Trong nước

Bỏ mô hình thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố

Hưng Nhật 15/04/2025 - 13:54

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa phê duyệt đề án sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tiến tới bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện) và không tiếp tục duy trì các mô hình thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

Động thái này là bước triển khai thực hiện kết luận của Trung ương tại Hội nghị lần thứ 11, theo định hướng của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, nhằm hiện thực hóa chủ trương tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp: cấp tỉnh và cấp xã.

Hiện nay, cả nước có 84 thành phố trực thuộc tỉnh, 53 thị xã và hai thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (TP. Thủ Đức và TP. Thủy Nguyên). Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, tất cả đều được xếp vào cấp huyện. Tuy nhiên, với đề án mới, các mô hình này sẽ không còn tiếp tục duy trì.

Cấp huyện sẽ chính thức kết thúc hoạt động sau khi Quốc hội thông qua sửa đổi Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi).

Theo đó, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã sẽ được đẩy mạnh, hướng tới mục tiêu tinh giản bộ máy nhưng vẫn đảm bảo gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân tốt nhất. Các phường sau khi sáp nhập sẽ vẫn giữ tên gọi là phường, trong khi xã và thị trấn sau sáp nhập sẽ đồng loạt gọi chung là xã.

bo-cap-huyen-gop-y-ve-hoat-dong.jpg

Một điểm mới đáng chú ý là việc chuyển đổi các huyện đảo và thành phố đảo hiện nay thành đặc khu, đơn vị hành chính đặc biệt thuộc cấp xã. Danh sách 11 huyện đảo chuyển đổi gồm: Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo. Riêng TP. Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ được xem xét chia thành hai đặc khu là Phú Quốc và Thổ Châu.

Việc sáp nhập sẽ không áp dụng với những xã có vị trí biệt lập, khó kết nối giao thông hoặc giữ vai trò chiến lược về quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia. Dự kiến, sau sáp nhập, số lượng đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm từ 60% đến 70%, song vẫn bảo đảm sự tương thích về diện tích, quy mô dân số và khả năng quản lý.

Bên cạnh các tiêu chí diện tích và dân số, Đề án nhấn mạnh việc xem xét toàn diện các yếu tố lịch sử, truyền thống văn hóa, dân tộc, vị trí địa lý, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, cũng như các yếu tố quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý, việc tổ chức lại không gian hành chính cần đặt mục tiêu cao nhất là tạo điều kiện cho phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển và nâng cao vai trò của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. Các khu vực miền núi, đồng bằng và ven biển sẽ được ưu tiên sắp xếp để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với các đơn vị liền kề.

Đề án cũng quy hoạch lại không gian phát triển, khuyến khích bố trí các khu công nghiệp, khu đô thị, cảng biển, logistics, hồ chứa nước, đập thủy điện... trong phạm vi quản lý của một xã hoặc phường nhằm nâng cao hiệu quả điều hành.

Theo Nghị quyết 60 của Trung ương ban hành ngày 12/4, cả nước sẽ tiến hành sắp xếp lại địa giới hành chính theo hướng tinh gọn, với 52 địa phương được sáp nhập, giảm từ 63 xuống còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, 11 địa phương sẽ giữ nguyên hiện trạng: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Cao Bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bỏ mô hình thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO