Các xu hướng đó bao gồm: tăng chi phí lao động; giảm chi phí công nghệ; xu hướng tiêu dùng với nhu cầu ngày càng cao; tăng chi phí đất đai, xây dựng, hàng tồn kho; các quy định của chính phủ ngày càng thắt chặt; và sự phát triển của các bên thứ ba cung cấp dịch vụ logistics.
Tăng chi phí lao động. Năm 1995, công nhân làm ở các kho trên thế giới trung bình kiếm được khoảng 15 USD/giờ, hiện nay một công nhân cũng làm ở kho kiếm được hơn 20 USD/giờ, tăng tới 40%. Cũng cần phải xem xét đến những yếu tố khác ảnh hưởng đến tiền lương như cấp bậc của công việc và mức độ khan hiếm của kỹ năng chuyên môn cần thiết.
Giảm chi phí công nghệ. Quá trình toàn cầu hóa được gia tăng một cách ổn định đã dẫn đến những thay đổi đáng kể trong áp lực cạnh tranh và mang đến những lựa chọn phong phú hơn cho người tiêu dùng, từ đó tạo nên mức giá cả ngày càng hợp lý hơn. Nhiều tập đoàn, công ty đã thực hiện chiến lược giảm chi phí cùng với nỗ lực lấy lại lợi nhuận.
Điều này dẫn đến một loạt hành động rà soát, kiểm tra lại những thiết kế tiêu chuẩn và việc sử dụng công nghệ để giảm thiểu chi phí không cần thiết bằng cách giới thiệu và áp dụng các phương pháp mới, ví dụ như Lean Manufacturing (tinh gọn trong sản xuất). Ngay như trong ngành công nghiệp robot, Colin Wells từ Robotic Automation cho biết trong 10 năm qua, giá đã giảm 30% trong khi tải trọng tăng 60% so với cùng thời kỳ.
Xu hướng tiêu dùng với nhu cầu ngày càng cao. Hiện nay độ tuổi trung bình là 35, đến năm 2020 sẽ là 45. Chúng ta có dân số già, đang làm việc lâu hơn với thu nhập khả dụng cao hơn, và được khuyến khích để có cuộc sống khỏe mạnh, năng động hơn. Chi tiêu cho sức khỏe vì vậy gia tăng, dẫn đến tập trung nhiều hơn vào thực phẩm sạch, tươi sống và các sản phẩm tương tự. Từ đó sẽ gia tăng những dịch vụ liên quan trong chuỗi cung ứng.
Ở cán cân còn lại, chúng ta có một thế hệ với tên gọi "the eco boomer", là con cái của thế hệ "the baby boomer". Họ sinh ra trong khoảng năm 1982 - 1995, những người này đã có ảnh hưởng đáng kể lên toàn bộ các phân khúc trong nền kinh tế. Họ tiêu tiền của họ và cha mẹ họ. Thế nhưng thứ họ muốn là gì? Họ là những người đầu tiên lớn lên với máy tính ở nhà, truyền hình cáp nhiều kênh, điện thoại di động, tải nhạc và tin nhắn với tốc độ cao. Đó là một thế hệ luôn được tiếp cận dữ liệu và công nghệ mới nhất.
Tăng chi phí đất đai, xây dựng và hàng tồn kho. Có ba yếu tố phổ biến cần được xem xét trong một trung tâm phân phối: đơn vị hàng hóa lưu kho (SKU), hàng tồn kho và đơn đặt hàng. Sự lựa chọn và lối sống của người tiêu dùng sẽ thúc đẩy sự gia tăng của các sản phẩm, do đó các trung tâm phân phối và các nhà bán lẻ sẽ cần phải quản lý một lượng SKU tăng lên.
Cùng với chi phí đất đai và xây dựng đang tăng lên, không gian có sẵn dành cho bất kỳ SKU nào cũng sẽ giảm đi tại các trung tâm phân phối hay nhà bán lẻ. Đối với các nhà quản lý tài chính và kế toán, đừng quên tính toán để giảm tối đa mức tồn kho. Vì vậy, mặc dù có nhiều hơn các SKU nhưng chúng ta cần giữ mỗi SKU ở số lượng vừa phải trong quản trị chuỗi cung ứng.
Thắt chặt các quy định. Quy định của chính phủ ảnh hưởng nhiều nhất đến quản trị chuỗi cung ứng chính là về sức khỏe và an toàn lao động. Trên khắp thế giới, vấn đề sức khỏe và an toàn lao động (OH&S) đang ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng đến thiết kế và cơ cấu hạ tầng, từ nhà máy đến sân bay. Các trung tâm phân phối đang là mục tiêu được nhắm tới tại châu Âu và các quốc gia.
Sự phát triển của các bên thứ ba cung cấp dịch vụ logistics. Các nhà cung cấp dịch vụ logistics, chủ yếu dưới hình thức các nhà cung cấp bên thứ ba (3PL), đã trở thành một phần không thể thiếu trong nhiều chuỗi cung ứng. Khi áp lực cạnh tranh gia tăng, những công ty 3PL ngày càng có mối liên hệ chặt chẽ với khách hàng.
3PL đạt được điều này nhờ đã xây dựng các chiến lược liên minh và quan hệ đối tác với các nhà cung cấp dịch vụ bổ sung khác nhằm nâng cao chất lượng tổng thể của dịch vụ. Các nhà cung cấp dịch vụ logistics tích hợp, cung cấp các dịch vụ tích hợp vượt xa chức năng vận chuyển và kho bãi cơ bản.
(*) Tác giả là Tổng giám đốc CEL Consulting