Bộ Tài chính đề xuất xây dựng Nghị định mới về quản lý ODA để thúc đẩy giải ngân

Nam Phương| 16/09/2019 06:00

Tình hình giải ngân vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trong một số năm gần đây và năm 2019 là rất chậm. Đến 31/8/2019 mới giải ngân được 6.480 tỷ đồng, chỉ đạt 10,7% kế hoạch vốn do Quốc hội giao (60.000 tỷ đồng).

Bộ Tài chính đề xuất xây dựng Nghị định mới về quản lý ODA để thúc đẩy giải ngân

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị trực tuyến “Tiếp tục thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài năm 2019” do Bộ Tài chính tổ chức mới đây cho rằng: tình hình giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trong một số năm gần đầy và năm 2019 là rất chậm. Theo báo cáo của các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước 8 tháng năm 2019 là 161.286,316 tỷ đồng, đạt 37,92% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 41,39 so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, cập nhật đến 31/8/2019 mới giải ngân được 6.480 tỷ đồng, chỉ đạt 10,7% kế hoạch vốn do Quốc hội giao (60.000 tỷ đồng) và 15,7% kế hoạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo (40.735 tỷ đồng).

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, nguyên nhân của việc giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi chậm thời gian qua chủ yếu tập trung vào các nhóm vấn đề: vướng mắc trong giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn chậm, thiếu so với nhu cầu; phân bổ vốn chưa sát với thực tế; điều chỉnh kế hoạch chậm, thủ tục kéo dài; tính sẵn sàng của các dự án đầu tư thấp, hoàn thành thủ tục đầu tư chậm, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng; chậm trễ trong việc hoàn thành  các thủ tục về hồ sơ giải ngân thanh toán cũng như ghi thu, ghi chi.

Trước tình hình hiện nay, đòi hỏi phải có các biện pháp quyết liệt hơn nữa thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài nói riêng; đồng thời phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 1042/CĐ-TTg.

Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến với sự tham gia của 5 bộ có kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi lớn nhất (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Y tế); UBND và các cơ quan, các ban quản lý dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi ở 63 tỉnh, thành phố, với mục đích là tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ tình hình giải ngân vốn, làm rõ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, xác định nguyên nhân của sự chậm trễ.

Tại hội nghị, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng Nghị định mới về quản lý vốn ODA và vay ưu đãi thay thế Nghị định số 132/2018/NĐ - CP và Nghị định số 16/2016/NĐ - CP theo hướng tập trung vào một đầu mối công tác quản lý nợ công; Rà soát để đơn giản hóa các thủ tục hành chính bao gồm quy trình bổ sung kế hoạch vốn hàng năm, cơ chế điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn cũng như cơ chế hạch toán và chuyển nguồn đối với vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành và địa phương rà soát tổng thể việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn đến năm 2020 để kịp thời điều chỉnh và phân bổ vốn cho các dự án đang thiếu vốn nhằm đảm bảo hoàn thành việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao trong giai đoạn 2016-2020 theo đúng Nghị quyết số 71/2018/QH14 của Quốc hội, đảm bảo trong phạm vi 2 triệu tỷ đồng, giảm vốn vay trong nước tương ứng với việc tăng vốn nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bộ Tài chính đề xuất xây dựng Nghị định mới về quản lý ODA để thúc đẩy giải ngân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO