Thực tế, có rất nhiều công ty gọi vốn thường định giá công ty của mình rất cao khi hướng đến tương lai. Còn nhà đầu tư thì lại muốn mua với giá hiện tại. Vì vậy, luôn xảy ra sự chênh lệch trong cách định giá giữa người mua và bán. |
Theo ông Phạm Thanh Hưng - Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thế Kỷ CenGroup: "Nguyên tắc đầu tiên của việc định giá là phải xác định mục đích mua bán để làm gì. Nếu một doanh nghiệp đang ở giai đoạn thịnh vượng thì mục đích của người mua là đầu tư tài trợ. Còn doanh nghiệp sắp sửa 'chết' thì có khả năng công ty đó được mua lại để lấy giấy phép, hoặc thâm niên của doanh nghiệp đó. Đôi khi, có những công ty được mua lại chỉ vì muốn... diệt công ty đó, tránh đối thủ cạnh tranh. Vậy nên, việc thẩm định giá phụ thuộc vào mục đích kêu gọi vốn và mục đích của người bỏ tiền đầu tư".
Thực tế, có rất nhiều công ty gọi vốn thường định giá công ty của mình rất cao khi hướng đến tương lai. Còn nhà đầu tư thì lại muốn mua với giá hiện tại. Vì vậy, luôn xảy ra sự chênh lệch trong cách định giá giữa người mua và bán.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc Quỹ đầu tư Cyber Agent Việt Nam và Thái Lan chia sẻ: "Đầu tư vào các công ty công nghệ là đầu tư vào một ý tưởng còn mới, mà những gì đang mới thì chưa thành hiện thực. Vậy nên, nguyên tắc đầu tiên là nhà đầu tư phải am hiểu lĩnh vực mình muốn đầu tư. Ví dụ, nếu tôi đầu tư vào cổ phiếu trên sàn, chắc chắn là rủi ro vì có yếu tố hên xui. Nhưng với các startup thì xác suất thành công của tôi sẽ cao hơn bởi tôi có kinh nghiệm".
"Tuy nhiên, trước khi đầu tư, tôi thường cân nhắc hàng loạt yếu tố và đặt ra các câu hỏi như: Ý tưởng dự án đó là gì, phục vụ cho ai, đối tượng nào, lợi thế cạnh tranh là gì và ai đang làm điều đấy, có doanh nghiệp nào làm tốt không. Nếu không thì mình làm có tốt không, chiến lược để công bố dự án ra thị trường là gì. Tiếp theo là làm sao chiếm lĩnh thị trường... Tất cả những cái đấy đều được chúng tôi cân nhắc và đưa vào các cuộc thảo luận rất là kỹ", ông Dũng nói.
Đại diện một quỹ đầu tư khác cũng cho rằng: "Trong quá trình lựa chọn và đưa ra đề nghị đầu tư cho các startup, các nhà đầu tư sẽ tính toán dựa trên các con số mà các startup đưa ra. Quan trọng hơn, phải nhìn thấy tiềm năng tương lai của công ty đó".
Với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, ông Phạm Thanh Hưng tiết lộ: "Những gì liên quan đến bất động sản, tôi thường xởi lởi hơn trong việc ra giá. Quan trọng là tôi phải thấy dự án đó có giá trị và có thể phát triển tốt hơn. Còn nếu đầu tư vào các lĩnh vực khác, tôi thường đứng trên quan điểm của nhà đầu tư tài chính thuần túy. Điều gì mang tính cộng hưởng thông thường, tôi sẽ trả giá cao hơn so với việc đầu tư tài chính thông thường".
Cũng theo các nhà đầu tư, đối với các dự án startup, nhất là trong lĩnh vực công nghệ và những lĩnh vực mới, việc định giá công ty đa phần đều theo cảm tính của nhà đầu tư. Khi định giá, các chủ đầu tư thường nhắm vào yếu tố con người để quyết định rót vốn. Bởi những mô hình kinh doanh còn mới thì các con số đều rất khó kiểm chứng. Vậy nên, với những người sáng lập công ty, càng thể hiện được sự tự tin, càng dễ gọi vốn.
Chia sẻ kinh nghiệm rót vốn vào các công ty khởi nghiệp, nhất là các công ty công nghệ, ông Dũng nói: "Công nghệ đi vào cuộc sống đáp ứng không chỉ cho người tiêu dùng mà còn phục vụ vấn đề của doanh nghiệp, phục vụ vấn đề liên quan của Chính phủ. Quan trọng nhất, nếu mình giải được bài toán đủ lớn, quy mô đủ lớn thì trong tương lai mình có thể hoàn toàn kỳ vọng được giá trị doanh nghiệp đi lên từ những nhu cầu ấy.
Vậy nên, tôi đầu tư vào những công ty để phục vụ cho mục đích nào đấy của con người, khi mình đã phục vụ đủ lớn rồi thì chắc chắn giá trị công ty sẽ đi lên bởi vì người dùng thấy được giá trị đấy, họ sẽ trả lại cho mình một doanh số nhất định nào đấy.
Chính vì thế, cuộc khủng hoảng tài chính có diễn ra hay không cũng không ảnh hưởng đến chúng tôi. Ngược lại, trong nguy có cơ, chúng tôi nhận thấy những người dám khởi nghiệp tại thời điểm khủng hoảng là người nhìn được các góc nhìn của xã hội và sẵn sàng phục vụ, họ là những người dũng cảm không phải khởi nghiệp vì mục đích phong trào. Founder khởi nghiệp vì một mục đích, ý tưởng nào đấy, họ sẽ vượt qua các khó khăn, họ sẽ tập trung giải quyết bài toán ấy. Còn founder chạy đua vì muốn có tiền thì họ sẽ bỏ giữa chừng".