Sự kiện lãnh đạo nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc ra tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh ở Tokyo đã thu hút sự chú ý của toàn cầu. Theo đó, nhóm cam kết hợp tác giám sát các vùng biển và lên kế hoạch đầu tư 50 tỷ USD phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Gia tăng sức ảnh hưởng
Cụ thể, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tân Thủ tướng Úc Anthony Albanese tuyên bố các biện pháp mới nhất mà nhóm Bộ Tứ đưa ra trong tuyên bố chung, nhằm thể hiện cam kết mang lại những lợi ích thực chất cho khu vực giữa bối cảnh toàn cầu nảy sinh nhiều thách thức sâu rộng.
Ngoài ra, nhóm còn cam kết nỗ lực giúp đỡ các nước ứng phó với vấn đề nợ theo khuôn khổ chung G20, đồng thời thúc đẩy tính minh bạch và bền vững trong các khoản nợ. Theo giới quan sát, những động thái này dường như nhằm vào sáng kiến vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc, vốn thường bị cáo buộc tạo ra bẫy nợ và xây dựng cơ sở hạ tầng không bền vững.
Bộ Tứ cũng tiếp tục lặp lại quan điểm về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định và hòa bình.
Dù không nhắc trực tiếp đến Trung Quốc, nhưng có thể thấy những tuyên bố và các sáng kiến mới được đưa ra tại hội nghị đều nhằm định vị Bộ Tứ trước nỗ lực tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực. Thực tế để ứng phó với những quan ngại đó, Bộ Tứ đã công bố Hiệp định đối tác Ấn Độ - Thái Bình Dương về nhận thức miền hàng hải (IPMDA).
Theo đó, IPMDA sẽ sử dụng công nghệ vệ tinh để kết nối các trung tâm giám sát hiện có và tạo ra một hệ thống theo dõi hoạt động đánh bắt bất hợp pháp từ Ấn Độ Dương tới Đông Nam Á và các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương. Nó sẽ theo dõi chặt chẽ cả tàu thuyền cố tình tắt bộ phát đáp nhằm tránh bị phát hiện. IPMDA đồng thời cung cấp cho các đối tác trong khu vực những công cụ cần thiết để tiến hành cứu hộ trên biển.
Triển vọng đến đâu?
Đây là bước đi tiếp theo được kỳ vọng sẽ thắt chặt hơn mối quan hệ và hợp tác của 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Được thành lập vào tháng 1/2004, khi xảy ra động đất ở Indonesia, kéo theo những đợt sóng thần dọc bờ biển phía Đông Ấn Độ, khiến khoảng 230.000 người thiệt mạng, 4 nước này đã cùng nhau sát cánh triển khai các hoạt động cứu trợ. Ba năm sau, 4 nước đã thành lập Đối thoại An ninh Tứ giác, nhằm để ứng phó sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Động thái đầu tiên của Bộ Tứ là tiến hành cuộc diễn tập hải quân chung trên cơ sở tập trận song phương Malabar giữa Mỹ và Ấn Độ. Tuy nhiên, từ đó trở đi hoạt động của nhóm này rất mờ nhạt. Năm 2008, thủ tướng Úc Kevin Rudd quyết định rút khỏi Bộ Tứ vì không muốn nước này là thành viên của một nhóm "công khai thách thức Trung Quốc". Bắc Kinh vốn là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Canberra thời điểm đó.
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2020, lúc quan hệ giữa các thành viên với Trung Quốc xấu đi, sau các vụ đụng độ ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc năm 2020 và căng thẳng ngoại giao, thương mại giữa Úc - Trung Quốc gia tăng, cộng thêm việc Trung Quốc quyết liệt xây dựng các mạng lưới khu vực và phô trương sức mạnh quân sự, đặc biệt ở Biển Đông, Úc sau đó cũng đã quay lại nhóm.
Đến tháng 9 năm ngoái, lãnh đạo nhóm Bộ Tứ đã có cuộc gặp trực tiếp lần đầu tiên tại Nhà Trắng dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Sau cuộc gặp, các bên đã ra tuyên bố chung khẳng định quan hệ đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nền tảng cho an ninh và thịnh vượng chung. Lãnh đạo nhóm Bộ Tứ cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN và tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của ASEAN và hoan nghênh chiến lược hợp tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Liên minh châu Âu.
Vào tháng 2 đầu năm nay, ngoại trưởng 4 nước tiếp tục tổ chức hội nghị tại Melbourne, động thái nhằm củng cố Bộ Tứ. Ngoài hợp tác quốc phòng, các quan chức Bộ Tứ đều cho rằng nhóm này cần tăng năng lực trong các lĩnh vực khác, gia tăng "quyền lực mềm" đối trọng với Trung Quốc, được thể hiện rõ qua đại dịch Covid-19 khi cam kết phân phối hàng tỷ liều vaccine cho các nước trong khu vực. Bộ Tứ được cho là còn hướng tới các mục tiêu khác như ứng phó hiện tượng nóng lên toàn cầu và xây dựng cơ sở hạ tầng Internet, công nghệ thông tin an toàn hơn.
Ngoài ra, việc Ấn Độ duy trì quan điểm thận trọng trong mối quan hệ với Trung Quốc thậm chí làm dấy lên câu hỏi liệu có khả năng Hàn Quốc được lựa chọn thêm vào QUAD hoặc thay thế Ấn Độ.