Ảnh minh họa: Vladimir Solomyani |
Cần lưu ý rằng, trong những thời điểm tỷ giá nóng, thì tỷ giá tự do thường tăng mạnh hơn nhiều so với thị trường chính thức.
Trong giai đoạn đồng USD tăng giá mạnh cả trên thị trường quốc tế lẫn trong nước, thì một khuyến nghị thường nghe từ các chuyên gia tài chính là giữ tiền đồng vẫn lợi hơn. Trong đó quan điểm phổ biến là với lãi suất tiền gửi ngân hàng VND 7%/năm, trong khi lãi suất USD là 0%/năm, thì với tiền đồng chỉ phá giá theo mục tiêu 2%/năm, thấp hơn nhiều so với chênh lệch lãi suất giữa 2 loại tiền tệ này, do đó nắm USD là không có lợi.
Điều ấy ai cũng hiểu được, nhưng tại sao vẫn có người chấp nhận chuyển dịch tài sản sang USD? Đối với một số ít người là xuất phát từ một nỗi lo thường xuyên từ lịch sử để lại, khi cho rằng nắm giữ vàng hoặc ngoại tệ bao giờ cũng chắc ăn.
Trong khi đó, không ít người khi chuyển sang đầu tư USD kỳ vọng rằng đồng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế sẽ còn tăng mạnh, và do đó chính sách kiểm soát tỷ giá theo mục tiêu đề ra sẽ bị phá vỡ. Cần lưu ý rằng, trong những thời điểm tỷ giá nóng, thì tỷ giá tự do thường tăng mạnh hơn nhiều so với thị trường chính thức, do đó chọn lướt sóng đúng thời điểm sẽ mang lại lợi nhuận đáng kể.
Chẳng hạn trong đợt thị trường ngoại hối sôi động như vừa qua, nếu như tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do trong hơn 6 tháng đầu năm chỉ tăng vỏn vẹn 0,6%, thì chỉ từ giữa tháng 6 đến nay đã tăng đến 3,4%, tức suất sinh lời lên đến 3,4% chỉ trong vòng 2 tháng chứ không phải 2%/năm như một số ý kiến thường được dùng để giải thích việc nắm giữ ngoại tệ không có lợi.
Cũng cần lưu ý, mức lãi suất VND 7%/năm là tính theo lãi suất danh nghĩa, chưa trừ yếu tố lạm phát. Với lạm phát 4%/ năm đề ra cho năm nay, thì lãi suất thực kỳ vọng chỉ ở mức 3%/năm, tức gửi ngân hàng trọn 12 tháng sẽ có được suất sinh lời 3%/năm, tức 0,25%/ tháng. Như vậy, nếu so với suất sinh lời 3,4% chỉ trong vòng 2 tháng, nếu tham gia lướt sóng đúng thời điểm như đã nói ở trên, tức 1,7%/tháng thì nắm giữ USD trong một số thời điểm nào đó vẫn có lợi hơn.
Đó là còn chưa nói đến tính thanh khoản. Khi gửi ngân hàng, trong trường hợp cần tiền khẩn cấp, nhiều người có thể rút trước hạn và phải chịu lãi suất không kỳ hạn 0 - 0,5%/năm, hoặc vay cầm cố sổ tiết kiệm với lãi suất vay cao hơn lãi suất gửi trên sổ từ 2 - 3%/năm, thì khi đầu tư lướt sóng ngoại tệ, sẽ có sẵn lượng tiền mặt để xử lý công việc khi cần thiết hoặc bán sang tiền đồng bất cứ lúc nào để đáp ứng các khoản thanh toán bằng VND.
Dĩ nhiên cũng sẽ có những rủi ro nhất định nếu như tỷ giá sụt giảm trở lại. Tuy nhiên quá khứ cũng cho thấy đồng USD luôn duy trì xu hướng đi lên so với tiền đồng từ trước đến nay, do đó nếu rủi ro xảy ra chỉ là ở vấn đề chôn vốn lâu hơn để có thể đạt mức lợi nhuận mong muốn.
Nhưng với kỳ vọng và cũng là diễn biến thực tế đã xảy ra là đồng USD có thể tiếp tục tăng trên thị trường quốc tế, nhất là khi chỉ số USD Index gần đây đã bứt phá vùng kháng cự 95 điểm và tiếp cận mốc 97 điểm, thì những người nắm giữ ngoại tệ cũng có thể cho rằng lạm phát sẽ vượt mục tiêu 4%, và như vậy, khi đó lãi suất thực nhận được sẽ còn thấp hơn nữa.
Trong khi đó, ngoài ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại, thì với cuộc khủng hoảng tiền tệ mới nhất đang xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và có khả năng lây lan sang các nền kinh tế cận biên và mới nổi khác, thì VND càng chịu áp lực suy yếu so với các đồng tiền mạnh như USD.
Chính vì vậy, để so sánh việc nắm giữ đồng tiền nào có lợi hơn, ngoài việc sinh lời phải sử dụng lãi suất thực và thời gian có thể đạt mức sinh lời, thì các yếu tố khác như tính thanh khoản, rủi ro tiền tệ cũng như dự báo diễn biến của đồng USD trên thị trường quốc tế cũng cần được xem xét.