Cách đối phó với đồng nghiệp có tâm lý hơn thua

P.V| 13/09/2018 07:00

Môi trường công sở là một cuộc chạy đua marathon giữa các nhân viên. Dù muốn hay không, vẫn có những cá nhân mang tâm lí cạnh tranh quyết ăn “thua đủ” với đồng nghiệp nơi làm việc.

Cách đối phó với đồng nghiệp có tâm lý hơn thua

Luôn sẵn sàng giúp đỡ 

Thoạt nghe có vẻ “ngược đời” nhưng việc bạn chủ động đưa tay giúp đỡ các đồng nghiệp khi họ gặp khó khăn lại là một cách tuyệt vời để gây ấn tượng với họ. Ngay cả khi đó không phải nhiệm vụ của bạn, hãy cứ sẵn lòng góp tay giúp họ hoàn thành công việc.

Bằng cách này, bạn sẽ trở thành nhân vật năng động mà ai cũng muốn hợp tác. Không chỉ thế, điều này còn mở ra nhiều cơ hội thăng tiến hoặc làm việc ở nhiều dự án, phòng ban khác nhau.

Từ đó, bạn sẽ ghi điểm trong mắt đồng nghiệp và cả các sếp như một hình mẫu nhân viên tận tụy cống hiến.

Trở thành người dẫn đầu

Cách nhanh nhất để các đồng nghiệp thích hơn thua thừa nhận năng lực của bạn đó là vươn lên trở thành người lãnh đạo dự án. Đây chính là thời điểm lý tưởng nhất để bạn chứng tỏ khả năng của mình, khiến đồng nghiệp phải “tâm phục khẩu phục”.

Đừng ngại bản thân không đủ năng lực đảm nhận, điều này chỉ càng làm các đồng nghiệp muốn “lật đổ” bạn hơn. Trở thành người dẫn đầu sẽ giúp bạn trưởng thành hơn và tạo dựng được lòng tin trong mắt mọi người.

Xây dựng mạng lưới quan hệ rộng lớn

Đồng nghiệp “xấu tính” sẽ chẳng có cơ hội nào để cạnh tranh với bạn khi xung quanh bạn là sự ủng hộ vững chắc của mọi người. Việc tích cực mở rộng các mối quan hệ với đồng nghiệp trong công ty, lãnh đạo và thậm chí là cả khách hàng sẽ giúp bạn tạo dựng điểm tựa nhân lực hùng mạnh trong cuộc “chạy đua” thăng tiến.

Vì vậy, từ bây giờ, hãy bắt đầu xây dựng một hình ảnh chuyên nghiệp và kỹ năng giao tiếp khéo léo để linh hoạt trong bất kỳ tình huống nào. Có như vậy mới giúp bạn vượt trội hẳn so với các đồng nghiệp khác trong môi trường đầy cạnh tranh.

Tập trung vào mục tiêu tập thể

Có một sai lầm mà hầu hết những cá nhân có tâm lý hơn thua trong công sở thường hay mắc phải: Họ thường chạy đua theo thành tích cá nhân thay vì tập trung vào mục tiêu lớn của tập thể.

Do đó, hãy trở nên khôn ngoan hơn bằng cách xác định các kết quả cần đạt được cho công ty. Sau đó, bạn mới cần xác định xem mình có thể làm gì để có được các kết quả này.

Đừng vội vàng ôm đồm quá nhiều công việc vào người chỉ để thể hiện trước các sếp. Thay vào đó, bạn có thể san sẻ bớt cho các đồng nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực này, để tập trung sức lực cho dự án bạn theo đuổi. Các sếp sẽ đánh giá cao tầm nhìn và cách sử dụng nhân lực của bạn.

Thảo luận trực tiếp

Đừng phớt lờ mọi thứ khi có mâu thuẫn xảy ra. Hãy sắp xếp một cuộc thảo luận với đồng nghiệp để giải quyết mọi mâu thuẫn hoặc vấn đề cá nhân.

Việc ngồi xuống trò chuyện và hàn gắn tình cảm sẽ tránh được tình trạng bạn bị đồng nghiệp “ngán đường” trong công việc sau này. Ngoài ra, đó còn là quy tắc làm việc giúp mọi người thông hiểu và hợp tác với nhau tốt hơn.

Cùng nhau tiến về phía trước sẽ tốt hơn là cạnh tranh và đấu đá “một mất một còn” trong môi trường công sở.

Sử dụng thời gian linh hoạt

Thay vì ngồi than thở, kể lể với sếp, nói xấu với các đồng nghiệp khác về việc bạn bị dồn ép hoặc cạnh tranh áp lực như thế nào, hãy tận dụng khoảng thời gian để nâng cao kĩ năng làm việc của mình.

Mỗi người đều có 24h như nhau nhưng quan trọng ở cách họ sử dụng như thế nào. Hãy bắt đầu học cách tận dụng quỹ thời gian chết, đăng ký các chương trình đào tạo, học hỏi các tiền bối trong công ty để nâng cao hiệu suất cho bản thân. 

Khi năng lực của bạn vượt trội hơn hẳn, dù muốn hay không, các đồng nghiệp thích hơn thua cũng phải chịu “lép vế”.

(Theo HRInsider)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cách đối phó với đồng nghiệp có tâm lý hơn thua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO