Bộ Công Thương đề nghị nâng thuế tiêu thụ đặc biệt một số dòng xe ô tô

T.Linh| 06/09/2019 06:59

Bộ Công Thương vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt một số dòng xe.

Bộ Công Thương đề nghị nâng thuế tiêu thụ đặc biệt một số dòng xe ô tô

Trong văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ về đánh giá về thị trường ô tô Việt Nam sau khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực, Bộ Công Thương cho biết, tính đến ngày 30/6/2019 đã cấp 36 Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô cho 29 doanh nghiệp.

Bộ Công Thương đánh giá, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất.

Link bài viết

Cụ thể, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong 6 tháng đầu năm 2019 của Hyundai Thành Công và Thaco Trường Hải là 81.595 xe, tăng 10,8% về số lượng và chiếm 40% tổng lượng xe lắp ráp và nhập khẩu so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương quan về sản lượng giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu trong trung và ngắn hạn đã thay đổi đáng kể theo hướng tích cực từ tỷ lệ 2,5 lần năm 2017 tăng lên thành 3,72 lần trong năm 2018. Nhưng trong những tháng vừa qua của năm 2019, tỷ lệ này lại có sự thay đổi khác biệt theo hướng giảm dần.

Trước xu thế đó, Bộ Công Thương đánh giá: “Ưu thế này sẽ không giữ được lâu nếu sản xuất trong nước không nỗ lực tăng cường chất lượng, hạ giá thành sản xuất để tăng tính cạnh tranh, nhất là việc cạnh tranh đối với xe nhập khẩu từ thị trường ASEAN do được ưu đãi thuế quan”.

Do đó, Bộ Công Thương đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo, đề ra các giải pháp cụ thể về chính sách thuế để góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất lắp ráp ô tô (công nghiệp hỗ trợ).

Trong đó, về thuế giá trị gia tăng, Bộ Công Thương đã đề xuất hoàn thuế giá trị gia tăng trong vòng ba tháng (không thực hiện hoàn thuế theo phương pháp khấu trừ như hiện nay) đối với máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định; áp dụng thuế suất 0% đối với linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Công Thương đề xuất áp dụng có thời hạn từ 5-10 năm, không áp dụng đối với phần giá trị gia tăng tạo ra trong nước đối với sản xuất, lắp ráp ô tô; đồng thời nâng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số các dòng xe ở mức hợp lý.

Về thuế nhập khẩu, Bộ này đề xuất điều chỉnh theo nguyên tắc thuế suất nhập khẩu linh kiện, phụ tùng và nguyên phụ liệu phải nhỏ hơn thuế suất nhập khẩu sản phẩm hoàn chỉnh hoặc ở mức sàn theo các cam kết quốc tế theo từng Hiệp định thương mại tự do. Riêng một số cụm chi tiết quan trọng xe ô tô dưới 9 chỗ như động cơ, hộp số thì điều chỉnh thuế suất về 0% và áp dụng đến năm 2025.

Bộ Công Thương cũng đề xuất miễn thuế hàng hóa nhập khẩu phục vụ làm mẫu để nghiên cứu sản xuất, hiệu chỉnh, lắp ráp dây chuyền công nghệ sản xuất xe ô tô; áp dụng thuế suất 0% đối với máy móc thiết bị, khuôn, đồ gá...; nhập khẩu để tạo tài sản cố định; các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi cao nhất thuế thu nhập cá nhân với các chuyên gia đào tạo và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bộ Công Thương đề nghị nâng thuế tiêu thụ đặc biệt một số dòng xe ô tô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO