Kế hoạch đào tạo này là sự tiếp nối Đề án 165, được Bộ Chính trị phê duyệt vào tháng 6/2008, nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Gần hai thập kỷ vừa qua, cử cán bộ đi nước ngoài học tập chính là một chính sách then chốt trong tiến trình hiện đại hóa công tác cán bộ ở nước ta.
Học cái khác và mới
Đào tạo cán bộ ở nước ngoài, đặc biệt là các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn với cán bộ lãnh đạo, quản lý là chủ trương đúng đắn. Những chuyến du học ngắn hạn sẽ giúp cán bộ các cấp trực tiếp tiếp xúc và trải nghiệm với thực tế quốc tế đa dạng. Những bài học thu được không chỉ là kiến thức lý luận, mà quan trọng hơn là những ví dụ thực tế mà mỗi học viên đã chứng kiến trong những bối cảnh khác nhau. Bản thân mỗi học viên sẽ có những suy ngẫm về cái hay, cái đúng và khả năng áp dụng vào bối cảnh cụ thể ở trong nước.
Đoàn bồi dưỡng cán bộ, chương trình 165, tại đại học Portland State, Mỹ, năm 2012 |
Nhìn rộng ra, thành công của các quốc gia khu vực Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… đều cho thấy dấu ấn từ sự du nhập và áp dụng những bài học canh tân đất nước. Với Nhật Bản, Singapore là vai trò chủ chốt của các nhà lãnh đạo, quản lý hành chính kỹ trị. Với Trung Quốc, Hàn Quốc thì giấc mơ luôn thường trực trong tâm trí các nhà lãnh đạo, quản lý là đưa đất nước thoát nghèo, trở nên hùng cường, sánh vai cùng các quốc gia lân bang và cạnh tranh trên trường quốc tế.
Bài học thành công từ các quốc gia trong khu vực là không giống nhau. Tuy nhiên, điểm chung trong sự phát triển của các nước Á châu từ cuối thế kỷ XIX đến nay chính là tinh thần tiếp thu cái mới, cái khác biệt và áp dụng linh hoạt vào bối cảnh cụ thể ở nước mình. Ngược lại, tư tưởng và thái độ kỳ thị, thậm chí quay lưng với những cái mới, cái khác biệt tạo nên thành công ở nước khác thì sẽ dẫn đến sự trì trệ, chậm phát triển ở nước mình.
Những đoàn học viên hỗn hợp
Bản thân tôi là người đã từng trực tiếp hỗ trợ và phục vụ các đoàn cán bộ được cử đi bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài, trong đó có đoàn thuộc chương trình 165 đến Mỹ. Điểm ấn tượng đầu tiên chính là tinh thần cầu thị, muốn khám phá và học hỏi cái mới của tất cả thành viên trong mỗi đoàn. Ấn tượng thứ hai là sự coi trọng và tôn trọng từ phía đối tác trong việc chuẩn bị các điều kiện học tập để phục vụ các đoàn cán bộ, mà họ biết là đang và sẽ là những người có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của Việt Nam.
Tuy nhiên, sự đa dạng về thành phần tham gia các đoàn được cử đi cũng có ảnh hưởng nhất định đến chương trình và chất lượng khóa học. Thực tế trải nghiệm với những đoàn mà tôi đã phục vụ thì cán bộ có thể đến từ cơ quan trung ương hoặc địa phương, nhiều lĩnh vực khác nhau, không phân biệt giữa cán bộ chính trị (Đảng), cán bộ hoạch định và thực thi chính sách (Quốc hội, Chính phủ), hay cán bộ đoàn thể (Đoàn, hội).
Các đoàn cũng có sự chênh lệch đáng kể về độ tuổi, giới tính. Trong khi tỷ lệ nữ tham gia còn ít thì vẫn có những nam học viên được cử đi khi mà số năm công tác còn lại không nhiều, thậm chí không đến một nhiệm kỳ.
Sự đa dạng về thành viên của các đoàn được cử đi khiến công tác chuẩn bị nội dung và địa điểm học tập gặp nhiều thách thức. Thực tế, các giáo sư ở Mỹ cũng đã trao đổi với những người như chúng tôi về mối quan tâm của học viên và làm thế nào để có thể phục vụ hiệu quả nhất, chính xác nhất nhu cầu học tập của học viên.
