TP.HCM: Kêu gọi đầu tư, tổ chức lại khai thác thủy sản theo hướng phát triển bền vững

P.V| 24/02/2023 06:44

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định thực hiện quyết định số 1090/QĐ-TTg ngày 19/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững giai đoạn 2022-2025, định hướng 2030. Và quyết định triển khai quyết định số 1195/QĐ-BNN-TCTS ngày 4/4/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố.

Khai thác thủy sản theo hướng phát triển bền vững

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2030, có cơ cấu đội tàu, nghề khai thác và tổng sản lượng thủy sản khai thác phát triển phù hợp với hạn ngạch tàu cá và sản lượng khai thác bền vững của thành phố. Tàu cá sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong khai thác và bảo quản sản phẩm đạt 50%; tổn thất sau thu hoạch trung bình giảm xuống dưới 10%.

Đồng thời, phấn đấu thành phố có ít nhất 1 mô hình thuộc một trong những mô hình về liên kết chuỗi khai thác - thu mua - bảo quản - tiêu thụ hải sản, mô hình gắn khai thác, dịch vụ nghề cá với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tại cảng cá, làng chài, làng nghề truyền thống ven biển.

Mặt khác, duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị khai thác thủy sản bình quân đạt 1,5%/năm, thu nhập trung bình của lao động khai thác thủy sản tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020. Chấm dứt nghề khai thác hủy diệt nguồn lợi, ảnh hưởng môi trường sinh thái biển.

Bên cạnh đó, 100% thuyền trưởng tàu cá vùng khơi được tập huấn định kỳ các quy định trong nước và quốc tế về khai thác thủy sản; 60% lao động khai thác thủy sản được hướng dẫn các kỹ năng, quy trình kỹ thuật khai thác, đảm bảo an toàn trên biển.

TP.HCM tổ chức lại khai thác thủy sản theo hướng phát triển bền vững. Trong đó điều chỉnh cơ cấu nghề khai thác thủy sản phù hợp với nguồn lợi thủy sản, sản lượng cho phép khai thác trên từng ngư trường; xác định nghề khai thác cần cắt giảm, lộ trình cắt giảm và chỉ tiêu cắt giảm cho từng nghề khai thác. Tổ chức, sắp xếp lại tàu thuyền khai thác thủy sản vùng biển ven bờ và vùng lộng theo quy hoạch của ngành và của địa phương.

Đồng thời, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, xây dựng, phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với từng nghề, từng địa phương. Tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản khai thác tại thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề, phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng nghề cá ven biển phù hợp với đặc thù của địa phương góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống.

Mặt khác, tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản. Trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý tàu cá theo hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017. Tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các tàu cá “3 không” gồm: Không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm. Xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản nhất là đối với các tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU); đánh bắt sai vùng, sai tuyến.

Bên cạnh đó, thành phố đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Nâng cao hiệu quả của các cơ sở hậu cần nghề cá. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho người và tàu cá.

-9772-1677228221.png

Kêu gọi đầu tư vào phát triển nuôi biển

TP.HCM đặt mục tiêu từ năm 2025-2030, nuôi ven bờ, vùng cửa sông, phát triển diện tích mặt nước nuôi lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ là 2.477ha. Đối tượng nuôi tiếp tục nuôi cá biển, giáp xác, nhuyễn thể, rong tảo biển, sinh vật cảnh và các đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế khác.

Tầm nhìn đến năm 2045, nuôi ven bờ, vùng cửa sông, phát triển diện tích mặt nước nuôi lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ duy trì diện tích theo quy hoạch. Cùng với các ngành kinh tế khác, ngành nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành nông nghiệp của thành phố, góp phần nâng cao tổng giá trị sản xuất và sản lượng nuôi trồng thủy sản của thành phố.

TP.HCM đã khảo sát các vùng biển, ven bờ, vùng cửa sông phục vụ cho việc phát triển nuôi biển trên địa bàn TP.Thủ Đức và các huyện Nhà Bè, Cần Giờ. Đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ phát triển nuôi biển tập trung tại các vùng nuôi ven bờ, biển, vùng cửa sông trên địa bàn thành phố bao gồm: Lắp đặt hệ thống phao báo các vùng phát triển nuôi ven bờ, biển, nuôi trên sông; nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá (bến thu mua thủy sản, khu neo đậu…).

Thành phố xây dựng mô hình thí điểm tại các vùng biển, ven bờ, vùng cửa sông; xây dựng vùng nuôi nhuyễn thể đạt chứng nhận ACS, MSC, chứng nhận an toàn thực phẩm… trên cơ sở kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư tập trung vào nuôi theo mô hình công nghệ cao, công nghệ tiên tiến như vật liệu lồng nuôi, thiết bị giám sát môi trường, hệ thống cho ăn thông minh và các kỹ thuật, công nghệ có liên quan để thúc đẩy sản xuất phát triển.

Thành phố tổ chức các chuyến học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh bạn về phương pháp triển khai, thực hiện, kêu gọi đầu tư vào phát triển nuôi biển và tham quan các mô hình điểm về công nghệ nuôi biển. Ngoài ra, đào tạo nghề nuôi biển công nghiệp cho lao động phục vụ phát triển nuôi biển trên địa bàn tỉnh. Xúc tiến thương mại các sản phẩm thủy sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM: Kêu gọi đầu tư, tổ chức lại khai thác thủy sản theo hướng phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO