Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trong cuộc họp với các bộ, ngành về triển khai chính sách phát triển phương tiện giao thông xanh và chính sách phát triển trạm sạc xe điện diễn ra ngày 6/8.
Theo đó, tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ ngành rà soát, đề xuất chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người dân chuyển sang phương tiện giao thông dùng xe điện, nhiên liệu xanh.
Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng hướng dẫn địa phương bổ sung quy hoạch về trạm, trụ sạc điện trong xây dựng đô thị, hạ tầng giao thông. Đồng thời, ông cũng lưu ý cần có chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư trạm, trụ sạc điện về đất đai, quy hoạch, thuế, phí.
Riêng Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ sớm trình cơ chế tính giá điện cho các trạm sạc trên nguyên tắc hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng xe điện.
Cũng trong khuôn khổ cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu về phương án tính giá điện cho các trạm, trụ sạc điện; tiêu chuẩn kỹ thuật thống nhất cho các ổ sạc điện; các quy chuẩn, tiêu chuẩn về định mức tiêu thụ năng lượng đối với xe xăng; phát triển hệ thống giao thông công cộng sử dụng điện, nhiên liệu xanh…
Trước đó, vào năm 2023, khi xây dựng Dự thảo sửa biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương đã dự kiến đề xuất điện cho trạm sạc áp theo giá bán kinh doanh hoặc sản xuất và khung giờ (bình thường, thấp điểm và cao điểm), song vẫn chưa có kết luận cuối cùng.
Mặt khác, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển xe điện như thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô thuần điện chạy pin là 3% tới hết tháng 2/2027 nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phát sinh đối với thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho xe điện. Gần đây nhất, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA) kiến nghị giảm thuế này cho xe hybrid (sử dụng động cơ xăng và điện) xuống còn 50-70% so với xe xăng thông thường.
Từ những vấn đề trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định chương trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam vẫn chưa có trọng tâm, lộ trình rõ ràng trong bối cảnh nhiều quốc gia đang triển khai chính sách liên quan mạnh mẽ. Do đó, ông giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, đưa ra cơ chế điều hành liên ngành về phát triển hạ tầng cho xe điện. Cơ chế này tương tự một số ban chỉ đạo công trình, dự án trọng điểm về giao thông, năng lượng.
Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cả nước hiện có 1.500 điểm sạc đăng ký (không thống kê số trụ sạc cụ thể) và được bố trí chủ yếu tại chung cư, trung tâm thương mại, bãi đỗ xe, cửa hàng xăng dầu.
Tuy nhiên, các trạm sạc trên các tuyến cao tốc vẫn còn rất hạn chế. Vì vậy, việc tăng đầu tư trạm sạc tại khu vực này sẽ giúp người dùng yên tâm hơn khi chọn xe điện là phương tiện di chuyển chính.
Theo ước tính của Ngân hàng HSBC, Việt Nam cần khoảng 12,3 tỷ USD và 14TWh năng lượng cộng dồn từ nay tới năm 2040 để có đủ trạm sạc và công suất phát điện tái tạo cho xe điện.