Lượng phương tiện đổ dồn lên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, trong đó có nhiều xe tải trọng lớn đã khiến tuyến đường này xuống cấp nghiêm trọng. |
Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ (QLĐB) IV Nguyễn Văn Thành cho biết, vừa tiếp tục kiến nghị cơ quan chức năng sớm có chỉ đạo triển khai thu phí lại trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương (nối TP.HCM, Long An, Tiền Giang).
Nguyên nhân vì phần đường dẫn ở hai đầu cao tốc phía chợ Đệm (TP.HCM) và Thân Cửu Nghĩa (tỉnh Tiền Giang) đã xuống cấp sau 10 năm sử dụng. Trên cao tốc, mặt đường đã xuất hiện nhiều vết nứt, lún vệt bánh xe.
Ngoài ra, nhiều khu vực mặt đường, đường dẫn bị hư hỏng cục bộ và khe co giãn cầu từ km34 + 550 đến km40 + 940 đã bị hư hỏng. Hệ thống thoát nước trên đường dẫn cao tốc Đồng Tâm và đường dẫn cao tốc Lương Phú cũng hư hỏng, nếu không sửa chữa kịp thời sẽ khó ngăn chặn sự xuống cấp.
Số vụ tai nạn, đặc biệt tại vị trí làn dừng khẩn cấp tăng gấp 1,5 lần so với trước, trong đó có vụ gây chết người.
Do đó, Cục QLĐB IV kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam bổ sung kinh phí năm 2020 là 107 tỷ đồng để sửa chữa khẩn cấp mặt đường cao tốc, đường dẫn và hệ thống thoát nước nhằm ngăn chặn xuống cấp.
Trong tương lai, cần phân kỳ đầu tư, sửa chữa mặt đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương cho các năm 2021 là 122 tỷ đồng, năm 2022 là 140 tỷ đồng để cải thiện tình trạng khai thác.
Bên cạnh đó, Cục QLĐB IV kiến nghị sớm có ý kiến chỉ đạo về sửa chữa hệ thống quản lý giao thông thông minh (IST) trên tuyến. Dù được đầu tư 38,5 triệu USD, song đến nay phần mềm hệ thống này đang bị lỗi, nhiều camera trên tuyến bị hư, không truyền được dữ liệu về trung tâm.
Với số vốn đầu tư hơn 9.880 tỷ đồng, cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đưa vào khai thác từ năm 2010 và đến tháng 1/2019 đã tạm dừng thu phí. Lượng xe trên quốc lộ 1 sau đó đổ dồn về cao tốc, khiến tuyến đường này xuống cấp nghiêm trọng.
Theo thống kê của Cục QLĐB IV, lượng xe hơi lưu thông trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã tăng 31% so với trước thời điểm thu phí, thậm chí có thời điểm trên 51.000 xe lưu thông mỗi ngày đêm.