Dự án điện gió Lệ Thủy 4 được đề xuất mở rộng hơn 6 lần công suất, tổng vốn đầu tư dự kiến 317 triệu USD
Ngày 18/7, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết đã tiếp nhận tờ trình từ một doanh nghiệp thuộc khối quân đội đề xuất điều chỉnh quy mô dự án điện gió Lệ Thủy 4. Theo đó, doanh nghiệp đề nghị nâng công suất từ 30MW lên 198MW tăng gấp hơn 6 lần so với quy hoạch ban đầu, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 317 triệu USD.
Trước đó, dự án điện gió Lệ Thủy 4 công suất 30MW đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII của Chính phủ. Tuy nhiên, sau khi tiến hành khảo sát thực địa, đánh giá tiềm năng gió cũng như khả năng đấu nối và điều kiện hạ tầng kỹ thuật, doanh nghiệp nhận thấy dư địa để mở rộng dự án là rất khả thi và hiệu quả kinh tế có thể cao hơn đáng kể.
Theo đề xuất, dự án mở rộng sẽ được chia thành 4 nhà máy điện gió riêng biệt, gồm: Lệ Thủy 4-1, Lệ Thủy 4-2, Lệ Thủy 4-3 và Lệ Thủy 4-4.
Mỗi nhà máy có công suất 49,5MW, tạo thành cụm công trình điện gió với quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu điện sạch cho khoảng 160.000 hộ dân, tương đương sản lượng ước đạt khoảng 480 triệu kWh mỗi năm.

Về vị trí, cụm dự án dự kiến đặt tại khu vực giữa phá Hạc Hải và sông Kiến Giang, thuộc địa bàn các xã Lệ Thủy, Cam Hồng, Lệ Ninh, Trường Phú, Ninh Châu và Trường Ninh. Địa hình khu vực chủ yếu là vùng đất thấp trũng, thường xuyên ngập lụt, có ao hồ, đầm lầy ven sông và đất nhiễm mặn, những khu vực vốn khó canh tác nông nghiệp hiệu quả.
Tổng diện tích sử dụng đất cho cụm dự án khoảng 46ha, trong đó đặc biệt chú trọng hạn chế tối đa việc sử dụng đất lúa và đảm bảo không ảnh hưởng đến khu vực bảo vệ nghiêm ngặt.
Dự án cũng tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về khoảng cách an toàn với khu dân cư, cơ sở y tế, trường học, nhà máy và các khu vực đã có quy hoạch khác.
Đề xuất trên đang được UBND tỉnh Quảng Trị xem xét, đánh giá theo quy định trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Nếu được thông qua, dự án không chỉ gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện quốc gia mà còn góp phần khai thác hiệu quả quỹ đất khó sử dụng cho nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.