Theo Bloomberg, Việt Nam là một trong số ít những quốc gia tạm thời không bị tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa chiến tranh thương mại, mặc dù không ngoại trừ khả năng kịch bản này xảy ra trong tương lai.
Sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định TPP, ông liên tiếp công kích chính sách thương mại của các nước như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Đảng Cộng hòa của ông đang thúc đẩy cải cách thuế theo hướng tăng cường đánh thuế hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia để tăng lợi thế cho hàng Mỹ.
Những động thái này làm gia tăng lo ngại về một kỉ nguyên bảo hộ thương mại mới.
Những nước có nguy cơ bị Mỹ chiến tranh thương mại là những quốc gia hưởng thặng dư trong thương mại song phương. Ông Deborah Elms - Giám đốc điều hành Trung tâm thương mại châu Á chỉ ra rằng, hầu hết các nước ở châu Á đều hưởng thặng dư từ nhiều đến rất nhiều trong xuất nhập khẩu với Mỹ.
Đây là một vấn đề, “ông Donald Trump có thể nổi giận bất cứ lúc nào và lên Twitter công kích những quốc gia này”, vị chuyên gia cảnh báo.
Tại châu Á, hai nước hưởng thặng dư nhiều nhất là Trung Quốc và Nhật Bản, đều đã bị ông Trump "rờ tới". Ông đe dọa gán mác “lũng đoạn tiền tệ” cho Trung Quốc và đánh thuế cao hàng hóa nước này vì các chiêu cạnh tranh không lành mạnh.
Với ngành sản xuất ô tô Nhật Bản, ông đe dọa sẽ tăng thuế nếu Toyota tăng cường xây dựng nhà máy sản xuất xe ở Mexico. Đối với Hàn Quốc ở vị trí thứ tư, ông Trump gọi Thỏa thuận thương mại tự do Hàn - Mỹ ký kết từ năm 2012 là một thỏa thuận “tiêu diệt việc làm” của người Mỹ.
Mặc dù Việt Nam hưởng thặng dư cao thứ ba, đây là một trong các nền kinh tế chưa bị ông Donald Trump “đặt trong tầm ngắm”, bên cạnh Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Ngoài hiệp định WTO, Việt Nam đang có Hiệp định khung về thương mại và đầu tư với Mỹ.
Với Ấn Độ, Mỹ duy trì mối quan hệ tương đối nồng ấm. Thủ tướng Narendra Modi là lãnh đạo thứ năm mà ông Trump điện đàm sau khi nhậm chức, vấn đề về thương mại không được đề cập trong nội dung đối thoại.
Cả Malaysia và Thái Lan đều bị đình trệ trong đối thoại về thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ trước khi ông Donald Trump đắc cử.
Riêng hai nền kinh tế Singapore và Hong Kong chịu ít rủi ro hơn khi đang chịu thâm hụt thương mại với Washington.
>>Đằng sau việc ông Trump chỉ trích Trung Quốc thao túng tiền tệ