Ấn tượng “nhà ống khói”
Khách du lịch chủ yếu đến Cappadocia vào mùa hè để thưởng thức, ngắm toàn cảnh từ trên khinh khí cầu. Mùa thu và mùa đông, Cappadocia chẳng khác nào cô gái đang say ngủ. Từ triệu triệu năm trước, ở đây toàn khe nứt với miệng núi lửa. Nham thạch núi lửa phun trào tạo nên những khối núi mềm, lâu ngày bị gió mưa bào mòn, tạo thành những bề mặt “nhăn nheo”, uốn lượn rất đặc biệt, được ví như “moonscape” (tạm dịch: cảnh trên mặt trăng). Lại có nơi bị mòn, xói ngẫu nhiên, tạo thành những “thung lũng ống khói”, “thung lũng nấm” rất kỳ lạ.
Những tảng đá được tự nhiên mài mòn theo thời gian |
Thung lũng ống khói |
Tận dụng đặc điểm núi mềm, dễ khoét, dễ đào, người dân ở đây chỉ cần khoét vào núi là có những căn phòng, ngôi nhà, khỏi cần bất kỳ một loại nguyên vật liệu nào. Chúng tôi cũng tìm được nơi lưu trú ở một “khách sạn” từ những ngôi nhà khoét vào trong núi như vậy. Một nơi cư ngụ dễ thương mang hình dáng ống khói! Ngay cả trong thị trấn, cũng không còn nhiều người sống trong các ngôi nhà “gắn” vào núi thế này. Một thời gian dài, người ta bỏ hoang chúng, sau này du lịch phát triển, họ mới sửa sang lại làm thành khách sạn, song số nhà hoang thì vẫn còn nhiều vô kể.
Công trình đặc biệt của con người và tự nhiên
Các thành phố ngầm ở Cappadocia là những công trình kiến trúc cực kỳ đặc biệt. Người ta phát hiện ra 40 thành phố ngầm bỏ hoang ở Cappadocia, hiện còn 6 thành phố mở cửa cho khách vào thăm quan. Theo những gì được ghi chép, thành phố ngầm này do những người Thiên Chúa giáo chạy trốn sự săn đuổi của quân đội La Mã đến đây xây dựng nên. Thật khó tưởng tượng, đây là những thành phố từng có số dân cư lên tới 20.000 người. Đó vừa là nơi trốn kẻ thù, vừa là nơi để họ tránh thú dữ, đặc biệt giúp họ tránh mùa đông khắc nghiệt, vì nhà dưới lòng đất mùa đông ấm mà mùa hè thì mát. Sau này, do nhu cầu cuộc sống, người ta mới tìm cách lên dần trên mặt đất... Hiện giờ, các khu này không còn ai sinh sống, được lập thành những bảo tàng mở - Open Air Museum - cho khách thăm quan.
Thành phố ngầm nhìn bên ngoài rất đỗi bình thường nhưng bên trong là cả một thế giới |
Thành phố ngầm mà chúng tôi đến có tới 7-8 tầng sâu, nhưng hiện tại chỉ có vài tầng được mở cho khách thăm quan. Theo người hướng dẫn, thông thường, hệ thống chuồng nuôi được bố trí ở tầng thứ nhất. Từ khu chuồng nuôi có hành lang dẫn tới nhà thờ. Bên cạnh đó, có những căn phòng nhỏ, có thể là khu ở của người dân. Tầng 2 là nhà thờ, các hệ thống phòng họp, khán đài, một vài khu vực dành cho sinh hoạt... Tầng thứ 3 có lẽ là tầng quan trọng nhất của thành phố ngầm: khu vực nhà kho, hầm rượu, khu vực chứa nhiên liệu và bếp. Nơi này được tổ chức khéo léo, có những căn phòng thông nhau, hệ thống hành lang và cầu thang lên xuống, hệ thống ống thông khói, cũng như hệ thống cửa đá đóng mở từ bên trong để tránh kẻ thù. Cửa đá thường là phiến đá hình tròn, có chốt bên trong, chặn lối lên tầng trên và ngăn sự xâm nhập từ bên ngoài.
Vị thịt nướng khó quên
Một điều hấp dẫn nữa là đồ ăn ở Cappadocia vô cùng ngon. Ban đầu chưa biết, chúng tôi cứ tấm tắc khen sao ở xứ miền núi mà đồ ăn ngon thế, chế biến mùi vị tinh tế, món gì cũng hợp miệng(!) Về sau, đọc sách mới biết, vùng này nổi tiếng về đồ ăn. Đặc biệt là vô số loại “kebab” khác nhau, với đủ kiểu tẩm ướp gia vị. Trước, khi ở châu Âu tôi chỉ biết kebab là những cây thịt nướng. Đến khi vào nhà hàng ở Cappadocia, gặp menu có mấy trang kebab mà chẳng thấy cây thịt nào, về sau người ta mang ra những cái chảo gang thịt nướng xèo xèo, ngon xuýt xoa, mới đoán hình như “kebab” có nghĩa là “thịt nướng”.
Thung lũng nấm một chiều hoàng hôn đầy cánh chim bay |
Buổi tối cuối cùng, chúng tôi quyết định không ăn ở khách sạn mà xuống trung tâm. Vì “trái mùa” nên cả dãy nhà hàng vắng. Một anh chàng ra sức chào mời chúng tôi, thấy nhà hàng ấm cúng, lại có vẻ sạch sẽ, đáng tin cậy nên chúng tôi đồng ý.
Khắp nơi kê gối quanh những cái mâm đồng rất to, rất đẹp, giữa phòng là một ống sưởi lớn, mấy cái ấm nước bị bỏ mặc sôi réo rắt cả tối. Chủ quán là cựu sinh viên Đại học Istanbul tư vấn cho chúng tôi gọi hai món kebab tươi ngọt, gia giảm vừa khéo, ăn kèm với vài cái lá không rõ tên nhưng rất thơm và ngon. Nói chung, đồ nướng của người Thổ gia vị vừa vặn, không bị át mùi của nguyên liệu chính, không mặn, không nhạt. Có vẻ như tập quán ẩm thực ở đây món nướng là chủ đạo, đến cả đồ ngọt như bánh gạo (rice pudding) cũng phải cho qua lửa một chút. Chúng tôi còn được anh chủ quán đãi mấy củ khoai tây miền núi to tướng, cuộn vào giấy bạc rồi bỏ vào lò, lúc sau mang ra nóng hổi, bở tơi.
Bên cạnh bebab nướng đã quen thuộc, Cappadocia còn có món lẩu kebab, đáp ứng khẩu vị đa dạng của du khách |
Món đồ lưu niệm đáng yêu mà chúng tôi mang theo khi rời khỏi nơi này là những con búp bê do phụ nữ bản địa làm thủ công và bán rong. Mấy con búp bê đáng yêu cũng mặc quần đũng trùng hệt những người làm ra chúng.