải pháp có thể đáp ứng nhu cầu trên. Đồng thời mất gần ba tháng nữa để nghiên cứu cách triển khai nội dung trên nền tảng công nghệ và chỉnh sửa, điều chỉnh nền tảng công nghệ để tương thích hoàn toàn vào nhu cầu. Làm một điều gì đó mới thì mình cũng vui, cảm thấy mình luôn mới mẻ. Tôi hy vọng có thể cung cấp được giải pháp này cho các anh chị khác trong ngành sách. Sự kỳ diệu của việc tương tác trực tiếp giữa các bên liên quan đến một cuốn sách sẽ khiến cảm xúc thăng hoa, từ đó việc ưa thích đọc sách, hiểu về cuốn sách đang đọc tăng lên. Tôi tin là như vậy, vì chúng tôi đang được hưởng thụ từ sự tương tác này.

* Sau 3 năm làm sách, thành quả lớn nhất của bà là gì?

- Là sự trưởng thành của chính tôi. Mỗi ngày, mở mắt ra, tôi thấy thật thoải mái với công việc mình làm.

Thật may mắn cho chúng tôi vì đã được chính độc giả của mình động viên. Họ luôn ở đó, gửi đến chúng tôi những lời cảm ơn thực lòng. Phải nói rằng, chúng tôi vịn vào độc giả mà đi.

* Có bao giờ bà cảm thấy "chạnh lòng" khi các nhà sách khác ra sách ào ào, còn mình thì mỗi năm chỉ vài ba cuốn? Cái khó nhất trong kinh doanh sách là gì?

- Tôi nghĩ tôi chỉ đơn giản là người làm sách và vận hành công ty, mà thực chất là vận hành một nhóm làm việc, sao cho hiệu quả hơn mỗi ngày, để phục vụ những độc giả của chúng tôi, những người đang cần, đang chờ sách của chúng tôi. Thước đo của chúng tôi là hạnh phúc của chính mình mỗi ngày, chứ không phải là một năm ra bao nhiêu cuốn sách.

Tại sao phải lấy bốn chữ "áp lực kinh doanh" để đóng khung cho phần đời còn lại vốn đã không còn quá dài của chính mình! Kinh doanh cũng chỉ là một phần của cuộc sống, nếu mình dấn thân vào mà luôn cảm thấy quá ngột ngạt, liệu có nên tiếp tục? Kinh doanh sách, theo tôi, điều khó nhất là vốn. Trong điều kiện Việt Nam, ngành sách cần số vốn lưu động rất lớn trong khi dòng tiền chảy về rất chậm. Chúng tôi cũng vất vả nhiều để xử lý bài toán này.

* Trong những cuốn sách Anbooks từng xuất bản, bà có hài lòng về tất cả?

- Nói hài lòng tất cả là không đúng. Với mỗi cuốn sách, chúng tôi đều cảm thấy mình có thể làm tốt hơn nữa. Có lẽ chúng tôi là đơn vị làm sách "kỳ quặc" khi đổi bốn lần phiên bản bìa cho một cuốn sách mới xuất hiện trên thị trường trong vòng hai năm, như Quảy gánh băng đồng ra thế giới, hay mày mò làm hai phiên bản cho Con nít con nôi - Kiddy Kiddo trong lần ra mắt đầu tiên. Chúng tôi yêu quý tất cả sách của mình, vì 10 cuốn sách đó đều có chung một dòng chảy, đó là sự tự do. Chúng tôi gửi gắm đến quý độc giả thông điệp này trong toàn bộ sách của mình: Hãy tự do học hỏi, tự do chọn lựa con đường, tự do trong tâm hồn và tự do yêu thương.

* Bà từng nói bà muốn ai cũng có thể viết sách...?

- Nền tảng công nghệ có thể giúp mỗi người tự viết sách về cuộc đời mình. Mỗi con người là một cuốn sách để chờ một ai đó đọc. Chúng tôi cần ít lâu nữa để hoàn thành nền tảng này, do đó xin cho được bí mật phần còn lại.

* Cảm ơn bà về những chia sẻ! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
CEO Anbooks Ngô Phương Thảo: Thử mạnh dạn một lần để được là chính mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO