Bóng đá Đông Nam Á sẽ đổi vận với "huấn luyện viên World Cup"?

ĐĂNG KHOA| 24/11/2018 07:00

AFF Cup 2018 chứng kiến cuộc đấu trí hấp dẫn trên băng ghế huấn luyện với những tên tuổi từng có rất nhiều kinh nghiệm ở sân chơi đẳng cấp nhất - World Cup.

Bóng đá Đông Nam Á sẽ đổi vận với

HLV Sven-Goran Eriksson giúp Philippines có 2 trận toàn thắng tại vòng bảng AFF Cup trước Singapore và Timor-Leste. Ảnh: AFF Cup

Trước thềm AFF Cup 2018, đội tuyển Philippines gây sốc cho cả khu vực khi công bố Sven-Goran Eriksson trở thành huấn luyện viên (HLV) trưởng đội tuyển nước này. Thời hạn của bản hợp đồng chỉ có 6 tháng, nhưng nó giúp cụ thể hóa tham vọng rất lớn của Hiệp hội Bóng đá Philippines.

Đội bóng này đặt mục tiêu vô địch AFF Cup 2018, đồng thời chơi tốt tại Cúp bóng đá châu Á (Asian Cup) 2019 - giải đấu lần đầu tiên họ góp mặt. Ở tuổi 70, Sven-Goran Eriksson có kinh nghiệm bóng đá phong phú bởi đã làm việc ở hầu hết các châu lục.

Trong số những HLV đang cầm quân tại AFF Cup 2018, chiến lược gia người Thụy Điển này có "sơ yếu lý lịch" đẹp nhất: ông đã dẫn dắt tuyển Anh vào tứ kết World Cup 2 lần (năm 2002, 2006) và 1 lần vào tứ kết EURO năm 2004. Đến năm 2010, ông tiếp tục dẫn dắt đội tuyển Bờ Biển Ngà dự World Cup trên đất Nam Phi.

Philippines trong khi đó vốn rất mạnh ở môn bóng rổ và quyền Anh, bóng đá chỉ phát triển mạnh mẽ gần một thập kỷ nay. Chính sách sử dụng cầu thủ là người gốc Philippines đang thi đấu ở châu Âu đã đem lại hiệu quả tức thì. Từ chỗ là đội "lót đường" ở Đông Nam Á, Azkals (biệt danh của đội) đã trở thành một thế lực của khu vực.

Sven-Goran Eriksson được kỳ vọng sẽ tạo nên sức bật đưa bóng đá Philippines lên tầm cao mới, khẳng định đẳng cấp của một đội bóng lớn. Họ cần chức vô địch AFF Cup 2018 và cú hích tại Asian Cup để làm bệ phóng cho tương lai.
Có cơ sở để tin rằng Eriksson không chọn về với tuyển Philippines chỉ vì tiền (dù lương ông cao nhất ở Đông Nam Á với mức 80.000 USD/tháng). Việc đội bóng này có nhiều cầu thủ gốc châu Âu, phong cách giống châu Âu và có tham vọng cao đã thuyết phục được ông.

Link bài viết

Cũng như quốc gia láng giềng, bóng đá Thái Lan đã mạnh dạn chia tay ông Kiatisak - một "tượng đài" khi còn là cầu thủ, để đặt niềm tin vào Milovan Rajevac - chiến lược gia từng giúp Ghana vào tứ kết World Cup 2010. Với người Thái, sân chơi ở Đông Nam Á giờ chẳng khó để họ chinh phục.

Người Thái đã vô địch 2 kỳ AFF Cup, 3 kỳ SEA Games gần nhất, nhưng bước ra châu lục, họ vẫn không cạnh tranh nổi với Iraq, Qatar chứ chưa nói đến Nhật Bản, Hàn Quốc hay Iran. "Lọt vào tốp đầu châu lục, giành vé dự World Cup 2022" là nhiệm vụ được đặt ra cho Rajevac.

Tuyển Việt Nam không dùng HLV World Cup mà dùng trợ lý. HLV Park Hang-seo từng đảm nhận vai trò này, trợ giúp Guus Hiddink để cùng tuyển Hàn Quốc vào bán kết World Cup 2002. Kết quả bước đầu chiến lược gia người Hàn Quốc mang lại vượt xa mọi kỳ vọng: ông đưa đội nhà giành vé dự vòng chung kết Asian Cup 2019, cùng đội U23 Việt Nam giành ngôi á quân châu Á và đưa đội Olympic đến bán kết. HLV Park Hang-seo khiến cả châu lục nhìn bóng đá Việt Nam với ánh mắt đầy ngưỡng mộ.

Trong quá khứ, việc sử dụng HLV từng dự World Cup hay cựu cầu thủ đã tham gia sân chơi này là chuyện không hiếm ở Đông Nam Á. Thái Lan từng có Bryan Robson, Peter Reid; Philippines có Thomas Dooley; kể cả đội "lót đường" như Timor-Leste cũng đặt niềm tin vào cựu cầu thủ vô địch World Cup 1970 Clodoaldo... Tuy nhiên, họ đều thất bại thảm hại.

Những gì Park Hang-seo, Eriksson hay Rajevac đang làm đều rất hứa hẹn. Nhiều người tin họ sẽ giúp Việt Nam, Philippines hay Thái Lan bước lên tầm cao mới, xóa bỏ mác đội "lót đường" khi bước ra châu lục. Xa hơn, đó là tiền đề để bóng đá Đông Nam Á nghĩ đến chiếc vé dự World Cup, điều vốn chẳng xa lạ gì với 3 chiến lược gia trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bóng đá Đông Nam Á sẽ đổi vận với "huấn luyện viên World Cup"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO