![]() |
Mỗi lần về thăm quê, thấy làng xóm khang trang, đường sá được bê tông hóa, đèn điện sáng trưng thì mừng, nhưng thấy thiêu thiếu một cái gì đó không giải thích được.
Người xa xứ hay nhớ cái hồn của làng quê, mà bắt đầu từ đâu nhỉ? À! Phải rồi, hình như đường xóm thẳng và rộng hơn, cây tre ít lại. Có nơi chặt hết tre vì vướng dây điện. Làng quê mà không có những lũy tre thì mất đi một phần hồn quê.
![]() |
Cha ông mình sống bằng nghề nông nên đã gắn với cây tre từ bao đời. Lũy tre là bức thành vững chắc ngăn gió bão. Từ nhà cửa đến dụng cụ gia đình, nhà nông đều gắn liền với cây tre. Cũng thế, một đời nông dân bên mình không thể thiếu cây rựa (quê tôi gọi là cái rạ)
Cái rạ quê tôi đẹp và thanh thoát, lại rất tiện dụng. Từ cái rạ mà người nông dân sáng tạo ra cơ man nào là dụng cụ. Chuyện kể có anh nông dân khi chia gia tài với vợ, bà vợ bảo "Cái gì giống đực thì của ông, giống cái thì của tui”. Ông chồng đang tức tối, đồng ý ngay. Thế là tất cả gia sản từ cái sàng, cái giần, cái cối, cái chày, cái cày, cái bừa... đều giống cái. Đến khi bà vợ toan lấy cái rạ, thì ông chồng giành lại: "Nó là đực rựa". Tiếng đực rựa có thể bắt đầu như thế đó.
Những dụng cụ nhà nông luôn mang dáng dấp giống đực, giống cái, hay như cách nói của các cụ là có đôi, có đụa (có đôi, có đũa): Cày thì có bừa, đòn xóc thì có đòn gánh, mỏ xảy thì có mỏ ngà, liềm thì có vằng, sàng giần thì có thúng mủng...
Hai loại dụng cụ để lại trong tôi ấn tượng mạnh nhất là đòn xóc và đòn gánh. Đòn gánh thì đâu cũng có, nhưng cái đòn gánh của quê tôi thì mảnh mai, thon thả. Nó cong như cánh cung nhịp nhàng trên vai thiếu nữ...
Nhưng cái đòn xóc mới là độc đáo: Lựa cây tre già, có độ cong tương đối, cắt khoảng mét sáu, chẻ đôi khúc tre theo kiểu "phá mắt", sẽ có được phía lưng làm đòn xóc, phía ngược lại làm đòn gánh. Đòn xóc được vót nhọn hai đầu (có câu tục ngữ để ví người hay châm chọc người khác là "đòn xóc hai đầu”), dùng để gánh lúa bó từ đồng về. Lúa được bó thật chặt bằng lạt tre, dùng đòn xóc thọc vào khoảng 7 phân, hai bó lúa được xóc đối xứng nhau. Đòn xóc cong ngược lên để bó lúa không bị "trôi".
Thời đại văn minh ngày càng xa với những dụng cụ cổ truyền. Về quê thấy có làng văn hóa, có bảo tàng địa phương... mà phần nhiều chỉ nói về thời chiến tranh. Quê tôi có hàng trăm năm thanh bình, thịnh vượng với nền văn minh lúa nước. Biểu tượng của làng quê phải là thanh bình.
Nên chăng mỗi làng quê lập một nhà bảo tàng (có thể ngay ở đình làng) để lưu lại những dụng cụ ngày nay không còn dùng nữa, như cối xay lúa, xe đạp nước, gàu tát nước, cày, bừa... để thế hệ trẻ nhớ về một thuở nhà nông của cha ông.
Những người trên 60 tuổi hôm nay vài mươi năm nữa sẽ "ra đi", như câu ca dao buồn:
Chàng về thì đục cũng về
Dùi cui ở lại mần nghề chi ăn
Vâng, những dụng cụ cần nhau như chàng, đục, dùi cui... như con người của quá khứ, hiện tại và tương lai cũng cần nhau lắm lắm.