Đây là câu hỏi rất khó trả lời thấu đáo. Do đó, các bài thuyết trình đều được chuẩn bị khá khái quát về các chủ đề lãnh đạo, quản lý chung chung. Các buổi đi thực tế cũng khó chọn điểm nhấn nên dễ trở thành các chuyến tham quan, dã ngoại vui vẻ nhưng ít thứ có thể học hỏi.
Với các chuyến bồi dưỡng ngắn và trung hạn, tâm lý người học nói chung đều thoải mái và không chịu áp lực như các chương trình đào tạo dài hạn trong các trường đại học. Bởi thế, tôi thấy học viên chủ yếu muốn được nghe, hỏi đáp, và có thảo luận. Tuy nhiên, những câu hỏi và ý kiến thảo luận đều rất mở, không thấy sự tập trung vào mối quan tâm nào cụ thể. Thực tế này rất có thể bắt nguồn từ những yêu cầu còn lỏng lẻo về báo cáo kết quả học tập cũng như các hình thức đánh giá chất lượng khóa học.
Tác giả phiên dịch cho học viên chương trình 165 |
Cần quy định nghiêm khắc về đánh giá kết quả khóa học
Tham quan, mua sắm là hoạt động không thể thiếu với những cán bộ được cử đi học ở nước ngoài, đặc biệt là các chuyến bồi dưỡng ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu không được tổ chức chặt chẽ cùng những quy định nghiêm khắc về đánh giá kết quả khóa học thì những đoàn cán bộ đi du học ngắn hạn rất dễ bị biến thành những đoàn lữ hành, ngao du phố phường, danh thắng, và mua sắm, còn nhiệm vụ học tập thì vui là chính.
Cần giảm thiểu sự đa dạng về thành viên để tạo bản sắc cho mỗi đoàn được cử đi học. Đó có thể là những đoàn chỉ gồm ủy viên Trung ương, quy hoạch ủy viên trung ương, lãnh đạo, quản lý đương chức hoặc quy hoạch lãnh đạo, quản lý các cấp.
Các đoàn cũng nên tổ chức theo khối, chẳng hạn khối Đảng thì chú trọng các vấn đề lãnh đạo, khối Chính phủ và Quốc hội thì đặt trọng tâm là hoạch định và thực thi chính sách, và khối hội, đoàn thể thì quan tâm đến công tác vận động xã hội. Với mỗi khối thì cũng nên tổ chức các đoàn theo các chủ đề quan tâm nhất, ví dụ như công tác tổ chức Đảng cầm quyền, quy trình hoạch định và thực thi chính sách, hay các chủ đề chính sách cụ thể.
Bản sắc mỗi đoàn sẽ giúp các đối tác thuận lợi hơn trong việc tổ chức khóa học, bố cục các chuyên đề trình bày, lựa chọn địa điểm tham quan, và sự trao đổi, thảo luận của học viên cũng đạt chất lượng cao hơn. Khi nhu cầu học tập của học viên được đáp ứng chính xác thì họ sẽ có nhiều khả năng hơn để áp dụng các bài học vào thực tế làm việc tại cơ quan, đơn vị. Phía cơ quan tổ chức và quản lý các đoàn cũng dễ dàng hơn trong việc thiết kế các mục tiêu, nhiệm vụ, và hình thức đánh giá kết quả khóa học.
Cơ quan cử đoàn đi cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chương trình học, trao đổi chi tiết với phía đối tác về thành phần học viên, mục đích của chương trình, nội dung chi tiết từng chuyên đề, lịch trình tham quan thực tế, và hình thức đánh giá kết quả khóa học. Bản kế hoạch càng chi tiết và rõ ràng bao nhiêu thì càng hữu ích cho phía đối tác chuẩn bị và tạo sức ép cho học viên tham gia.
Người phiên dịch giữ vai trò đặc biệt quan trọng với khả năng thành công của các đoàn bồi dưỡng ngắn hạn. Cán bộ phiên dịch không chỉ cần giỏi ngoại ngữ mà còn phải là những người có kinh nghiệm, trải nghiệm quốc tế, nhất là tại nước mà đoàn được cử đến, để có thể linh hoạt ứng xử tình huống. Kiến thức chuyên môn phù hợp với chủ đề học tập cũng là yêu cầu thiết yếu để đảm bảo chất lượng phiên dịch các nội dung về chính trị, chính sách, lãnh đạo và quản lý.
(Theo Vietnamnet)