Để tạo sự khác biệt, các nơi này thiết kế nhà hàng buffet với phong cách riêng, như món cuốn đủ loại, món ăn ba miền, món ăn “chân quê”, ẩm thực thời khẩn hoang Nam Bộ, món ngon miền biển, món nướng...
Được ưa thích, tiện lợi như vậy mà lại xảy ra “mâu thuẫn” giữa người bán và người mua, đơn giản vì nó nằm ở chuyện nhà hàng thu phí cố định còn khách hàng ăn đến khi nào chán thì thôi.
Nhiều người thường có “mắt to hơn bụng”, nên mỗi lần lấy một đĩa to đùng đồ ăn. Lần đầu ăn hết, mấy lần sau thấy vẫn còn nhiều thức ăn ngon, tiếp tục lấy đầy đĩa thì bụng không còn sức chứa, thế là bỏ thừa mứa. Chưa kể, nhiều người thấy món ngon là cố lấy bằng hết, không cần quan tâm đến người sau.
Tính đa dạng món ăn đã giúp nhà hàng khỏa lấp được những thiệt hại do thực khách gây ra.
Cho dù với đa dạng chủ đề buffet như kể trên thì các món tinh bột, nặng bụng cũng được dọn ra nhiều hơn. Đây là những món ăn vặt khá ngon miệng nên nếu thực khách lỡ ăn quá đà thì không thể nào nạp các món khác. Hay “thủ thuật” mang ra rất hạn chế hoặc bắt thực khách chờ đợi những món ăn đắt tiền nhưng vẫn đảm bảo khách không thể nhận ra mình đang bị buộc phải ăn món khác để khỏi mất công chờ đợi.
Gần đây, tại nhà hàng buffet TC chuyên phục vụ buffet lẩu nướng đã treo tấm biển “Xin quý khách sử dụng hết thức ăn đã lấy. Thức ăn thừa vui lòng thanh toán thêm 200.000 đồng”. Chưa thấy “phạt” ai nhưng chính quy định này cũng đã làm “chùn tay” những thực khách có “mắt to hơn bụng”.