Muôn bề khó khăn
Chia sẻ tại hội nghị gặp gỡ DN của lãnh đạo TP.HCM mới đây, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM cho rằng, với lãi suất ngân hàng trên 10% như hiện nay, để tồn tại và duy trì hoạt động, DN đã rất cố gắng. Hàng loạt chi phí đầu vào khác đang tăng đáng kể như điện, nước, nguyên nhiên liệu... càng gây áp lực lên DN. Thậm chí, một số DN lớn trong ngành phải chuyển nhượng, hợp tác với DN, quỹ đầu tư nước ngoài. Nếu không có chính sách đồng bộ nhất quán từ Chính phủ, từ thành phố để hỗ trợ DN giảm bớt áp lực, yên tâm phát triển thì sẽ mất mát rất lớn khi xu hướng chuyển nhượng, hợp tác này ngày càng gia tăng.
Cùng tình trạng này, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean cho biết, hiện DN rất cần vay vốn ngân hàng để hoạt động nhưng quá gian nan trong việc tiếp cận. Thông thường, đầu năm, các ngân hàng thẩm định lại hồ sơ của DN để đưa ra hạn mức tín dụng. Nhưng năm nay, nhiều công ty đang bị ngân hàng đánh giá giá trị tài sản chỉ còn 50-60% so với trước đây nên hạn mức cho vay giảm mạnh.
Tương tự, DN ngành cơ khí có quy mô nhỏ và rất nhỏ nên vốn mỏng, nội lực hạn chế. Theo ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh, mặc dù lãnh đạo thành phố đã ban hành chính sách hỗ trợ giảm lãi suất vay nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp rất hạn chế.
Không chỉ vậy, đấu thầu công đang là rào cản lớn đối với DN ngành này. Theo tiêu chuẩn đấu thầu, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn G7 nhưng sản phẩm của Việt Nam không thể có tiêu chuẩn này, vì vậy để có thể "hợp thức hóa", DN trong nước buộc phải tạm xuất qua một nước lân cận, lấy xuất xứ G7 và quay trở lại trong nước để tham gia hoàn thiện hồ sơ đấu thầu. Tình trạng này kéo dài đã triệt tiêu sự phát triển của DN.
Không chỉ DN sản xuất mà các DN làm dịch vụ cũng bị bủa vây bởi khó khăn. Bà Đặng Minh Phương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP MP Logistics chia sẻ, sự sụt giảm nền kinh tế toàn cầu từ quý IV/2022 khiến việc luân chuyển hàng hóa giảm mạnh. Bên cạnh đó, biến động giá nguyên liệu cũng ảnh hưởng trực tiếp đến ngành logistics, đến các DN kinh doanh xuất nhập khẩu và ngay cả thị trường nội địa cũng bị ảnh hưởng. Đã vậy, cơ sở hạ tầng của thành phố chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, cùng với đó là tình trạng ùn tắc giao thông, các trung tâm logistics phân bổ rời rạc, dịch vụ cảng biển chưa được quan tâm đúng mức...
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Nhiều doanh nhân và chuyên gia kinh tế cho rằng, nhu cầu nhập khẩu giảm trong năm 2023 sẽ làm thu hẹp quy mô sản xuất, nhất là các ngành và sản phẩm định hướng xuất khẩu. Vì vậy, để cứu DN, cần phải triển khai đồng loạt nhiều giải pháp. Trước hết, về tín dụng cần nới rộng các điều kiện cho vay, tỷ lệ thế chấp, cầm cố tài sản vay... Cần nhanh chóng giảm lãi suất cho vay và tạo mọi điều kiện để DN có thể tiếp cận vốn ngân hàng. Vì có được nguồn lực tài chính, DN mới có thể hoạt động trong điều kiện khó khăn hiện nay.
"TP.HCM cần siết chặt vấn đề kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách thủ tục hành chính ở tất cả sở, ban, ngành, từ đó cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng chính quyền đô thị, tạo hành lang thông thoáng cho DN phát triển. Đây là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của thành phố và chỉ khi làm tốt và làm tốt hơn nữa vấn đề này mới tạo ra hiệu quả bức phá cho TP.HCM", bà Lý Kim Chi nhấn mạnh.
Vấn đề khác là một số nghị định, thông tư đang gây nhiều khó khăn cho DN, mặc dù đã được các hiệp hội và DN nhiều lần kiến nghị đến các bộ, ngành trung ương nhưng vẫn chưa hoặc kéo dài thời gian sửa đổi. Vì vậy, DN mong lãnh đạo thành phố cùng các sở, ngành phát huy hơn nữa hiệu quả các buổi tiếp xúc với DN theo từng ngành nghề để kịp thời rà soát những thủ tục bất cập, gây phiền hà và xác định những cơ quan, đơn vị nhà nước gây khó dễ đối với hoạt động của DN. Việc này cũng đồng thời để tổng hợp, kiến nghị đến Trung ương những quy định không thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương để Trung ương sớm tháo gỡ.
Để khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, DN kiến nghị lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành phải kết nối với các địa phương lân cận có lợi thế phát triển vùng nguyên liệu.