Thời sự

Bộ Thông tin và Truyền thông và VCCI cùng thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp

Nhật Hưng 31/07/2024 - 17:06

Chiều 30/7, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy đầu tư và thương mại các sản phẩm công nghệ số "Make in Viet Nam". Thỏa thuận này nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số trong giai đoạn 2024-2026, với tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đóng vai trò tư vấn và hỗ trợ VCCI trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch và chương trình chuyển đổi số. Ngược lại, VCCI sẽ đưa ra các giải pháp, xây dựng môi trường thuận lợi và đề xuất các chính sách hỗ trợ thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Chú thích ảnh
Lễ ký kết hợp tác giữa Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công

Hai bên cùng triển khai tuyên truyền, điều tra, khảo sát nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu. Trong đó, lựa chọn, đặt hàng 10 sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ số tiêu biểu trong 10 lĩnh vực để thí điểm chuyển đổi số tại VCCI và doanh nghiệp hội viên, từ đó, đánh giá, nhân rộng sản phẩm, mang lại hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp...

Hai bên cùng phối hợp, hỗ trợ phát triển thị trường, đầu tư ra thị trường nước ngoài cho sản phẩm công nghệ số, như đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ở nước ngoài; kết nối và giới thiệu đối tác thương mại…

Trong khuôn khổ sự kiện, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác, đồng hành thúc đẩy chuyển đổi số với Viettel, VNPT, MobiFone, FPT, CMC, Misa.

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp và cơ quan của VCCI ký thỏa thuận hợp tác dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và VCCI.

Phát biểu tại lễ ký kết, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh: “Sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia theo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, điều này cũng góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp được nêu trong Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là một trong những nhóm doanh nghiệp trọng yếu cần được thúc đẩy và hỗ trợ trong bối cảnh toàn quốc đang tiến hành chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số”.

Lễ ký kết này đánh dấu sự khởi đầu của mối hợp tác chặt chẽ giữa hai cơ quan trong việc hỗ trợ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Thỏa thuận ký kết lần này cũng nhằm thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao cho VCCI và Bộ Thông tin và Truyền thông theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/1/2020 về việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Theo Chỉ thị này, VCCI cùng các hội và hiệp hội nghề nghiệp sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng đề án tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp công nghệ số; nghiên cứu và đánh giá môi trường phát triển doanh nghiệp công nghệ số hằng năm; đẩy mạnh phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”, chú trọng đến các sản phẩm, giải pháp và dịch vụ của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết thêm: “VCCI sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công Thương trong việc tuyên dương các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiêu biểu, thực hiện tốt chiến lược 'Make in Viet Nam', cũng như tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá thương mại, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khẳng định, việc ký kết hợp tác với VCCI có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số.

Trước đó, ngày 7/11/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Đề án xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số.

Việc ban hành và triển khai áp dụng Bộ chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp gồm 3 chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn và tập đoàn, tổng công ty đều được cấu trúc theo 6 trụ cột gồm: Trải nghiệm số cho khách hàng; chiến lược; hạ tầng và công nghệ số; vận hành; chuyển đổi số văn hóa doanh nghiệp; dữ liệu và tài sản thông tin.

Cụ thể, mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp được chia thành các cấp độ như sau:

a) Mức 0 - Chưa chuyển đổi số: Doanh nghiệp hầu như chưa có hoạt động nào hoặc có nhưng không đáng kể các hoạt động chuyển đổi số;

b) Mức 1 - Khởi động: Doanh nghiệp đã có một số hoạt động ở mức độ khởi động việc chuyển đổi số của doanh nghiệp;

c) Mức 2 - Bắt đầu: Doanh nghiệp đã nhận thức được sự quan trọng của chuyển đổi số theo các trụ cột và bắt đầu có các hoạt động chuyển đổi số doanh nghiệp trong từng trụ cột của chuyển đổi số. Chuyển đổi số bắt đầu đem lại lợi ích trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như trải nghiệm của khách hàng;

d) Mức 3 - Hình thành: Việc chuyển đổi số doanh nghiệp đã cơ bản được hình thành theo các trụ cột ở các bộ phận, đem lại lợi ích và hiệu quả thiết thực cho các hoạt động của doanh nghiệp cũng như trải nghiệm của khách hàng. Doanh nghiệp bắt đầu hình thành doanh nghiệp số;

đ) Mức 4 - Nâng cao: Chuyển đổi số của doanh nghiệp được nâng cao một bước. Nền tảng số, công nghệ số, dữ liệu số giúp tối ưu nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và trải nghiệm khách hàng. Doanh nghiệp đạt chuyển đổi số mức 4 cơ bản trở thành doanh nghiệp số với một số mô thức kinh doanh chính dựa trên nền tảng số và dữ liệu số;

e) Mức 5 - Dẫn dắt: Doanh nghiệp thực sự trở thành doanh nghiệp số với hầu hết phương thức kinh doanh, mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên và được dẫn dắt bởi nền tảng số và dữ liệu số. Doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt chuyển đổi số, tạo lập hệ sinh thái doanh nghiệp số vệ tinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bộ Thông tin và Truyền thông và VCCI cùng thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO