Start up

Cần tăng cường kết nối các quỹ đầu tư quốc tế

PGS-TS. Võ Thị Ngọc Thúy (*) 12/05/2024 - 13:21

Nội lực, uy tín của một trường đại học cũng như việc xác định tầm nhìn, sứ mệnh, trong đó có mục tiêu trở thành đại học khởi nghiệp (ĐHKN) là một trong những yếu tố thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm quốc tế rót vốn…

Xây dựng nền tảng kinh doanh cho sinh viên

Tháng 9/2023, tại Hội nghị chuyên đề Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã đề xuất chọn 5-6 trường đại học (ĐH) xây dựng thí điểm ĐHKN.

29-2.jpg

Trường Đại học Hoa Sen (HSU) đã theo hướng đi này trong nhiều năm qua bằng cách đào tạo những kỹ năng cần thiết để sinh viên khởi nghiệp. Trường cũng hình thành Viện Đổi mới sáng tạo (ĐMST) gắn với Trung tâm Trải nghiệm việc làm sinh viên, hình thành những đội, nhóm và ươm mầm từ những ý tưởng kinh doanh ban đầu. Tuy nhiên xác suất thành công rất hạn chế. Do đó, thay vì chú trọng lập dự án kinh doanh hay hình thành doanh nghiệp từ ý tưởng kinh doanh, Trường đã tập trung xây dựng nền tảng kinh doanh cho sinh viên năm thứ 3 hoặc sau khi tốt nghiệp có thể tự tin khởi nghiệp.

HSU đã phát triển chương trình mentoring (hướng dẫn, cố vấn) hơn một năm qua và hiện có gần 60 giảng viên và doanh nhân nhiều kinh nghiệm tham gia giảng dạy. Họ đồng hành với sinh viên, lắng nghe, bồi dưỡng tinh thần doanh chủ để các em khởi nghiệp.

Việc chú trọng đào tạo con người, giúp sinh viên có tinh thần doanh chủ sẽ định hướng cho các em thấy được ý tưởng kinh doanh khả thi. Và nếu trong suốt 4 năm học và đồng hành với nhau, các mentor - mentee (người hướng dẫn - người được hướng dẫn) có thể cùng hình thành ý tưởng khởi nghiệp thì đó sẽ là nền tảng vững chắc. Khi hội đủ tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh chủ, cộng với những kỹ năng và ý tưởng khả thi thì sinh viên cuối năm 3 hoặc cuối năm 4 sẽ tự tin khởi nghiệp và tăng khả năng gọi vốn thành công.

Mỗi trường ĐH sẽ chọn một nền tảng kinh doanh phù hợp để trang bị cho sinh viên, tùy theo ngành nghề đào tạo. Ví dụ, sinh viên Trường ĐH Bách khoa có thể khởi nghiệp từ lĩnh vực khoa học - công nghệ và kỹ thuật, trong khi các trường khác tập trung vào kinh doanh, quản lý, nghệ thuật và thiết kế, như HSU thì phải cung cấp cho sinh viên nền tảng kiến thức khác.

29-1.jpg
Sinh viên HSU được đào tạo tinh thần doanh chủ qua hoạt động thực tiễn và những cuộc thi trong quá trình học

Chương trình mentor và mentee có thể tạo điều kiện cho sinh viên phát triển tinh thần doanh chủ và năng lực từ năm thứ nhất. Nếu ý tưởng của sinh viên được mentor đánh giá đủ khả năng, HSU sẽ hỗ trợ ươm tạo, phát triển dự án. Hiện HSU chưa hình thành hội đồng để hỗ trợ sinh viên gọi vốn và tìm kiếm nhà đầu tư, nhưng Trường đào tạo theo định hướng ứng dụng nên hầu hết sinh viên đều có cơ hội trải nghiệm các dự án và tự gọi tài trợ.

HSU cũng thường mời doanh nhân tham gia vào hội đồng đánh giá các dự án của sinh viên và kêu gọi đầu tư. Dù chỉ là dự án nhỏ, nhưng đó là cách để Trường hướng dẫn sinh viên đi đến những dự án lớn hơn. Cách tiếp cận này đang giúp sinh viên của HSU tự tin hơn và thành công nhiều hơn với các dự án khởi nghiệp.

Kết nối các quỹ đầu tư: Thách thức đối với các trường đại học

Tinh thần doanh chủ đã trở thành một trong 5 giá trị cốt lõi của HSU, đặc biệt trong 3 năm gần đây thể hiện tâm huyết của từng giảng viên, nhân viên và sinh viên. Trường đã đổi mới chương trình đào tạo trong hai năm gần đây, theo hướng tinh thần doanh chủ. Do đó, HSU đang có nhiều thuận lợi, từ chương trình đào tạo đến mối quan hệ với doanh nghiệp. Doanh nhân đồng hành với HSU bằng sự tự nguyện và cũng là cách để họ chia sẻ tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu của Trường.

Tuy nhiên, để hình thành ĐHKN, vẫn còn nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất là làm sao để có doanh nghiệp hay quỹ đầu tư mạo hiểm sẵn sàng cùng các trường ĐH ươm tạo những ý tưởng thành doanh nghiệp khởi nghiệp. Tại Hội nghị Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TP.HCM gần đây, chúng tôi đã đề xuất một số kiến nghị để các trường được tạo điều kiện tiếp cận những quỹ đầu tư trong mối quan hệ đối ngoại của Thành phố, làm sao để khởi nghiệp trong các trường ĐH đi đến được đích cuối cùng. Đề xuất này đã được lãnh đạo TP.HCM ủng hộ.

Để kết nối được với các quỹ đầu tư, trước hết tự các trường ĐH phải nỗ lực. Nội lực và uy tín của một trường ĐH cũng như việc xác định tầm nhìn, sứ mệnh, trong đó có mục tiêu trở thành ĐHKN là yếu tố quan trọng thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư quốc tế. Do đó, các trường phải làm rõ và kiên định với tầm nhìn đó. Các quỹ đầu tư đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của các trường ĐH và mức độ đóng góp vào môi trường khởi nghiệp có tạo ra những doanh nhân, doanh nghiệp mới hay không. Những con số và tỷ lệ này sẽ khẳng định trường đó có theo định hướng ĐHKN hay không.

Mối quan hệ giữa trường ĐH và doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước, cũng rất quan trọng. Tự thân các trường ĐH phải xây dựng uy tín để nhà đầu tư biết đến và đặt niềm tin, đánh giá mức độ mạo hiểm khi đầu tư. Cũng không thể phủ nhận vai trò của chính quyền TP.HCM và các bộ, ngành liên quan, như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ. Nếu các bộ, ngành có thể truyền thông về hình ảnh của một Việt Nam đang hướng đến nhiều trường ĐHKN thì sẽ thu hút quỹ đầu tư đến với nước ta và tạo điều kiện cho các trường ĐH tiếp cận các quỹ đầu tư đó.

(*) Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen
(Lê Hạnh lược ghi)

HSU có hai đợt tốt nghiệp mỗi năm, mỗi đợt khoảng 1.500 sinh viên. Ngày tốt nghiệp, hầu như sinh viên đều gắn với một doanh nghiệp hoặc một dự án khởi nghiệp cụ thể. Từ đó, ước tính mỗi đợt khoảng 1% sinh viên thành công trong việc khởi nghiệp, lập nghiệp. Đây là con số của sinh viên HSU chứ không đại diện cho tất cả các trường ĐH. Thời gian tới, HSU đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 2-3%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần tăng cường kết nối các quỹ đầu tư quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO