Doanh nhân và World Cup

HẢI VĂN| 15/07/2010 09:57

Vòng chung kết World cup 2010 đã khép lại, nhưng những cung bậc cảm xúc của 64 trận đấu được phô diễn bởi 32 đội bóng đến từ khắp các châu lục vẫn còn lâng lâng trong lòng mọi người.

Doanh nhân và World Cup

Vòng chung kết World Cup 2010 đã khép lại, nhưng những cung bậc cảm xúc của 64 trận đấu được phô diễn bởi 32 đội bóng đến từ khắp các châu lục vẫn còn lâng lâng trong lòng mọi người.

Sự đam mê dù trong khoảnh khắc cũng làm vơi được phần nào những lo âu, phiền muộn trong cuộc sống, giúp cho một số doanh nhân tạm quên đi vấn nạn của nền kinh tế toàn cầu đang bị suy thoái, giúp cho các dân tộc trên hành tinh này được gần nhau hơn và trên hết là bóng đá đem đến cho chúng ta một niềm tin về hòa bình của nhân loại, khi tất cả con tim đều hòa nhịp cùng nhau vào trái bóng Jabulani.

Ảnh minh họa

Trước ngày khai mạc, đâu đó còn lo sợ cho an ninh, cho khủng bố, nhưng tất cả mọi thứ đều diễn ra trong an bình, yên tĩnh, không hận thù, không xung đột. Bóng đá thật là kỳ diệu, nó có sức hút mãnh liệt đến với mọi người, suốt tháng qua đi đâu cũng nghe bóng đá, giờ nào cũng nghe nói về bóng đá.

Có những bà mẹ chưa từng biết về bóng đá nhưng sanh con trong ngày khai mạc World Cup cũng lấy cột mốc ấy làm kỷ niệm bằng cách đặt tên cho con mình là Fifa. Hơn 3 triệu cổ động viên có mặt trên sân cỏ, có những người vượt xa hàng vạn dặm để đến dự khán các trận đấu, ở đây là nụ cười rạng ngời hạnh phúc khi chia sẻ niềm vui với người thắng cuộc, ở góc khán đài kia những giọt nước mắt lăn dài trên má, những giây phút mủi lòng khi chứng kiến đội bóng mà mình kỳ vọng bị sụp đổ! Bóng đá là thế đấy…

Hòa trong không khí của ngày hội, tận hưởng những phút giây thăng trầm của từng trận đấu, bỗng có sự so sánh khập khểnh khi thấy sự thành bại của các đội bóng ví như sự thành bại của các doanh nghiệp trên thương trường.

Một huấn luyện viên (HLV) lập dị và kém tài như Domenech vẫn được Liên đoàn bóng đá Pháp trọng dụng, một HLV bảo thủ như Lippi lại dẫn dắt đương kiêm vô địch thế giới (Ý), cũng chính vì cái tôi của 2 nhân vật trên đã làm cho 2 cường quốc bóng đá phải sớm rời cuộc chơi trong tư thế cúi đầu!

Giống như một số doanh nghiệp ở nước ta từng đi đến bờ vực hoặc đã phá sản cũng vì lãnh đạo chọn sai người điều hành (Chief Executive Officer -CEO), chọn CEO theo cảm tính, thiếu năng lực, không trong phạm trù chuyên môn.

Hoặc có những ông chủ can thiệp quá nhiều vào công việc quản lý, huấn luyện của HLV, mặc dù họ chẳng am tường về lĩnh vực này mà chỉ muốn thể hiện cái uy quyền, cái tôi của mình. Nhà tỷ phú người Nga Roman Abramovich đầu tư biết bao nhiêu tiền của cho đội bóng đá Chelsea của Anh quốc, mua sắm dàn cầu thủ chất lượng cao, thuê Mourinho, một HLV tài giỏi để dẫn dắt đội bóng.

Nhưng cuối cùng Chelsea cũng chẳng đem về được một danh hiệu cao quí nào, lý do vì Mourinho không được trao trọn quyền huấn luyện, ông ta bị can thiệp quá nhiều vào chuyên môn!

Ngược lại khi nắm đội Inter Milan của Ý, chỉ sau 2 mùa bóng, Mourinho đã mang về cho Nerazzurri cú ăn ba lịch sử, cho dù dàn “sao” của Inter còn lâu mới sánh được với Chelsea. Phép mầu chăng? Không, đó chỉ là do ông chủ câu lạc bộ của Ý Massimo Moratti dám giao quyền cho HLV và không can thiệp vào chuyên môn.

Một số doanh nghiệp ở nước ta thường hay thay CEO, không phải những người ấy không có tài, không đủ năng lực, họ ra đi hoặc bị ra đi chỉ vì không thể hợp tác với chủ.

Những người điều hành một doanh nghiệp cần có một quyền hạn nhất định để phát uy năng lực và thực thi kế hoạch của mình cho dù họ là những người làm thuê, vì thế khi bị áp đặt khó có ai mà chịu trụ lại. Đó cũng là một trong số các lý do mà một số doanh nghiệp cứ ì ạch mãi trong việc hình thành và phát triển. Thuật dùng người thật không đơn giản chút nào!

Sân chơi bóng đá cũng giống như nền kinh tế thị trường. Đội bóng đá cũng giống như một doanh nghiệp.Cho dù sự so sánh ấy có phần khập khểnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân và World Cup
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO