Các tập đoàn gia đình trị của Hàn Quốc (chaebol) đang phải đối mặt với những lời kêu gọi cải tổ cung cách quản lý sau khi Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất vì liên quan đến một vụ bê bối tham nhũng gây chấn động.
Ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc ngày 9/5 tới, cựu Chủ tịch đảng Dân chủ Moon Jae-in cam kết sẽ đặt dấu chấm hết cho thói quen nương nhẹ các tội hình sự mà giới chủ tập đoàn phạm phải và phá vỡ mối quan hệ mờ ám giữa chính phủ với các tập đoàn lớn trong nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới này.
Ông Moon muốn nhắm đến 4 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, gồm Samsung, Hyundai Motor, SK và LG, vốn chiếm 1/2 tổng giá trị của thị trường chứng khoán nước này.
Chính sách cải cách cốt lõi mà ông Moon đề ra là nhằm cho phép các cổ đông nhỏ và các thành viên ban lãnh đạo cùng tham gia công việc điều hành công ty. Ông đề xuất cho ra đời các đạo luật tăng thêm quyền cho các cổ đông nhỏ trong việc bổ nhiệm các thành viên ban lãnh đạo tập đoàn.
Các vụ bê bối và những lời kêu gọi cải cách là chuyện không mới ở Hàn Quốc. Các đây 20 năm, Hàn Quốc đã rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, bằng chứng cho thấy rõ cái bẫy của sự cộng sinh giữa chính phủ - doanh nghiệp (yếu tố từng là nền tảng tạo ra sự cất cánh của nền kinh tế quốc dân).
Chính phủ đã buộc phải nhận một khoản trợ giúp trị giá 60 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để cứu nền kinh tế. Gói cứu trợ này đòi hỏi các chaebol phải áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về kiểm toán và quản lý.
Trong những năm sau đó, nhiều ông chủ chaebol đã phải ngồi tù trong khi nhiều Tổng thống cũng phải ra đi do các bê bối tham nhũng. Nhưng rồi các tập đoàn gia đình trị lại làm ăn phát đạt khi các ông chủ này được xá tội và trở lại lãnh đạo công ty.
Các công tố viên cho biết họ phải cân nhắc các hậu quả kinh tế khi định truy tố các chủ chaebol.
>>Samsung và nền kinh tế Hàn Quốc
Dù một loạt các cuộc cải cách sau cuộc khủng hoảng tài chính 1997 - 1998 đã tạo ra nhiều thay đổi lớn trong kiểm toán và quản lý của ác tập đoàn nhưng vẫn chưa cắt đứt mối liên hệ cộng sinh giữa chính phủ với các chaebol, cũng như chưa "gỡ rối" được những ràng buộc lẫn nhau vốn quyết định một cấu trúc của các chaebol lớn như Samsung và Hyundai Motor.
Bản thân bà Park khi nhậm chức đã cam kết cải cách tập đoàn. Nhưng 4 năm sau, những cáo buộc tham nhũng, lạm quyền, ép buộc tập đoàn góp quỹ... chống lại bà Park đã cho thấy một thực tế không như mong đợi.
Câu hỏi sau cuộc bầu cử tổng thống sắp tới là cuộc cải cách lần này sẽ đi sâu đến đâu. Liệu tổng thống mới có giải quyết được cái mà mọi người chỉ trích bấy lâu nay: mạng lưới chằng chịt các cổ đông đan chéo giữa các tập đoàn mà các gia đình sáng lập nắm giữ.
Giới chuyên gia nhận định người dân Hàn Quốc ngày nay đã thay đổi thái độ đối với các tập đoàn, làm tăng cơ hội thành công của cuộc cải cách chaebol. Tuy nhiên, không thể đơn giản mong chờ đạt kết quả trong thời gian ngắn vì vai trò của các chaebol trong nền kinh tế Hàn Quốc vẫn còn quá lớn.